Sáng tỏ nguyên bản kiến trúc thành Điện Hải

.

Từ ngày 25-9 đến 5-10-2018, đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng thực hiện chuyến đi sang Pháp để khai thác những tư liệu quý hiếm phục vụ việc nghiên cứu lịch sử, bảo tồn, phát triển văn hóa, du lịch của thành phố nói riêng, đất nước nói chung.

Trong số những tư liệu quý đoàn thu thập được, có một hồ sơ hết sức giá trị nằm tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp giúp giải mã những khúc mắc  về thành Điện Hải trong 160 năm qua.

Hình 1: Trích đoạn sơ đồ thành Điện Hải do người Pháp vẽ ngày 15-6-1859, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp, có đánh dấu lại để chú thích rõ hơn.
Hình 1: Trích đoạn sơ đồ thành Điện Hải do người Pháp vẽ ngày 15-6-1859, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp, có đánh dấu lại để chú thích rõ hơn.

Hồ sơ này giải mã nguyên bản kiến trúc thành Điện Hải với những câu hỏi: Thành Điện Hải có bao nhiêu cửa; có bao nhiêu công trình, hạng mục và vị trí xây cất của chúng ở bên trong?

Trong cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài gần 19 tháng ở Đà Nẵng, tàu chiến liên quân Pháp -Tây Ban Nha đã dội bão lửa cấp tập vào mặt phía bắc và phía đông thành Điện Hải sáng 1-9-1858, rồi tiếp tục nã pháo và băng qua sông Hàn tấn công đánh chiếm tòa thành này từ hướng đông vào 10 giờ sáng 2-9-1858.

Sau 5 ngày chiếm giữ và thu gom chiến lợi phẩm, do áp lực bao vây phản công của quân nhà Nguyễn, vào 11 giờ trưa 6-9-1858, quân Pháp-Tây Ban Nha phải di tản chiến thuật khỏi thành Điện Hải sau khi cho công binh dùng thuốc nổ giật sập nhiều đoạn tường thành.

Mất chỗ đứng ở thành Điện Hải, liên quân đang đóng ở thành An Hải bên phía hữu ngạn trở thành nơi hứng chịu các cuộc tấn công liên tục của quân nhà Nguyễn và lâm nguy, nên 3 giờ sáng 2-10-1858, quân Pháp-Tây Ban Nha buộc phải di tản khỏi thành này, lui về cố thủ trên bán đảo Sơn Trà.

Nhằm thoát thế bị cô lập trên bán đảo, ngày 21-12-1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha nỗ lực tái chiếm thành An Hải; rồi sang đầu tháng 1-1859, quân địch vượt sông phá sập nốt những đoạn tường còn đứng vững ở thành Điện Hải hòng làm cho pháo binh nhà Nguyễn mất chỗ che chắn, phải lùi vào bên trong cửa biển. Thành Điện Hải tan nát sau 3 đợt mưa pháo và phá hoại bằng thuốc nổ, nhưng vẫn nằm trong sự kiểm soát của quân nhà Nguyễn, đặc biệt là ban đêm.

Hơn 4 tháng sau đó, trước nguy cơ bị quân nhà Nguyễn siết chặt bằng vành đai chiến lũy vây ép dần xuống cửa biển và phải bật khỏi Đà Nẵng, liên quân Pháp-Tây Ban Nha tổ chức tái chiếm thành Điện Hải vào 29-4-1859 hòng phá thế bao vây.

Lực lượng đóng chiếm ở thành Điện Hải gồm các khẩu đội súng cối của Tây Ban Nha và 4 đại đội thủy quân lục chiến, chen chúc trong một không gian vô cùng chật hẹp và gần như đã thành bình địa, đến nỗi địch phải đào hào, đắp chiến lũy ngay trong thành ở phía cửa Nam đi vào để trú ẩn và giao chiến.

Sau trận đánh lớn ngày 8-5-1859, hai bên thỏa thuận tạm thời ngưng chiến để thực hiện các cuộc tiếp xúc, đàm phán, mà thực chất là quân nhà Nguyễn hoãn binh để có thời gian thu hoạch mùa màng, củng cố hậu cần rồi lại đánh tiếp. Chính trong thời gian này, quân Pháp-Tây Ban Nha đã làm thay đổi nguyên bản kiến trúc thành Điện Hải.

Thực hiện mệnh lệnh của Phó Đô đốc Rigault de Genouilly-Tổng Tư lệnh Quân đoàn viễn chinh Đông Dương, liên quân bắt tay tái thiết thành Điện Hải.

Mặt phía tây được chú trọng nhất vì đối diện với hỏa lực từ các đồn Hải Châu Thượng, Thạc Gián và các chiến lũy của quân nhà Nguyễn gần đó, được xây lại bằng gạch nguyên, bít luôn cửa Tây và dựng kho thuốc súng sát ngay cửa (vị trí đánh dấu chữ x ở hình 1).  

Các đoạn tường thành khác cũng được xây lại bằng gạch. Tuy vậy, do thiếu gạch nên hai pháo đài lồi và nhiều đoạn tường thành phía đông bị hư hỏng quá nhiều, chỉ xây lại được một đoạn chừng 3 mét, còn lại phải dùng cọc gỗ để rào, cửa Đông cũng không còn (các vị trí đánh dấu chữ d và số 2, 3 ở hình 1).

Công việc xây dựng lại thành Điện Hải được thực hiện từ ngày 12-5 đến ngày 10-6-1859. Thiếu tá công binh Déroulède là người trực tiếp chỉ đạo và hoàn thành bản vẽ sơ đồ hiện trạng sau khi hoàn tất việc tái thiết vào 15-6-1859 để báo cáo.

Đúng 5 tháng sau, trong cuộc tấn công pháo đài Định Hải và đồn Chơn Sảng ngày 18-11-1859, Thiếu tá công binh Déroulède bị một quả đại bác của quân nhà Nguyễn cắt đứt đôi thân mình. Quả đạn đó còn bay tiếp giết chết thêm một hạ sĩ thủy thủ đài chỉ huy, cắt đứt dây néo cột buồm lái của soái hạm Némésis và làm bị thương hai chuẩn úy hải quân cùng một số thủy thủ Pháp.

Hình 2: Tờ số 3 trong hồ sơ có thành Điện Hải do người Pháp vẽ ngày 15-6-1859, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp.
Hình 2: Tờ số 3 trong hồ sơ có thành Điện Hải do người Pháp vẽ ngày 15-6-1859, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp.

Trong bản vẽ của Déroulède, những vị trí khác được thể hiện gồm hai pháo đài lồi mặt tây còn nguyên (đánh dấu số 1 và 4), 3 nhà lính có thể chứa 140 người (đánh dấu chữ m), 2 nhà làm việc của các quan lại chỉ huy (đánh dấu chữ n), bệnh xá (đánh dấu chữ p), kho chứa lương thực (đánh dấu chữ g), nhà đội lính canh gác có thể chứa 24 người (đánh dấu chữ r), nhà bếp sát mép chính giữa tường thành phía bắc (đánh dấu chữ u), 2 nhà vệ sinh (đánh dấu chữ s). Các công trình chủ yếu nằm ở phần phía nam thành.

Như vậy, qua bản vẽ hiện trạng sau khi được tái thiết và hoàn tất vào tháng 6-1859, chúng ta đã rõ cửa Tây thành Điện Hải bị bít do cả đoạn thành được xây lại, nên những ghi chép thành có 3 cửa của triều Nguyễn trong hai bộ Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ và Đại Nam nhất thống chí được chứng minh là hoàn toàn chính xác.

Việc xuất lộ đoạn móng cầu ở ngoài sát cửa Tây khi thực hiện dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải (giai đoạn 1) vừa qua là dấu vết còn lại duy nhất. Móng cầu mất sự kết nối với tường thành cũng bởi chính do việc Pháp xây lại đoạn thành này và bít cửa năm 1859.

Ngược lại, cửa Đông dù bị biến mất trên bản vẽ tháng 6-1859 do sập nhiều đoạn tường thành, nhưng sự tồn tại của cửa Đông là hiển nhiên, bởi mặt thành phía bắc không hề có cửa mà chỉ là khu nhà bếp dựa lưng vào chính giữa thành.

Về sau, khi đóng đồn rồi lập bệnh viện quân đội và xây nhà nguyện tại đây, sơ đồ thành Điện Hải của Pháp vẽ ngày 4-1-1888, lưu trữ tại Viện Viễn Đông bác cổ do ông Hà Phước Mai, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng sưu tầm tại Pháp, chỉ thể hiện cửa Nam và cửa Đông, mà không có cửa Tây cũng vì lý do này (xem hình 3).

Hình 3: Sơ đồ thành Điện Hải do người Pháp vẽ ngày 4-1-1888 , lưu trữ tại Viện Viễn Đông bác cổ Pháp. (Hà Phước Mai sưu tầm)
Hình 3: Sơ đồ thành Điện Hải do người Pháp vẽ ngày 4-1-1888 , lưu trữ tại Viện Viễn Đông bác cổ Pháp. (Hà Phước Mai sưu tầm)

Việc tìm được những hồ sơ gốc về thành Điện Hải lần này rất kịp thời và có ý nghĩa lớn về nhiều mặt. Nhờ đó, trong buổi làm việc của Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng và đơn vị tư vấn là Viện Bảo tồn Di tích Việt Nam hôm 15-11-2018 vừa qua để thông qua hồ sơ phương án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải (giai đoạn 2), nhận thức mới và đúng đắn này đã được đưa ra bàn luận kỹ lưỡng để đơn vị tư vấn thay đổi, điều chỉnh lại phương án trước khi phê duyệt chính thức.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.
.
.