Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn Độc lập

.

Bằng chính sự gan góc, quyết tâm của cả dân tộc vì một nền Cộng hòa Dân chủ, quyền tự do, độc lập thật sự, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định dân tộc Việt Nam phải được tự do và độc lập; rằng “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập.

Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Tuyên ngôn Độc lập 1945 mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. 73 năm qua, trong quá trình của cách mạng Việt Nam, Tuyên ngôn Độc lập ngày càng khẳng định chân lý ấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. (Ảnh tư liệu)

Hồ Chí Minh viết tuyên ngôn như thế nào?

Ngày 4-5-1945, Hồ Chí Minh rời Pác Bó về Tân Trào. Giữa tháng 5, Người yêu cầu trung úy Giôn, báo vụ của OSS (cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ), điện về Côn Minh, đề nghị thả dù cho Người cuốn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Ngày 22-8-1945, Bác rời Tân Trào về Hà Nội. Tối 25-8, Người vào nội thành, ở tầng 2 nhà 48 Hàng Ngang.

Sáng 26-8-1945, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, bàn các vấn đề như chủ trương đối nội, đối ngoại trong tình hình mới; sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời; chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức mít-tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân. Ngày ra mắt Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 27-8-1945, Hồ Chí Minh triệu tập cuộc họp Ủy ban Dân tộc giải phóng, đề nghị thi hành chính sách đoàn kết dân tộc rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm đại biểu các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái có danh vọng. Nhiều ủy viên Việt Minh xin rút. Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng ngày 27-8, Người tiếp các bộ trưởng mới tham gia Chính phủ và đề nghị đầu tháng 9, Chính phủ ra mắt quốc dân và đọc Tuyên ngôn Độc lập mà Người đã chuẩn bị. Người đưa bản thảo để các thành viên Chính phủ xét duyệt, đề nghị duyệt kỹ, vì ta sẽ đọc không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, cho cả các nước đồng minh nghe.

Trong hồi ký, Vũ Đình Hòe, Đảng Dân chủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục kể lại rằng “mọi người đọc, ai cũng thấy hay quá, sáng sủa, chắc nịch, đơn giản mà hùng hồn, đanh thép, chỉ thêm bớt vài ý nhỏ, sửa mấy chữ lặt vặt, sau đó mỗi người ký vào bản của mình (Tạp chí Xưa và Nay, số 74/2000).

 Ngày 28 và 29-8, ban ngày, Bác đến làm việc tại 12 Ngô Quyền, trụ sở của Chính phủ lâm thời. Người dành phần lớn thì giờ soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Buổi tối, tại 48 Hàng Ngang, một căn buồng vừa là phòng ăn, vừa là phòng tiếp khách, Bác tự đánh máy Tuyên ngôn Độc lập ở một cái bàn tròn.
Ngày 30-8, Bác mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý cho bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Người đọc cho mọi người nghe và hỏi ý kiến. Ngày 31-8, Bác bổ sung một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn Độc lập.
14 giờ ngày 2-9-1945, trong cuộc mít-tinh tại vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 5-9-1945, báo Cứu quốc số 36, đăng toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập. Dưới bản Tuyên ngôn Độc lập ký tên 15 thành viên của Chính phủ lâm thời: Hồ Chí Minh, Chủ tịch; Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Dương Đức Hiền, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà, Cù Huy Cận, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Trọng Khánh, Phạm Văn Đồng, Đào Trọng Kim, Vũ Đình Hòe, Lê Văn Hiến.

Nội dung cơ bản của Tuyên ngôn Độc lập

Tuyên ngôn Độc lập 1945 lên án tội ác Pháp, Nhật, khẳng định đánh Pháp, đuổi Nhật là thực hiện quyền chính đáng của nhân dân Việt Nam

Tuyên ngôn mở đầu bằng một câu nói nổi tiếng trong Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ. Tiếp theo là một câu trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp. Tại sao một lãnh tụ Cộng sản lại trích dẫn một cách trang trọng những lời thuộc hệ tư tưởng đối lập?

Có quan điểm đồng tình với cách hiểu Cụ Hồ khôn khéo, phải nghĩ tới tình thế hiểm nghèo của đất nước ở thời điểm ấy. Lúc bấy giờ, nước Mỹ chiến thắng sau Thế chiến thứ 2, tự coi mình có quyền lực tối cao ở mọi nơi trên thế giới. Nước Pháp thuộc phe Đồng minh, đang quyết tâm đem quân xâm lược các thuộc địa, trong đó Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng.

Có quan điểm thấy mối quan hệ giữa tư tưởng chính trị và văn hóa chính trị trong sự mở đầu Tuyên ngôn của Hồ Chí Minh. Cụ thể là: 1- Tuyên ngôn ngày 4-7-1776 tiêu biểu cho nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa ở Bắc Mỹ đấu tranh để giành quyền độc lập, tự do cho nhân dân Mỹ (thuộc địa của Anh cuối thế kỷ XVI).

Đó là một cái mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân loại. 2- Sau Cách mạng Pháp 14-7-1789, xóa bỏ nền chuyên chế phong kiến Lui XVI, giai cấp tư sản Pháp lên nắm chính quyền. Hội nghị lập hiến năm 1791 thông qua một văn kiện có tính chất cương lĩnh: bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền.

Bản tuyên ngôn này công khai thừa nhận các quyền tự do dân chủ như tự do thân thể, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, thừa nhận quyền bình đẳng của mọi người trước pháp luật, quyền chống áp bức. Những quyền này chứa giá trị chung của mọi người.

Đó là một cái mốc vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh giai cấp. Nó có ảnh hưởng lớn đến cuộc đấu tranh của nhân dân các nước đang chống chế độ phong kiến lúc bấy giờ.

Như vậy có thể hiểu Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ  và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1791 của Pháp là những tiến bộ được ghi bằng những chữ vàng trong lịch sử phát triển không chỉ của hai nước đó, mà của cả loài người. Đó là sự tiến bộ, phát triển cả về mặt xã hội-chính trị và xã hội-văn hóa.

Sau khi khẳng định ý nghĩa của hai câu nói trên, Hồ Chí Minh dùng nó (“dùng gậy ông đập lưng ông”) để lên án mạnh mẽ bọn thực dân, đế quốc, vạch trần bộ mặt xảo trá của chúng đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để che giấu những hành động xâm lược và phi nghĩa, chỉ rõ chúng chà đạp lên những lẽ phải và tinh thần nhân đạo đã ghi trong các bản tuyên ngôn đó.

Thông qua những “lời bất hủ” trong các bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh muốn nói với nhân dân thế giới rằng nhân dân Việt Nam tiến hành đấu tranh cách mạng, đánh phát-xít Nhật, đuổi thực dân Pháp, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, là thực hiện những quyền chính đáng trời cho, không ai xâm phạm được, để giành độc lập, tự do. Cơ sở lập luận là những lẽ phải không ai chối cãi được, không ai bác bỏ được. Nó vượt qua mọi học thuyết, mọi lý luận, mọi chủ trương chính trị.

Tuyên ngôn Độc lập 1945 đóng góp cho luật pháp quốc tế về quyền con người, quyền các dân tộc
Tuyên ngôn dẫn những tổ chức và văn bản luật pháp quốc tế như Đồng minh, Hội nghị Têhêrăng, Hội nghị Cựu Kim Sơn để khẳng định quyền cơ bản của con người, quyền của các dân tộc, mà tư tưởng xuyên suốt trong đó là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Với việc khẳng định độc lập của dân tộc và tự do của con người, Tuyên ngôn gắn hai khái niệm pháp lý cơ bản của quốc gia và quốc tế - quyền dân tộc thiêng liêng và quyền cơ bản của con người - thành một phạm trù luật pháp quốc tế hiện đại.

Tuyên ngôn khẳng định tạo hóa cho con người những lẽ phải không ai chối cãi được, đó là quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Từ đó, tuyên ngôn nâng lên thành “quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” của tất cả các dân tộc trên thế giới.

Với những lời lẽ ngắn gọn, chắc chắn, Tuyên ngôn Độc lập bác bỏ cả hai giải pháp đưa ra trong hội nghị thành lập Liên Hợp Quốc: một là, nên đặt các nước châu Á dưới chế độ ủy trị quốc tế trực thuộc Mỹ, và hai là, tiếp tục thừa nhận chế độ bảo hộ của thực dân Pháp, và khẳng định đánh cho đến khi nào giành được độc lập, tự do và nêu thành nguyên tắc pháp lý “quyền bình đẳng giữa các dân tộc”, “quyền tự do, quyền sung sướng của các dân tộc”. Đó là một hành động cách mạng hết sức táo bạo và tài tình.

15 năm sau, ngày 14-12-1960, Liên Hợp Quốc có tuyên ngôn trao trả độc lập cho dân tộc thuộc địa. Tháng 12-1948, Liên Hợp Quốc có Tuyên ngôn Nhân quyền.

Ngày 12-12-1970, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có nghị quyết về Chương trình hành động nhằm thi hành toàn diện bản tuyên ngôn trao trả độc lập cho dân tộc thuộc địa ngày 14-12-1960. Theo đó, Liên Hợp Quốc không có một phiếu nào chống và trịnh trọng tuyên bố: “Khẩn thiết chấm dứt một cách mau chóng và vô điều kiện chế độ thuộc địa dưới mọi biểu hiện”.

Bằng chính sự gan góc, quyết tâm của cả dân tộc vì một nền Cộng hòa Dân chủ, quyền tự do, độc lập thật sự, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định dân tộc Việt Nam phải được tự do và độc lập; rằng “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Tuyên ngôn Độc lập 1945 mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Nó thể hiện khát vọng lớn của dân tộc Việt Nam và nhân loại về “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”; đồng thời góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

PGS.TS Bùi Đình Phong

;
.
.
.
.
.
.