Phải “tự thân vận động” trong rất nhiều vấn đề như xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên, chuẩn bị nguồn lực tài chính, tuyển sinh, tìm đầu ra hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp…, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngoài công lập đã góp phần đào tạo nghề cho hàng nghìn sinh viên, hằng năm bổ sung cho xã hội một nguồn lực không nhỏ có chuyên môn trên nhiều lĩnh vực.
Học viên Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc tham gia cuộc thi nấu ăn cùng các trường nghề trong cả nước tháng 4-2017. (Ảnh Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc cung cấp) |
Những quyết định mang tính đột phá
Với 35 ngành đào tạo, Trường ĐH Duy Tân hiện nay tuyển sinh khoảng 5.000 sinh viên (SV) mỗi năm, là một trong những trường đại học tư thục trong cả nước tạo được chỗ đứng nhất định về uy tín, chất lượng cũng như quy mô đào tạo đối với người học và đơn vị tuyển dụng không chỉ ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Nhiều mục tiêu trường đặt ra đã đạt được như đưa giáo trình khởi sự doanh nghiệp vào giảng dạy từ năm 2001; năm 2009 là một trong 40 trường đầu tiên ở Việt Nam tham gia kiểm định chất lượng; thực hiện báo cáo công khai đội ngũ, cơ sở vật chất và tỷ lệ SV có việc làm từ 2010.
Cũng từ năm 2010 đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; chấm dứt đào tạo trình độ trung cấp và hệ vừa học vừa làm; năm 2016 lọt vào top 4 trường trong nước có số lượng lớn bài báo quốc tế được công bố, và dự kiến năm 2018 trường sẽ chấm dứt hệ đào tạo cao đẳng.
Ngoài ra trường còn liên kết đào tạo với 6 trường đại học của Mỹ như ĐH Troy, ĐH Keuka, ĐH Upper Iowa, Purdue, ĐH Appalachian State, ĐH Medaille tuyển sinh chương trình du học tại chỗ và liên kết 2+2, liên kết với ĐH Coventry (Anh) tuyển sinh chương trình liên kết du học CU 3+1 ở khối ngành kinh tế, du lịch, công nghệ thông tin…
Từng bước đạt được những mục tiêu ấy, Trường ĐH Duy Tân có những giai đoạn, những quyết định mang tính đột phá. Năm 1995 khi mới tuyển sinh khóa đầu tiên với 500 SV, trường tập trung đào tạo những ngành thuộc khối kinh tế-tài chính và xã hội-nhân văn, giá trị đầu tư trên chi phí người học chưa nhiều.
Bước qua giai đoạn những năm 2000, trường đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên, mở thêm những ngành như xây dựng, kiến trúc. TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường lý giải: “Nếu chỉ có một vài mã ngành sẽ thiếu cân đối, không đa dạng, giá trị đầu tư cho người học thấp, nên nhà trường quyết định mở thêm những ngành có giá trị đầu tư cao bởi cần phòng học đúng chuẩn, có trang thiết bị hỗ trợ ngành học, khi 50% giờ học là thực hành tại phòng lab”.
Và đến 2009, trường mở thêm khối ngành chăm sóc sức khỏe là điều dưỡng, dược, y đa khoa. Cũng giai đoạn này, từ 4 khối ngành đào tạo trình độ đại học, trường đào tạo sau đại học ở bậc tiến sĩ cho ngành máy tính và quản trị kinh doanh. Hiện nay, có 3 ngành đào tạo ở bậc tiến sĩ là kế toán, quản trị kinh doanh và khoa học máy tính và 5 ngành đào tạo ở bậc thạc sĩ.
Có một điểm chung giữa các trường CĐ, ĐH tư thục trong hệ đào tạo là họ chú trọng vào những ngành nghề mà xã hội đang và sẽ cần trong tương lai để đẩy mạnh quy mô đào tạo. Bởi vậy việc cân đối số lượng nhiều hay ít SV trong những ngành học đó được các trường triển khai một cách linh hoạt, nhờ đó họ có thể “sống” và lớn mạnh, nhất là khi mỗi SV là một đơn vị học phí, là những nền tảng xây dựng trường.
TS Võ Thanh Hải nhấn mạnh, hiện nay nhà trường chú trọng đào tạo những ngành nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, tập trung vào khối ngành kỹ thuật (xây dựng, công nghệ thông tin, điện tử), sức khỏe và du lịch.
Còn ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Việt-Úc, cách đây 10 năm cùng các cộng sự nhận thấy Nghị định 69/2008/NĐ-CP về khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… và các nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên bỏ vốn đầu tư vào việc thành lập trường, chỉ tập trung đào tạo các ngành nghề liên quan đến du lịch, dịch vụ.
Ông Đặng Phúc Sinh bày tỏ là có giai đoạn các ông “cảm thấy lo ngại” khi chỉ đầu tư tập trung vào một lĩnh vực đào tạo, không đa ngành như các trường khác. Và rồi ông nhận ra là “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, một nghề nhưng có thể thăng hoa, nên trường Việt-Úc xác định theo đuổi trung thành mục tiêu đặt ra ban đầu.
Và đến nay trường chiếm thị phần khoảng 15% trong tổng số hơn 20 trường ĐH, CĐ có dạy ngành du lịch với hàng nghìn SV mỗi năm. Đây là một con số không hề nhỏ trong quy mô đào tạo. Cách đây 10 năm, trường tuyển sinh khóa đầu với 128 học viên sơ và trung cấp, con số hiện nay trường tuyển mỗi năm lên trên 1.000 học viên/năm.
Trường CĐ Phương Đông, khi mới mở ra cách đây gần 20 năm, tập trung tuyển sinh và đào tạo số lượng lớn SV ngành chăm sóc sức khỏe. Những năm đầu trường mở đến 16 lớp với 70 SV/lớp ngành điều dưỡng. Nhờ đó trường tạo được tiếng vang trong quy mô đào tạo ngành này, và đáp ứng đủ cho nhu cầu của xã hội giai đoạn đó đang rất thiếu điều dưỡng. Bên cạnh đó có các ngành tuyển sinh rất đông như văn thư-lưu trữ, kỹ thuật xây dựng, điện dân dụng, cấp thoát nước. Nhưng sau đó vài năm, nhiều trường tư cùng đổ xô vào đào tạo ngành điều dưỡng, khiến nhân lực ngành này dư thừa. Đến nay, Trường CĐ Phương Đông tuyển sinh ngành điều dưỡng chỉ còn khoảng 30% so với trước đây. Nhiều ngành cũng phải thu hẹp quy mô đào tạo.
Ông Lê Ngọc Việt, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Phương Đông cho biết, qua năm 2018, trường sẽ bỏ đào tạo hệ trung cấp. Và từ đầu năm 2017 đến nay trường tập trung đào tạo cho SV ngành điều dưỡng tiếng Đức và tiếng Nhật và sắp tới sẽ đưa các em sang làm việc tại hai nước này. Ngoài chương trình chung, có các chuyên gia y tế từ Đức sang hỗ trợ SV những chuyên môn cần thiết như chăm sóc người già để sau này các em không cần đào tạo lại.
Cam kết việc làm cho sinh viên
Một “gánh nặng” và cũng là mục tiêu hướng đến người học của các trường đào tạo nghề tư thục đó là tìm việc làm cho SV. Cũng có thể rơi rớt vài chục phần trăm SV từ trường tư ra trường không tìm được việc làm. Điều này phải kể đến khả năng đáp ứng, trình độ chuyên môn sâu, việc giỏi hay không các chuyên môn bổ trợ khác là ngoại ngữ và tin học, và yêu cầu riêng của từng cá nhân SV.
Những điểm được kể ra cũng là mẫu số chung của những SV rơi vào tình trạng không có việc làm hiện nay. Bởi xã hội nay đã hạn chế đến mức thấp việc nhìn nhận bằng cấp giữa trường công hay trường tư, mà đánh giá thực chất hơn dựa trên năng lực của đội ngũ mà nhà tuyển dụng cần.
TS Võ Thanh Hải nhìn nhận: Sự e dè của xã hội là đúng. Nhất là các trường tư “sinh sau đẻ muộn”, chưa tạo được tiếng vang qua chất lượng người học, qua số lượng SV ra trường có việc làm. Và Trường ĐH Duy Tân xác định từ năm 2010, nếu không nghiên cứu khoa học thì trường chưa mang đầy đủ ý nghĩa của một trường đại học, phải đào tạo ra những con người có trình độ từ cao đẳng trở lên.
Bởi thế mà có 443 lượt giảng viên được gửi sang các trường ĐH ở Mỹ để đào tạo và hàng trăm giảng viên được các giáo sư tại Mỹ sang đào tạo phần cơ bản. Đến nay trường có khoảng 20% giảng viên/758 người có học hàm, học vị tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư.
Trường ĐH Duy Tân thường xuyên tổ chức giao lưu khoa học để giúp SV học và làm việc với SV ở môi trường quốc tế; tham gia kiểm định chất lượng trong và ngoài nước, giúp xã hội giám sát chất lượng đào tạo như đã cam kết.
Bên cạnh đó, trường mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo thông qua báo cáo ngoại khóa, hướng dẫn tốt nghiệp. Qua khảo sát của nhà trường, sau 6 tháng đến 1 năm sau khi tốt nghiệp, có khoảng 85% SV ra trường có việc làm (tỷ lệ phản hồi của SV sau khi có việc làm đến giảng viên là 20% qua thư, hơn 60% qua thư điện tử và 80% qua điện thoại).
Trước năm 2010, trường chỉ khảo sát để làm dữ liệu đánh giá và sau 2010 tỷ lệ có việc làm đạt 85%. Giai đoạn 2011-2016, có 75% trong tổng số 85% số SV có việc làm đã làm đúng ngành nghề đào tạo. TS Võ Thanh Hải nhấn mạnh, là khi SV có việc làm đúng chuyên môn, có việc làm tốt sẽ là “vết dầu loang”, tạo ra niềm tin ở nhà tuyển dụng. Uy tín, sự vững mạnh của nhà trường do chính người học quyết định.
Trường CĐ Nghề Việt-Úc đào tạo học viên theo mô hình thực nghiệm, gắn với doanh nghiệp. Ngoài đội ngũ giảng viên của trường, ông Đặng Phúc Sinh mời các chuyên gia đang làm việc ở các khu nghỉ mát đến giảng dạy.
“Chúng tôi tận dụng họ kiến thức chuyên môn bởi họ đều là người có hàng chục năm kinh nghiệm, đứng đầu các vị trí quản lý trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Nhờ đó việc xác định mô hình đào tạo thực nghiệm và có việc làm cho học viên sau khi ra trường với tỉ lệ đạt đến 95% là kênh thông tin quan trọng để người học tin tưởng vào chúng tôi”, ông Sinh cho hay.
Trong 10 năm đã có gần 10.000 học viên ngành dịch vụ-du lịch tốt nghiệp từ trường Việt-Úc. Ngoài đào tạo học viên từ bậc phổ thông, trường còn đào tạo nâng cao cho doanh nghiệp và tư vấn ý tưởng cho các khách sạn khi họ bắt đầu xây dựng. Từ năm 2014 trường đẩy mạnh đào tạo lại nhân viên cho các doanh nghiệp. Từ đầu năm 2017 đến nay đã có 500 người được đào tạo lại.
Còn Trường CĐ Phương Đông sau thời “hoàng kim” với việc đào tạo ngành điều dưỡng, văn thư-lưu trữ… hiện nay tập trung vào những ngành nghề xã hội cần như du lịch, kỹ thuật điện, điện ô-tô. Nhà trường cam kết SV có việc làm sau khi tốt nghiệp bằng việc liên kết với các khách sạn, các gara sửa chữa ô-tô và Công ty Ô-tô Trường Hải.
Ngoài cam kết việc làm, các trường ĐH, CĐ tư thục còn thực hiện các chính sách như miễn, giảm học phí, trao học bổng. Trường CĐ Nghề Việt-Úc trao gần 100 suất học bổng mỗi năm; Trường ĐH Duy Tân thực hiện chính sách trao học bổng cho SV giỏi từ năm 1998 với con số 1-2 tỷ/năm, 3 năm gần đây trao khoảng 5 tỷ học bổng/năm.
Có nhiều chính sách phát triển của các trường tư như mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường từ bài giảng cho đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; gửi SV đến thực tập nhiều kỳ; cam kết việc làm… đã được họ tiến hành từ 15-20 năm qua, đây là con đường phát triển cần thiết để hai bên cùng có lợi, mà nhiều trường công hiện nay đang đưa vào áp dụng. Hay như việc Trường CĐ Nghề Việt-Úc đang liên kết với ĐH Quy Nhơn đào tạo kỹ năng cho SV ngành du lịch, được kỳ vọng là hướng đi có thể thay đổi chính sách của Nhà nước trong vấn đề đào tạo theo hướng thực hành, gắn với thực tế. Chính sách quản trị doanh nghiệp thành công ở các trường tư cũng có thể là mô hình cho các trường công học theo khi tiến hành tự chủ tài chính.
Theo số liệu từ ĐH Đà Nẵng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, thương binh và Xã hội Đà Nẵng: Ở khối trường công lập hiện có 7 trường đại học, cao đẳng thành viên trực thuộc ĐH Đà Nẵng, mỗi năm tuyển sinh 12.000 SV; có 4 trường đại học ngoài công lập đào tạo hệ đại học và cao đẳng mỗi năm tuyển sinh 9.000 SV. Ở hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp, hiện nay có 21 trường cao đẳng (trong đó có 11 trường ngoài công lập), 6 trường trung cấp (trong đó có 5 trường ngoài công lập) tổng quy mô đào tạo của hệ cao đẳng là 18.245 SV, hệ trung cấp là 11.810 SV. |
HOÀNG NHUNG