Thành Điện Hải sẽ là địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch

.

Là di tích quốc gia đặc biệt duy nhất của thành phố Đà Nẵng nên trong quá trình thực hiện dự án phục hồi, tôn tạo, thành Điện Hải luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh đó, thành phố đã có chủ trương xây dựng Quảng trường trung tâm với vùng lõi là thành Điện Hải.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng (phải) tra cứu thông tin tư liệu tại Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp. Ảnh: G.T
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng (phải) tra cứu thông tin tư liệu tại Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp. Ảnh: G.T

Đó là những nội dung được ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố đề cập trong cuộc trao đổi với Báo Đà Nẵng.

* Dự án phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải được khởi công từ cuối tháng 3-2018. Hiện nay, việc trùng tu đã đến đâu, thưa ông?

- Dự án phục hồi và tôn tạo thành Điện Hải giai đoạn 1 có 3 hạng mục chính gồm giải tỏa 80 hộ dân có nhà ở, vật kiến trúc xâm phạm di tích; phục hồi hệ thống tường thành và hồ nước; xây dựng công viên vườn dạo vùng đệm bên ngoài di tích. Hiện nay, 2 hạng mục đầu đã xong, bảo đảm tiến độ và các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật.

Hạng mục thứ 3 chậm so với kế hoạch do lúc đang thi công thì có ý kiến ngành chức năng đề nghị sử dụng lô đất số 5 đường Lý Tự Trọng (trước đây là Trung tâm Thể thao Người lớn tuổi) để làm bãi đỗ xe ngầm 4-5 tầng. Do vậy, cơ quan chức năng phải dừng thi công từ tháng 4 đến tháng 9-2018.

Sau đó, lãnh đạo thành phố quyết định không xây bãi đỗ xe ngầm, giữ nguyên thiết kế cũ. Công trình công viên vườn dạo hiện đang tiếp tục được thi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2018.

Giai đoạn 2 dự án là các hạng mục bên trong thành, hiện đang được Sở VH-TT mời Viện Di tích quốc gia tư vấn thiết kế, và sẽ được triển khai thi công ngay sau khi Bảo tàng Đà Nẵng được di dời (dự kiến năm 2020). Sở VH-TT sẽ tổ chức hội thảo để xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chuyên môn trước khi thực hiện giai đoạn này.

* Được biết vừa qua, thành phố đã cử đoàn đi Pháp để sưu tầm nghiên cứu các tài liệu, hiện vật liên quan đến thành Điện Hải. Theo ông, chuyến đi có thành công như kỳ vọng hay không?

- Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2018, thành phố cử đoàn sang Pháp sưu tầm tài liệu hiện vật liên quan đến thành Điện Hải và cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân Đà Nẵng 1858-1860 do tôi làm Trưởng đoàn. Theo tôi, chuyến công tác đã thành công tốt đẹp.

Nhờ sự giới thiệu của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đoàn công tác đã gặp thuận lợi khi đến làm việc với các cơ sở lưu trữ tài liệu về Đà Nẵng tại Pháp như Viện Viễn Đông Bác Cổ; Trung tâm Lưu trữ Quân đội Pháp; Bảo tàng Quân đội Pháp.

Tại những nơi này, đoàn đã tìm kiếm, sưu tầm và sao chụp được hàng trăm trang tài liệu rất độc đáo, mới mẻ về thành Điện Hải, về cuộc kháng Pháp 1858-1860 như: bản vẽ kèm theo sơ đồ vị trí bố phòng của thành Điện Hải; quá trình sử dụng thành Điện Hải dưới thời Pháp thuộc; các báo cáo thường xuyên về tình hình diễn biến cuộc chiến tại Đà Nẵng của tướng lĩnh và sĩ quan Pháp từ chiến trường gửi về…

Qua những tài liệu này, đoàn có nhận xét: người Pháp lưu giữ tài liệu lịch sử rất cẩn trọng, rất bài bản, chuyên nghiệp, hiện đại. Với nguồn tư liệu quý được lưu trữ, sau này các nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa sang Pháp sẽ khai thác được nhiều hơn về sự kiện này.

Ngoài ra, đoàn công tác đã sao chụp thêm các bản vẽ về Hải Vân Quan và con đường thiên lý những ngày đầu Pháp đổ quân xâm lược Việt Nam để hỗ trợ thêm cho công tác khai quật và trùng tu Hải Vân Quan mà Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng cũng như Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang triển khai thực hiện.

* Được biết thành phố có chủ trương trùng tu thành Điện Hải gắn với việc xây dựng Quảng trường trung tâm. Ông cho biết về tổng quan và những điểm nhấn của Quảng trường này?

- Bên cạnh chủ trương thực hiện tu bổ phục hồi thành Điện Hải, lãnh đạo thành phố có chủ trương xây dựng “Quảng trường chung quanh Thành Điện Hải”, phạm vi nghiên cứu bao gồm các trục đường Lý Tự Trọng, Nguyễn Chí Thanh, Quang Trung, Bạch Đằng và vùng tiếp giáp với tổng diện tích khoảng 17ha.

Trước đó, từ tháng 6-2018, Sở Xây dựng và Sở Văn hóa-Thể thao thành phố đã phối hợp tổ chức hội thảo với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cùng các cơ quan liên quan góp ý lần đầu vào dự thảo quy hoạch Quảng trường Thành Điện Hải.

Viện Kiến trúc quốc gia tiếp thu điều chỉnh báo cáo lãnh đạo thành phố. Theo đó, sẽ tổ chức thêm lối vào thành Điện Hải từ phía đường Quang Trung; tổ chức giao thông tiếp cận và giao thông khu vực chung quanh quảng trường; đề xuất đầu tư bãi xe ngầm tại khu đất tennis hiện trạng; đề xuất quản lý kiến trúc cảnh quan khu vực dân cư phía tây thành Điện Hải và các tuyến phố lân cận. Về cơ bản, lãnh đạo thành phố đã nhất trí phương án đề xuất.

* Ông kỳ vọng như thế nào về “sức quyến rũ” của thành Điện Hải đối với người dân và du khách sau khi phục hồi, tôn tạo?

- Ngay cả trong quá trình thực hiện dự án phục hồi, tôn tạo vừa rồi thì khách tham quan thành Điện Hải và Bảo tàng Đà Nẵng chẳng những không giảm mà còn tăng. Thống kê trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 220.000 lượt khách tham quan và dự kiến cả năm 2018 sẽ đạt 300.000 lượt khách, tăng khoảng 30% so với năm 2017.

Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng, sau khi được phục hồi, tôn tạo, thành Điện Hải - di tích quốc gia đặc biệt này, sẽ là một điểm đến không thể bỏ qua, sẽ là một địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch thành phố, thu hút đông đảo du khách thập phương và người dân Đà Nẵng.

* Cảm ơn ông!

GIA TỊNH (thực hiện)

;
.
.
.
.
.
.
.