Trong những ngày đầu thu cuối tháng 8, tôi có dịp may mắn được đến tận đất mũi Cà Mau. Nhà văn Nguyễn Tuân - một thợ luyện kim ngôn ngữ tài hoa đã từng ví: Mũi Cà Mau như “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”. Không biết ông nhà văn nổi tiếng đã đến đất mũi chưa mà có những liên tưởng so sánh độc đáo.
Nhưng chắc chắn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người viết rất hay bút ký “đất mũi” đã đến nơi này viết tường tận “Trên mặt biển hừng sáng, tôi nhìn thấy cánh mũi đất rừng chuồi trên mặt nước, nhọn và sắc như một chiếc mỏ chim… Mũi Cà Mau nhìn giống như một cánh chim hải âu đang lao ra giữa biển đông, nhìn nghiêng thì nó nhọn như vậy. Khi nhìn chính diện từ ngoài khơi ngó thẳng vào Bãi Bùn thì mũi Cà Mau lại tròn vành vạch y như một cái vành đai, vòng tay ôm lấy đất liền…”.
Và tôi khi đặt những bước chân của mình bấm vào bùn đất mũi thì cảm giác gặp Tổ quốc ở đây thật thiêng liêng, gần gụi máu thịt vô cùng. Đất mũi vừa bao la phóng khoáng, hồn hậu của gió biển mặn mòi, vừa níu chặt siết thân của muôn chùm rễ đước ôm lấy đất này ngày một lấn ra biển giữ đất phù sa.
Đến Mũi Cà Mau là niềm mong ước của nhiều người dân Việt Nam. Ảnh: N.THÀNH |
Ở đây người ta ví cây biết đi và đất biết bước. Tính ra mỗi năm mũi Cà Mau vươn ra biển hơn 100m. Bước từng bước vững chãi trưởng thành. Sóng kê cao Tổ quốc, đất rộng dài Tổ quốc. Và kỳ lạ thay ở Cà Mau có hai tên người anh hùng được đặt tên cho hai huyện là huyện Ngọc Hiển - tên người anh hùng Phạm Ngọc Hiển, chỉ huy cuộc khởi nghĩa thắng lợi năm 1940 ở Hòn Khoai, và huyện Trần Văn Thời - tên người Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau năm 1940-1941. Những tên người đã thành tên đất thân thương như dấu ấn lịch sử.
Tôi cũng đã từng lên mỏm tột cùng cực Bắc để ngắm lá cờ Tổ quốc rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em ở đài cao nhất cột cờ Lũng Cú. Và ở đất mũi Cà Mau này tôi lại gặp sắc đỏ cờ Tổ quốc bay trong gió lộng của biểu tượng mang hình cánh buồm trên con thuyền lướt sóng, cách cột mốc cây số không ở Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) đúng 2.354km. Tổ quốc tôi là đây! Một hình hài vừa mang tính biểu tượng thăng hoa mềm mại uyển chuyển như hoa văn trên họa tiết trống đồng, vừa cương nghị thần thái vững chãi khẳng định mốc chủ quyền Đất nước. Vừa là quá khứ lại mang bao khát vọng tương lai. Hướng ra biển lớn cánh buồm no gió thời đại, vừa căng gió nỗi niềm ân tình dân tộc. Hình ảnh lá cờ reo vui phần phật mang cả hình non nước hội tụ về đây với năm cánh sao vàng giữa mênh mông bạt ngàn xanh. Xanh của đước, của tràm, của cây mắm, của đại dương.
Ở đất mũi Cà Mau tôi gặp má Ba Sương năm nay trên 80 tuổi. Và cái khách sạn duy nhất ở mũi đất này cũng mang tên má “Khách sạn Ba Sương”. Má kể: Má cho dựng ngôi nhà có dãy buồng trọ này là để cho khách ở ngoài đó vào thăm đất mũi lỡ chuyến ca nô tối (về Năm Căn), có nơi mà nghỉ lại. Và điều quan trọng hơn là má thèm được nghe kể chuyện ngoài đó với giọng Bắc, giọng Trung ấm áp như giọng của người quê hương Bác Hồ.
Lần đầu tiên tôi được nghe những lời gan ruột thật giản dị và sâu sắc ấn tượng xúc động như thế. Má kể, ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, má mới hơn 10 tuổi, ngồi trong lòng ba ôm lấy cái đài để nghe giọng. Có thể ở tuổi đó má chưa hiểu hết ý nghĩa của những từ tự do, bình đẳng nhưng khi má nghe Bác Hồ giữa chừng đọc tuyên ngôn dừng lại hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?” thì má hiểu rằng đó là lời Cha nói với con khi sum họp vui vầy trong một mái nhà đại gia đình ấm áp. Và cả bà mẹ của má, một người rất giỏi nấu ngon với các món ẩm thực ở đất Mũi ngày xưa đã ao ước có người ra Bắc để gửi cho “ông Cụ” một hũ mắm ba khía - đặc sản vùng đất này và một gói bong bóng cá đường quý hiếm phơi khô dành dụm thật lâu.
Tình cảm của người dân đất Mũi với vị lãnh tụ thật bình dị, thân thiết mộc mạc biết chừng nào. Một ước muốn thật đơn sơ mà chứa chan biết bao hương vị của tình người, tình đất. Trong những năm kháng chiến ác liệt: Một ngôi đền thờ Bác Hồ được lập ra thật trang trọng thiêng liêng trong rừng đước mà má Ba Sương - cô du kích áo bà ba, khăn rằn quấn ngang vai với chiếc xuồng ba lá đã chăm lo nến đèn hương khói. Tấm ảnh Bác Hồ và sắc đỏ lá cờ Tổ quốc luôn là một biểu tượng niềm tin bất diệt với người dân đất Mũi.
Tổ quốc ở nơi tận cùng Đất nước dâng lên trong tôi những bồi hồi vang vọng. Sóng biển cứ vỗ vào đất liền ngàn đời, nhưng ngọn sóng ở đây có gì hơi khác. Sóng chạm đến đất này lại có gì rưng rưng trong từng huyết quản. Tổ quốc mặn mòi là thế, hiền hòa là thế nhưng cũng phải trải qua bao bão tố phải quặn mình, gồng mình lên sóng cuộn vào nhau, kiên gan bền bỉ như những chùm rễ đước mọc ken dày ở đất này. Đôi lúc tôi cứ hình dung chùm rễ sần sùi gốc đước như cái nơm đan bằng tre chụp xuống đồng quê thôn Việt những mùa nước trắng mênh mông để bắt cá đồng. Và đước như là cây tre của vùng đất Mũi. Cùng giữ làng, giữ nước cũng là thứ vũ khí thô sơ vót nhọn thành chông, thành mũi lao, mũi mác. Đước cũng chính là rường cột để dựng nhà, lập ấp.
Đến đất mũi Cà Mau lần đầu tiên tôi bắt gặp hòn than - hòn đước kỳ lạ. Năng lượng của hòn than đước là năng lượng của tình người. Hòn than cháy thật đượm, bền bỉ và can trường, than truyền cho mỗi người vững chãi một niềm tin. Than đước như hội tụ, kết đọng lại và tỏa ra sức nóng âm ỉ để chợt bùng lên cháy đượm mặc gió, mặc mưa, mặc bão. Than đước cháy từ mạch nguồn kênh rạch ở đất này, than đước như chứng nhân chứng thực khẳng định sức sống của Tổ quốc thân yêu nơi đất Mũi.
Trước mũi đất mênh mông sóng vỗ và bạt ngàn rừng đước Cà Mau tôi vẫn ngỡ còn nghe âm vang giọng đọc Tuyên ngôn Độc lập trầm ấm của Bác Hồ kính yêu. Ở nơi tận cùng đất Mũi, Tổ quốc thật thiêng liêng. Thiêng liêng từ đất đai sông nước. Thiêng liêng từ tình người Cà Mau gắn bó suốt đời đi theo cách mạng. Thiêng liêng như biểu tượng: “Tổ quốc tôi như một con tàu - Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” (Xuân Diệu). Mũi thuyền con tàu của Đất nước giương cao lá buồm lộng gió hướng ra biển khơi mang theo cả sức mạnh tiềm năng truyền thống lịch sử của dải đất hình chữ S thân yêu. Tổ quốc ở nơi đây đã hóa thành máu thịt.
NGUYỄN NGỌC PHÚ