Sống xa quê nơi xứ người, bà con Việt kiều Thái Lan ở làng Noọng Ôn vẫn luôn hướng về Tổ quốc, về vị Cha già của dân tộc với lòng kính yêu sâu sắc, thiết tha... Mỗi lần đón du khách Việt sang thăm, bà con không chỉ bừng lên cảm xúc tình đồng bào máu mủ mà còn chung một tình yêu thương bao la dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Trại cưa”-nơi Bác Hồ từng làm việc được phục dựng với ngôi nhà chính lợp lá 3 gian. Ảnh: K.M |
1. Tôi đã đến với xứ sở chùa Vàng nhiều lần nhưng chuyến đi vừa qua mang lại nhiều cảm xúc nhất. Hành trình ngắn ngủi 3 ngày trên đất Thái lần này không phải là niềm thích thú dạo quanh các “thiên đường mua sắm”, cũng rời xa những khu du lịch náo nhiệt với cảnh sắc tươi xinh, thay vào đó là sự trải nghiệm mới mẻ, giàu cảm xúc. Một trong những điểm dừng chân khiến tôi lưu luyến nhất là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết tắt là khu di tích) tại tỉnh Udon Thani (ở đông bắc nước Thái Lan).
Ngay khi người bạn giới thiệu lịch trình chuyến đi, tôi đã rất háo hức, cháy bỏng mong mỏi được nhìn thấy, tìm hiểu về địa điểm hoạt động cách mạng của Bác ở xứ người. Con đường ở làng Noọng Ôn, xã Xiêng Phin (tỉnh Udon Thani) dẫn vào khu di tích mang tên Thầu Chín, một bí danh của Người khi hoạt động cách mạng ở Thái Lan. Xe vừa dừng, Trưởng ban quản lý Khu di tích Vũ Mạnh Hùng ra tận xe đón khách. Gần đó, các bà trong trang phục áo dài trang trọng đứng thành hàng chào đón. Gặp đồng hương, các bà tay bắt mặt mừng, nhiệt tình hỏi thăm.
Bà Vũ Thị Tin (SN 1947), Trưởng nhóm đón tiếp, tươi cười: “Mỗi khi nghe tin có đoàn du khách từ Việt Nam ghé thăm, nhóm đón tiếp gồm 17 phụ nữ đều bỏ dở công việc để đến đây tiếp đón. Các bà gắn bó với khu di tích từ thời còn trung niên đến khi tuổi đã xế chiều. Có nhiều người ở cách đây 10-20 cây số nhưng lần nào cũng có mặt, tận tình chăm lo từ nước uống đến hoa tươi. Ai trong chúng tôi cũng đều trân quý mỗi cuộc gặp người Việt như thế này”.
2. Trước khi đi tham quan, chúng tôi thắp nén hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bàn thờ với pho tượng đồng Bác Hồ theo phong cách truyền thống thường thấy ở các ngôi đình, chùa Việt Nam được bài trí trang nghiêm cùng hoa thơm quả ngọt. Chưa kịp hết xúc động, bà Trần Thị Bạch Vân, thành viên câu lạc bộ văn hóa văn nghệ kiều bào cất tiếng hát “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” đầy da diết khiến vài người trong đoàn chúng tôi không kìm được cảm xúc, vỡ òa trong nước mắt.
Phải mất một lúc lâu, tâm tình lắng lại, chúng tôi mới có thể di chuyển lên tầng hai của nhà đa năng, nơi triển lãm tiểu sử, hình ảnh của vị Cha già dân tộc, về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta (trong đó có bà con người Việt ở Thái Lan) dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Quý nhất là những bút tích của Bác, lời chào mừng bà con Việt kiều ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên...
Ông Vũ Mạnh Hùng cho biết, vào khoảng tháng 8-1928, Nguyễn Ái
Quốc - Hồ Chí Minh với bí danh Thọ, biệt hiệu Nam Sơn đã đến Thái Lan hòa mình vào cuộc sống với kiều bào để tuyên truyền vận động cách mạng. Tại đây, Bác chủ trương mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhằm làm cho người Thái Lan có cảm tình hơn nữa với cách mạng Việt Nam, với người dân Việt Nam trong đó có kiều bào ta.
“Trong thời gian sống ở đây, Bác được người dân Thái Lan rất yêu thương, tin tưởng. Người Thái Lan lẫn người Việt khi có vấn đề gì thắc mắc, không hiểu thì đều tìm đến Bác và được Bác giải thích cặn kẽ, dễ hiểu. Từ đó, mọi người gọi Bác bằng tên gọi thân thương “Thầu Chín”, nghĩa là người có trí tuệ, hiểu biết nhiều”, anh Văn Viết Thành, hướng dẫn viên của khu di tích giới thiệu thêm.
3. Đầu năm 2003, khu di tích được khởi công xây dựng trên nền nhà, trang trại cũ của cụ Đặng Thúc Hứa và hoàn thành vào năm 2006. Nằm trong khuôn viên rộng khoảng 1 hecta, cách nhà đa năng không xa, “trại cưa” - nơi Bác Hồ từng làm việc được phục dựng với ngôi nhà chính lợp lá 3 gian: gian giữa là nơi hội họp, học tập; gian bên trái có kê một bộ bàn ghế gỗ là nơi Bác Hồ làm việc, ở trong góc là một chiếc giường ngủ nhỏ; gian bên phải là một sạp gỗ chạy suốt chiều dọc làm nơi nghỉ ngơi cho anh em đồng chí. Trong khoảng sân rộng kế bên dưới bóng cây lần lượt là giếng nước, nhà kho, nhà bếp. Cấu trúc ngôi nhà, vật dụng trong nhà được phục dựng gần giống với khu nhà Bác ở trước kia, theo trí nhớ của cụ Ngoét, người nấu cơm cho Bác nhớ lại và hướng dẫn.
Chỉ vào lớp học nhỏ gọn nơi ngôi nhà, bà Vũ Thị Tin nghẹn ngào: “Bác rất coi trọng việc học. Cùng với việc xây dựng tổ chức, Bác thường xuyên khuyến khích bà con Việt kiều học chữ Việt, nói tiếng Việt nhưng cũng nhấn mạnh việc tôn trọng phong tục tập quán của người Xiêm, vận động mọi người học chữ Thái Lan. Bác còn dành nhiều thời gian dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ Việt Nam đang hoạt động ở đây. Thời gian rảnh, Bác giúp Việt kiều đào giếng lấy nước ăn, vỡ đất làm vườn trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn...”.
Dùng dằng rất lâu ở nơi đây, cuối cùng, chúng tôi vẫn phải nói lời từ biệt. Ra về, các bà trong nhóm đón tiếp cất lên tiếng ca “người ơi người ở đừng về…” khiến cả người đi và người ở đều rưng rưng, bịn rịn trong từng cái ôm chặt, quyến luyến trong từng giọt nước mắt cay nồng...
Tại Thái Lan, hiện có 3 Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở các nơi: làng Noọng Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani; bản Đông, xã Pamakhab, tỉnh Phichit; tỉnh Nakhon Phanom. Các Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan đã trở thành địa chỉ văn hóa thu hút đông đảo du khách tham quan; đồng thời, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan. |
KHA MIÊN