Tôi thường nghĩ đến rượu trong những cơn say của bố. Chân nam đá chân chiêu bố trở về nhà thở ra hơi rượu. Con chó lảng xa, con mèo không dám lại gần. Mọi người trong nhà chẳng ai bảo ai cũng đi nhẹ nói khẽ cố không động vào ý nghĩ người say. Có những cơn say như sóng dữ phá tan hoang ngôi nhà nhưng cũng có những cơn say hiền như giấc ngủ trưa. Tôi từng có lần viết những câu thơ tặng bố, tặng cho men rượu:
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bố ơi cây sấu vừa rụng lá
cây bưởi đã ra hoa
cây đào bắt đầu có quả
cây mai Yên Tử vừa đi qua một mùa hoa rực rỡ
Cây cối xanh hết mình phụng sự
Rượu có gì mà bố dốc mình. Say?
Bạn rượu của bố thường không mấy khi được những người đàn bà chào đón. Có thể là ông chú vừa uống vừa ngâm thơ, ngâm từ khi giọng còn trong vắt đến tận lúc ngấm men rượu khàn đặc thì đứng dậy ra về.
Dốc cạn ly, chờ đợi cho giọt rượu cuối cùng rơi vào vòm họng thì lẳng lặng ra về không chào một ai. Dáng ông chú già nhìn đơn độc như thân cây trong mùa trụi lá. Vợ bỏ đi, các con cũng tha phương, ông sống một mình và nhìn đời nghiệt ngã.
Chỉ những lúc say ông mới thấy “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?”(*). Bạn rượu của bố còn có cậu em vừa uống vừa vung tay chém gió kể đủ thứ chuyện lạ lan truyền trong thiên hạ. Như chuyện ở trên một ngọn núi cao nào đó có một ông thầy chữa được bách bệnh. Núi tên gì ấy hả? Ai mà biết.
Chữa bằng loại thuốc gì ấy hả? Đâu có phải cứ chữa bệnh là cần đến thuốc đâu anh? Ông ấy chữa bằng phương pháp Đạo học. Tức là giúp con người quay về với đời sống tâm linh, dưới quyền năng của Đạo để giác ngộ và thay đổi đời sống.
Nhờ đó mà khỏi được thân bệnh, tâm bệnh và nghiệp bệnh. Sao, anh không tin à? Không tin thì thử đi tìm núi xem sao. Tôi ngợ như người này không say. Tôi ngợ như có người càng uống rượu thì càng tỉnh. Có người vừa uống vừa khóc khan. Cũng có người vừa uống vừa cười, cười ra nước mắt.
Đôi khi bố ngồi uống rượu một mình đơn độc giữa những người thân đang tồn tại xung quanh. Bố như không nghe thấy tiếng cháu nói cười, tiếng con mèo đòi ăn, tiếng chú chó nằm dưới gốc đào già sủa vọng ra đường.
Trận đấu bóng trên ti-vi cũng không còn làm bố thấy hứng thú bằng thứ men cay. Mồi nhắm của bố nhiều khi cầu kỳ lắm, là món rau bò xào với đầy đủ gia vị, món chân gà tẩm ướp đúng kiểu, món trứng vịt lộn ăn với đủ loại rau thơm chứ đâu chỉ gừng thái chỉ và rau răm.
Nhưng cũng có khi mồi nhậu chỉ đơn giản là mấy quả ổi xanh chấm muối, chuối xanh tước vỏ hoặc ít bỏng ngô mẹ mới nổ hồi chiều. Nhưng cũng có hôm bố nhậu suông vậy thôi, chẳng cần mồi cũng say. Út bảo “đâu phải, bố nhậu với nỗi buồn đó chị”. Ừ thì…
Đàn bà khi ngồi với nhau thỉnh thoảng cũng nhớ về rượu. Nhưng không phải lúc nào nói về rượu cũng đầy tiếng thở than. Hạnh kể Tết năm nào mẹ cũng nấu vài nồi rượu. Mẹ cẩn thận từng khâu và hào hứng y như làm mứt gừng, mứt bí, làm dưa hành, nem tai, giò thủ.
Mẹ chọn gạo ngon, men tốt để ủ rượu. Mẹ nấu rượu ngon nhất làng ngoài trộn “tỷ lệ vàng” giữa men với cơm rượu chắc còn do mẹ rất mát tay. Hạnh nhớ những buổi sáng cuối năm tỉnh dậy đã thấy mình lâng lâng trong mùi cơm ủ men thơm ngào ngạt. Chẳng cần nhấp môi đã thấy say, đến cả những chú mèo hình như cũng ngấm đầy men rượu.
Có lẽ vì thế mà Hạnh luôn cảm thấy hoa nở ngoài sân, chim hót ngoài vườn lung linh và bay bổng đến kỳ lạ. Rượu mẹ nấu đủ dùng cho cả năm. Ấy là những dịp giỗ Tết, anh em bạn bè về đông đủ bố mới rót rượu ra mời.
Chứ thường ngày bố không bao giờ uống rượu dù chỉ là một cái nhấp môi. Kể cả những khi buồn nhất bố cũng chỉ lặng lẽ vào ngồi trong buồng rượu. Như hôm bà nội mất, chôn cất bà xong xuôi bố đóng cửa buồng rượu ở lì trong đó ba ngày. Lúc bước ra với đôi mắt đỏ hoe, bố cười bảo “chắc tại vì hơi rượu”.
Phương kể về rượu bằng cái giọng vừa hài vừa ám ảnh. Hôm Phương bị quai bị, nghe hàng xóm mách lấy hạt gấc mài với rượu trắng bôi vào chỗ sưng trên má thì sẽ khỏi. Phương nhờ chồng “mua giùm em vài nghìn rượu trắng”.
Chồng phấn khởi vác hẳn can 5 lít đi mua. Phần của vợ chỉ cần vài giọt, số còn lại chồng mang ngâm với rễ đinh lăng. Chồng Phương rất ít khi uống rượu nhưng lại thích sưu tầm các loại rượu. Từ hồi còn ở trọ, phòng chật chội là thế nhưng vẫn phải có một góc chứa rượu rắn, rượu mơ, rượu sim, rượu bìm bịp, rượu tắc kè.
Có hôm nửa đêm bật điện bếp đi vệ sinh, Phương hét toáng lên khi thấy đầu con rắn hổ mang như đang muốn lao ra khỏi bình rượu bổ nhào vào mình. Cũng có đêm chồng đi vắng, Phương nằm ngủ mà cứ nghe tiếng con bìm bịp kêu đâu đó xó nhà, con tắc kè kêu lên gọi bạn. Rồi có hôm choàng tỉnh giấc Phương ngỡ như những con bọ cạp rủ nhau bò ra khỏi bình rượu tiến về phía mình.
Biết đâu chúng sẽ lôi Phương thả vào bình rượu cho thử phận xem sao. Phương nói nỗi ám ảnh đó còn sợ hơn cả những lần hiếm hoi chồng say rượu. Sau này làm nhà chồng Phương làm hẳn một căn hầm để rượu. Phương không bao giờ bước chân xuống đó. Thậm chí đã có lần Phương nghĩ phải chi mình có thể phóng sinh tất cả những con vật chồng từng ngâm vào bình rượu…
Còn tôi, tôi lại nhớ đến những câu thơ từng làm tặng bố:
Mùa xuân qua rồi
Mùa hạ cũng sắp qua
Bố đừng ngâm nỗi buồn vào bình rượu mãi
Nắng ngoài hiên đẹp quá
Chim lạ về bên hiên
Hót bài ca bình yên
Nhí nhách…
Chí Tiên
(*) Trích bài thơ Phố ta của nhà thơ Lưu Quang Vũ.