43 năm qua, Đà Nẵng đã có lực lượng văn nghệ sĩ đông đảo, từ địa hạt của nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật tạo hình đến địa hạt của nghệ thuật biểu diễn, từ lĩnh vực sáng tác đến nghiên cứu và lý luận phê bình...
NSƯT Hoàng Hải tham gia đóng nhiều phim: Cảnh sát hình sự, Đường đời, Bí mật Tam giác vàng, Đường lên Điện Biên… Trong ảnh: NSƯT Hoàng Hải trong phim Những người viết huyền thoại. |
Chỉ nói riêng về những văn nghệ sĩ đã thành danh trước năm 1975, bên cạnh những người hoạt động văn học - nghệ thuật (VHNT) tại nội thành Đà Nẵng như: Nguyễn Văn Xuân, Đông Trình, Đỗ Toàn, Phạm Văn Hạng…, có thể kể những văn nghệ sĩ mới đến/mới về lại Đà Nẵng từ vùng giải phóng hoặc từ hậu phương lớn miền Bắc như các nhà văn Phan Tứ, Lưu Trùng Dương, Thái Bá Lợi, Thanh Quế…; các nhạc sĩ Phan Ngọc, Thanh Anh, Minh Đức, Trần Hồng, Trương Đình Quang…; các nhà hoạt động sân khấu Hoàng Châu Ký, Hồ Hải Học…; nhà điêu khắc Phạm Hồng, nghệ sĩ múa Lê Huân… Những văn nghệ sĩ này sớm có thành tựu đáng kể trong nghề vẫn tiếp tục sáng tạo sung mãn trong lao động nghệ thuật, cùng những văn nghệ sĩ mới gầy dựng “thương hiệu” sau khi thống nhất nước nhà, góp phần làm nên diện mạo văn học nghệ thuật Đà Nẵng đương đại.
Tính đến đầu năm 2018, Đà Nẵng có 1 văn nghệ sĩ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (nhà văn Phan Tứ) và 8 văn nghệ sĩ được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT; 3 văn nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND và 29 người được phong tặng danh hiệu NSƯT. Ngoài ra, văn nghệ sĩ Đà Nẵng còn giành được nhiều giải thưởng quốc gia và không ít giải quốc tế về VHNT như Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Dương Mộng Thu, Thân Nguyên…
Thấm đẫm thực tiễn địa phương là đặc điểm nổi bật của cảm hứng nghệ thuật trong văn nghệ sĩ Đà Nẵng 43 năm qua. Thực tiễn đó có thể là lịch sử Quảng Nam mở cõi khởi nguyên từ 600 năm trước, có thể là lịch sử phong trào Duy tân đất Quảng đầu thế kỷ XX, hay là lịch sử 2 lần Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đương đầu với các thế lực xâm lược Pháp, Mỹ; cũng có thể sự chuyển mình ngoạn mục của một Đà Nẵng trẻ trung, năng động hiện nay; mà cũng có thể là nỗi đau về chủ quyền khi huyện đảo Hoàng Sa vẫn còn bị Trung Quốc chiếm đóng. Đây chính là nguồn cảm hứng nghệ thuật mạnh mẽ của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, nhất là trên lĩnh vực sáng tác. Đặc điểm này đã chi phối cảm hứng nghệ thuật của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, từ đó chi phối việc lựa chọn và thâm canh trên một hoặc một số đề tài sáng tác nhất định liên quan đến thực tiễn địa phương. Văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã tận dụng được ưu thế của người trong cuộc để sáng tác đạt chất lượng nghệ thuật như mong đợi.
Tuy nhiên, VHNT 43 năm qua vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Chẳng hạn, trên địa hạt văn chương đang có tình trạng mất cân đối về lực lượng sáng tác: người trẻ ít hơn người già, người làm thơ nhiều hơn người viết văn xuôi; mảng sáng tác nhiều hơn mảng lý luận phê bình; mảng văn học thiếu nhi chưa thật phát triển…
Riêng lĩnh vực thơ, trong một cuộc tọa đàm về thơ nữ mới đây, nhà thơ Thanh Quế cho rằng, thơ nữ Đà Nẵng chưa thật đọng và quan trọng hơn là chưa chạm đến trái tim của nhân dân. Chưa thật đọng theo ý Thanh Quế là chưa có những câu thơ/bài thơ đủ sức đi cùng năm tháng, đủ sức khắc sâu trong ký ức người đời. Chưa chạm đến trái tim nhân dân theo ý Thanh Quế là do thơ còn thiếu những “Tiếng thét” (Thanh Quế mượn tên bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Na Uy Edvard Munch) vang động trước số phận của nhân dân, trước những niềm vui và nỗi buồn nhân thế. Có điều chính Thanh Quế cũng nói thêm rằng, chưa chạm đến trái tim của nhân dân là nhược điểm chung của cả thơ nữ và thơ nam, và không chỉ riêng của thơ Đà Nẵng.
Ở lĩnh vực điện ảnh, hiện nay, điện ảnh Đà Nẵng chủ yếu gắn với truyền hình và hầu hết thành tựu trong nghề đều nằm ở lĩnh vực phim tài liệu truyền hình. Nói hầu hết là bởi Đà Nẵng cũng có một vài đạo diễn chuyên làm phim truyện - như Lê Ngọc Linh, một vài nhà văn chuyên viết kịch bản phim truyện - như Quế Hương, một vài diễn viên chuyên đóng phim truyện - như Hoàng Hải, nhưng tất cả đều phải cộng tác với các hãng phim của thiên hạ, bởi những năm gần đây, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8) chủ trương không làm phim truyện nữa. Ngay cả phim tài liệu truyền hình vốn là điểm mạnh của điện ảnh Đà Nẵng cũng bắt đầu gặp khó khăn.
Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng thành phố (29-3), Đà Nẵng chuẩn bị phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng lần thứ ba. Làm sao để có một “địa phương ca” như mong đợi vẫn đang là nỗi trăn trở của các nhạc sĩ Đà Nẵng dù thời gian qua đã có những “địa phương ca” thân quen như: Đà Nẵng tình người, Chiều Đà Nẵng, Đà Nẵng thành phố tôi yêu, Đà Nẵng thành phố tuổi thơ tôi, Nhịp điệu thành phố, Sông Hàn tình yêu của tôi... Tuy nhiên, đây chính là chỗ ám ảnh nhất của người Đà Nẵng khi cảm thấy dường như mọi nỗ lực đầu tư cho sáng tác “Đà Nẵng ca” vẫn chưa đủ để vượt lên mặc cảm thua chị kém em so với Huế thương hay Quảng Nam yêu thương của hai tỉnh láng giềng, hoặc so với Thành phố hoa phượng đỏ của Hải Phòng kết nghĩa… Hy vọng cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng lần thứ ba sẽ được nhiều nhạc sĩ trong cũng như ngoài thành phố nhiệt tình hưởng ứng và sáng tác thành công những bài “Đà Nẵng ca” lay động lòng người.
Đặc điểm thấm đẫm thực tiễn địa phương được thể hiện rõ qua phần lớn các thành tựu sáng tạo văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, chẳng hạn những thành tựu trong lĩnh vực tiểu thuyết như: Kỳ nữ họ Tống của Nguyễn Văn Xuân; Vầng trăng ban ngày, Mạch nước trong của Vĩnh Quyền, Minh sư của Thái Bá Lợi, Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam...; lĩnh vực điện ảnh như các phim tài liệu: Người giữ thành Hà Nội, Người cho sông núi mượn tên, Con mắt còn có đuôi... của Huỳnh Hùng; lĩnh vực âm nhạc như các ca khúc Chuyện tình Tiên Sa của Phan Ngọc, Đà Nẵng thành phố tôi yêu của Thanh Anh, Đà Nẵng - thành phố đầu biển cuối sông của Minh Đức, Nguyễn Văn Soong...; lĩnh vực múa như kịch múa Huyền tích Ngũ Hành Sơn của Lê Huân...; lĩnh vực điêu khắc như tượng Mẹ Dũng sĩ của Phạm Văn Hạng… |
BÙI VĂN TIẾNG