Phương hay Thuốc quý

Ngải máu hay Cẩm địa la

.

Một đồng nghiệp mang từ Duy Xuyên, Quảng Nam ra cho tôi mấy củ tươi một loài cây thuốc quý. Tôi vùi vào một chậu kiểng, sau mấy tháng đợi cây đâm chồi nảy lá đầy đủ, nhờ vậy mới xác định được đó là Ngải máu hay Cẩm địa la, còn gọi là Ngán trắng, Thiền liền tròn, Tam thất hải nam - Kaempferia rotunda L., thuộc họ Gừng - Zingiberaceae.

“Ngải máu hay Cẩm địa la/ Tiêu sưng, bổ máu, đắp xoa chữa ngoài”. Ảnh: P.C.T
“Ngải máu hay Cẩm địa la/ Tiêu sưng, bổ máu, đắp xoa chữa ngoài”. Ảnh: P.C.T

Đây là loài cây thảo cao 30-40cm, có nhiều củ to, hình trứng không đều; rễ con hình sợi ngắn kết thúc bằng một củ hình trứng. Lá xuất hiện sau khi cây ra hoa, thành búi 2-5 lá có bẹ ở gốc, thuôn nhọn ở hai đầu, mặt trên loang lổ những vết màu đỏ tía sẫm, mặt dưới có ít lông mềm; cuống có lá bẹ, màu tía.

Cụm hoa mọc từ rễ trước các lá, không cuống, có 6-8 hoa mang mỗi cái 2 lá bắc; tràng hoa có ống dài và hẹp có phiến ngoài chia làm 3 đoạn không bằng nhau, mà 2 trong 3 cái đó hình ngọn giáo nhọn, màu trắng, mép có vạch đỏ, và đoạn thứ ba màu tím nằm ở dưới, rũ xuống và chia làm hai thùy hình giáo rộng nhọn. Thường dùng củ làm thuốc.

Một số tài liệu có ghi loài quý hiếm, đặc hữu phân bố ở Kon Tum, An Giang, TP. Hồ Chí Minh; nhưng cũng có tài liệu nói loài này trồng lâu đời ở các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Lào, Malaysia, Indonesia và Trung Quốc (Hải Nam, Đài Loan, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam). Cây thường mọc hoang ở nơi đất mùn ẩm, dưới tán rừng.

Cũng được trồng vì hoa đẹp và có mùi thơm dịu. Cây ưa ẩm và hơi chịu bóng, thường được trồng xen trong vườn cây ăn quả, sinh trưởng mạnh vào mùa xuân - hè, đến cuối thu hoặc đầu đông, toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi, đến giữa mùa xuân năm sau bắt đầu có hoa. Thu hái củ vào mùa đông - xuân, rửa sạch, thái phiến phơi khô.

Thành phần hóa học trong củ có chứa 0,2% tinh dầu có màu vàng nhạt.

Theo Đông y, Ngải máu có vị cay nồng, đắng, hơi hăng, mùi thơm mạnh, tính bình, có tác dụng bổ huyết, điều kinh, cầm máu, giảm đau, giải độc, tiêu thũng. Ngoài làm thuốc, củ và lá non dùng ăn được.

Theo Trung hoa bản thảo, Ngải máu có tên Tam thất hải nam (海南三七), có vị cay tính ấm, có độc ít, có công năng hoạt huyết giảm đau, chủ trị tổn thương do đánh ngã, đau dạ dày.

Ở Java, lá non và củ cũng được dùng làm gia vị. Người ta dùng củ làm thuốc chữa kinh bế đau bụng, và hành kinh loạn kỳ, người gầy sạm, máu xấu, kinh ít. Còn dùng chữa đau dạ dày, đại tiện ra máu, sơn lam chướng khí, lở loét, ngộ độc các loại, đau xương và nhất là đau bụng.

Ở Ấn Độ, người ta dùng cây lá làm thuốc đắp các vết thương, u, sưng. Rễ củ được dùng làm thuốc lợi tiêu hóa, dùng đắp tiêu sưng viêm và làm bột đắp gây mưng mủ. Củ còn dùng làm thuốc lợi tiêu hóa, dùng đắp ngoài trị bệnh quai bị. Do củ thơm nên người ta dùng chế mỹ phẩm.

Ở Indonesia, thân rễ trị đau bụng và được coi là thuốc làm mát. Cả cây giã nát cùng với lá Thường sơn, Hành đỏ và ít muối có tác dụng ngăn chặn sốt cơn.

Ở Philippines và Malaysia, thân rễ được dùng chữa đau dạ dày, làm lành và nhanh lành sẹo các vết thương

Liều dùng 6-12g, dạng thuốc sắc, hoặc dùng 4-8g bột uống với nước cơm. Người ta cũng dùng rễ củ nghiền sống với rượu thoa đắp ngoài.

Bài thuốc:

- Chữa đau dạ dày hay đại tiện ra máu: Bột củ Ngải máu uống mỗi lần 4-6g với nước cơm, vào lúc đói (theo Lê Trần Đức, Trồng hái và dùng cây thuốc, tập II).

- Chữa đau bụng lăm răm, đầy hơi, khó tiêu, sốt rét: Ngải máu, Hậu phác nam, Trần bì, Bán hạ chế, Nghệ đen, Chỉ xác, Rẻ quạt, Hạt cau, Vỏ rụt, mỗi vị 12g, Thảo quả 6g, sắc uống (theo Viện Dược liệu, Cây thuốc và động vật là thuốc ở Việt Nam, tập II).

- Hỗ trợ điều trị ung thư vú, trừ di căn và chống tái phát: Hồi đầu (Thủy điền thất - Schizocapsa plantaginea), Ngải máu, Mật gấu, Vảy tê tê (sao cát cho phồng), đều bằng nhau, tán bột, dùng nhựa cây Si làm chất dính để viên, sấy khô. Uống mỗi ngày 3g chia 3 lần (theo Lê Trần Đức, Chăm sóc bà mẹ trẻ em theo Y học cổ truyền).

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.
.