Trong lĩnh vực hội họa, họa sĩ thường chọn chủ đề “Tự họa” để đặc tả về chân dung của mình, qua diện mạo đó tác giả có thể diễn đạt tình cảm, sự ưu tư, nỗi buồn hay hy vọng. Tuy vậy, chỉ mỗi một chân dung chưa thực sự chuyển tải hết ý muốn của tác giả nên có nhiều người chọn và thực hiện chủ đề khác để hàm ý đến, ngoài bản thân tác giả còn có những vấn đề rộng lớn hơn, như “Họa thất” hay “Xưởng vẽ”, một nơi chốn sống và làm việc của nghệ sĩ.
Xưởng vẽ-tranh sơn dầu của Gustave Courbet (1855). |
Chủ đề này nổi bật vào đầu thế kỷ 19 qua bức tranh sơn dầu khổ lớn mang bố cục khó giải thích nhất của họa sĩ người Pháp nổi tiếng Gustave Courbet (1819 –1877). Tuy nhiên, chính tác giả đã đưa ra một số manh mối: “Trong tranh, cả thế giới đang đến với tôi. Bên phải bức tranh, những nhân vật trợ lực cho nội dung bức họa, là bạn bè, đồng nghiệp, những người yêu nghệ thuật. Bên trái bức tranh là thế giới khác của cuộc sống hằng ngày, sự nghèo đói và giàu có, người bị bóc lột và người khai thác”. Trong nhóm đầu tiên, những người ở bên phải, chúng ta có thể nhận ra nhà sưu tập nghệ thuật Alfred Bruyas, phía sau anh ta, đối mặt với người xem, triết gia Proudhon. Nhà phê bình Champfleury ngồi trên ghế, trong khi nhà thơ Baudelaire đang cắm cúi đọc một cuốn sách. Ở phía trước, đôi vợ chồng người yêu nghệ thuật, và gần cửa sổ, đôi tình nhân đại diện cho tình yêu tự do. Bên kia “cuộc sống hằng ngày”, chúng ta nhìn thấy một linh mục, một thương gia, một thợ săn, một công nhân thất nghiệp và một cô gái ăn xin tượng trưng cho đói nghèo… Bức tranh thực sự là một tuyên ngôn, mỗi nhân vật có một ý nghĩa khác nhau. Và giữa tất cả sự hiện diện đủ thành phần xã hội này là họa sĩ Courbet đang vẽ, bên cạnh nhân vật nữ hồn hậu, thân hình mỹ miều, cân đối ẩn sau tấm khăn choàng rộng mang vẻ đẹp thánh thiện như chân lý, thêm bên cạnh, một đứa trẻ và một con mèo. Ở vị trí trung tâm bức tranh, họa sĩ tự giới thiệu mình và khẳng định vai trò của nghệ sĩ trong xã hội như một hòa giải viên.
Xưởng vẽ của Francis Bacon 1986. |
Xưởng vẽ của họa sĩ bậc thầy chủ nghĩa ấn tượng Claude Monet thì trái lại, không chỉ hạn hẹp trong một căn phòng mà cả khu vườn rộng lớn. Claude Monet (1840-1926) cũng nổi tiếng với hai khu vườn mà ông tạo ra trên mảnh đất của ông ở Giverny, một ngôi làng thuộc vùng Normandy, miền bắc nước Pháp. Claude Monet sống và làm việc ở đây từ năm 1883 cho đến khi ông qua đời vào năm 1926. Những khu vườn do họa sĩ tự xây dựng và chăm sóc, nay là Bảo tàng Fondation Claude Monet. Gustave Geffroy, người viết tiểu sử của Monet, khẳng định rằng những khu vườn này là các tác phẩm nghệ thuật của Monet. Còn ý kiến của Georges Truffaut, nhà thực vật học, phản ánh có phần thiên vị về nghề nghiệp, đã viết sau cái chết của họa sĩ Monet rằng “Tác phẩm đẹp nhất của Claude Monet, theo tôi, chính là cái vườn lớn rộng của ông ta”. Monet bắt đầu thực hiện khu vườn này sau khi nhìn thấy một bức tranh sơn dầu của Van Gogh cuồng nhiệt yêu hoa và ánh nắng. Khu vườn mang tính biểu tượng của Claude Monet ở Giverny đã được giới thiệu với công chúng đến tham quan. Được biết đến như là “cha đẻ của chủ nghĩa ấn tượng Pháp”, Monet lấy cảm hứng từ những trải nghiệm trực tiếp về thiên nhiên của ông, đỉnh điểm là những nét miêu tả hoành tráng về những vườn hoa miền nông thôn ở Giverny, miền bắc nước Pháp, đã trở thành nỗi ám ảnh suốt đời của ông. Monet đã không vẽ ra khu vườn. Chính khu vườn được tạo ra, duy trì để phục vụ cho sự ra đời của tác phẩm.
Picasso trong xưởng vẽ của mình ở Paris. |
“Xưởng vẽ” nổi tiếng hỗn loạn và tràn đầy năng lượng của Francis Bacon (1909-1992), đưa về từ London, được tái tạo từng mảnh trong Thư viện The Hugh Lane, thành phố Dublin, Ailen. Ông sinh ra ở Dublin, đến London vào những năm 1930, và dành phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời thực hiện một số bức tranh nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Phòng trưng bày The Hugh Lane đã mua lại “xưởng vẽ” của họa sĩ Bacon ở London vào năm 1998. Hơn 7.000 vật thể trong xưởng vẽ của nghệ sĩ đã được thu gom, ghi lại và di chuyển cẩn thận. The Hugh Lane chính thức mở cửa giới thiệu “Xưởng vẽ và tác phẩm” của Francis Bacon cho công chúng vào năm 2001. Lần đầu tiên, một sự kiện hiếm hoi về việc “di dời” một xưởng vẽ với nhiều vật dụng phức tạp từ thành phố này đến một thành phố khác.
Hoa súng - tranh sơn dầu của Claude Monet. |
Khi sinh thời, họa sĩ Picasso sống và vẽ nhiều nơi. Trong đó, có một “Xưởng vẽ” ở tầng trên của khách sạn Savoie, số 7 đường des Grands Augustins, Paris. Nơi đây Picasso sống và làm việc từ năm 1936 đến năm 1955 và cũng tại đây, chính Picasso đã tạo ra kiệt tác Guernica vào năm 1936, khi bắt đầu cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Vào tháng 5 năm 2014, hai tầng cao nhất của tòa nhà, nơi “đã từng” là xưởng vẽ của Picasso được phân loại là di tích lịch sử, theo đơn khởi xướng của tổ chức văn hóa tư nhân Cométhé Pour l’Education Artistique (CNEA). Ngoài việc hoàn thành việc xây dựng lại, địa chỉ này sẽ là một khách sạn và là một điểm văn hóa liên quan đến công việc và tác phẩm của Pablo Picasso.
HOÀNG ĐẶNG (Theo Telegraph)