Tín ngưỡng của ngư dân

.

Đã là tín ngưỡng dân gian thì cư dân ở đâu cũng sùng kính, “bài bản” như nhau, nhưng có lẽ do phải thường xuyên “hồn treo cột buồm” khi đối mặt với một không gian lao động nhiều bất trắc - nào là sóng dữ nào là cuồng phong… - nên cư dân làng biển có một tín ngưỡng dân gian sâu đậm hơn, mang nhiều dấu ấn nghề nghiệp hơn so với cư dân ở các địa bàn xa biển thậm chí không có biển.

Tín ngưỡng dân gian suy cho cùng có thể khái quát trong câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Vậy cư dân làng biển Đà Nẵng kiêng kỵ những gì và thờ những ai?

Một xác cá voi bị sóng đánh dạt vào bờ biển Thọ Quang chiều 8-12, sau đó ngư dân chôn cất cẩn thận. (Ảnh từ Facebook Doan Hong Le)
Một xác cá voi bị sóng đánh dạt vào bờ biển Thọ Quang chiều 8-12, sau đó ngư dân chôn cất cẩn thận. (Ảnh từ Facebook Doan Hong Le)

Trước hết là câu chuyện cư dân làng biển Đà Nẵng kiêng kỵ những gì? Thường thì người ta hay nghĩ ngư dân quen “ăn sóng nói gió” chắc là rất thoải mái khi nói năng. Thật ra nói vậy chỉ mới đúng một nửa, bởi dẫu rất phóng khoáng nhưng ngư dân cũng có không ít kiêng kỵ trong lời nói, chẳng hạn như hết sức tránh dùng những từ mà họ nghĩ sẽ dẫn đến sự không may trong nghề như lật, như úp, như thôi - khi cần dừng họ chỉ nói chững tức ngưng lại một lúc… Cá voi chết họ gọi là ông lụy - ông thể hiện sự tôn kính thân tộc còn lụy là cách nói tránh từ chết không nên nói ra…

Không những kiêng kỵ trong nói năng, cư dân làng biển Đà Nẵng còn kiêng kỵ trong hành vi/ động tác, chẳng hạn kiêng không nói từ lật đi đôi với kiêng không cầm nón đi ra thuyền sợ bị gió thổi lật nón - cần thiết lắm thì kẹp chặt nón vào nách, hoặc không bao giờ ăn cá mà lật ngược thân cá, thậm chí chiên cá còn không lật cá để… chiên tiếp.

Cái tâm lý ngại không muốn mua bảo hiểm cho người và phương tiện ra khơi của một số ngư dân hiện nay, cho rằng làm thế chẳng khác nào tự mua lấy cái rủi ro hoạn nạn về phần mình, cũng bắt nguồn từ những kiêng kỵ cổ truyền vừa nêu.

Tiếp theo là câu chuyện cư dân làng biển Đà Nẵng thờ những ai? Những nhiên thần và nhân thần nào được người làng chài Đà Nẵng xem là thiêng liêng cần phải thành tâm thờ phụng? Về nhiên thần, có thể thấy cư dân làng biển Đà Nẵng thờ Cá Ông.

Cách gọi Cá Ông thể hiện sự tôn kính thân tộc và thực chất đã nhân thần hóa nhiên thần. Ngồi trên “thuyền thúng”/ “ba tấc nang” - được hiểu là với điều kiện hành nghề thô sơ - để dấn thân vào một không gian lao động đầy bất trắc, ngư dân Đà Nẵng rất cần chỗ dựa và không chỉ bằng trải nghiệm thực tế, họ đã chọn cá voi lưng xám.

Nói “không chỉ bằng trải nghiệm thực tế” là vì tục thờ Cá Ông còn và chủ yếu là sản phẩm của tiếp biến văn hóa Việt-Champa. Champa là một dân tộc vốn có tư duy hướng biển và trong quá trình người Việt quảng-nam-mở-cõi cộng cư cùng cư dân bản địa, tư duy hướng biển nói chung và tín ngưỡng thờ cúng cá voi - hiện thân của nhiên thần sóng biển Po Riyak - nói riêng của Champa đã trở thành hành trang không thể thiếu để ngư dân Đà Nẵng vững tin hơn trong những chuyến hải hành. Sự tôn kính thân tộc càng làm cho việc thờ phụng Cá Ông ở các làng chài Đà Nẵng mang màu sắc gia đình.

Có điều màu sắc gia đình/ thân tộc ở đây không hề làm mờ đi tính chất cộng đồng làng xã trong tín ngưỡng thờ Cá Ông ở các làng chài Đà Nẵng. Chẳng hạn như lễ hội cầu ngư/ lễ tế Cá Ông vẫn là chuyện cả làng cùng lo cùng hưởng.

Ngay như việc mai táng Cá Ông thì tuy tập tục có quy định ngư dân đầu tiên phát hiện ra cá lụy - chết trên biển hay trôi giạt vào bờ - sẽ được cử làm “trưởng nam” để chủ trì tổ chức tang lễ, nhưng về cơ bản đây vẫn là công việc được đông đảo cư dân làng chài góp công góp sức, xem đấy là chuyện buồn chung của cả làng.  

Về nhân thần, cư dân làng biển Đà Nẵng thờ Bà Đại Càn - chữ Càn ở đây có liên quan đến Đền Cờn/Đền Đại Càn ngoài Nghệ An. Bốn vị nữ thần/ Tứ vị Thánh nương này là hành trang tâm linh
mà các lưu dân Thanh-Nghệ làm nghề biển đã mang theo trong quá trình quảng-nam-mở-cõi.

Ở các làng biển Đà Nẵng, cư dân không lập miếu riêng thờ Bà Đại Càn nhưng tên Bà Đại Càn thường xuyên được nhắc đến trong nhiều bài văn cúng ở làng chài. Đặc biệt nhiều làng chài còn giữ được sắc phong của các vua triều Nguyễn phong tặng thần hiệu cho Bà Đại Càn.(*)

Đương nhiên cư dân làng chài Đà Nẵng không chỉ thờ những nhân thần liên quan đến biển và nghề biển. Sống trong làng, họ còn thờ các vị tiền hiền/ hậu hiền có công khẩn đất lập làng giống như cư dân ở các địa bàn xa biển thậm chí không có biển.

Là những lưu dân đến đây sông nước lạ lùng/ con chim kêu cũng sợ con cá vùng cũng kiêng, giống như cư dân ở các địa bàn xa biển thậm chí không có biển, cư dân làng chài Đà Nẵng còn bày tỏ lòng tri ân đối với những tiền chủ nhân Champa thông qua tục cúng tá thổ/ thuê đất hằng năm - một cách ứng xử văn hóa khiêm nhường và nhạy cảm.

Ở một số làng biển Đà Nẵng, cư dân còn thờ phụng những nhân thần vị quốc vong thân, chẳng hạn như làng Nước Mặn, phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) có miếu thờ Nguyễn Phục - người phải chịu chết oan khi xử lý một tình huống công vụ trong cuộc nam chinh năm 1471 của Lê Thánh Tông theo hướng vì cái chung cái lớn mà chấp nhận bất tuân thượng lệnh để quyết định cho dừng đoàn thuyền tải lương tránh bão:

“Thà để mình ta chịu chết chứ không nỡ để đoàn quân lương chìm sâu dưới đáy biển. Thuyền chìm không những ta chết, các ngươi chết mà đại quân ta cũng chết vì không có cái gì để ăn”...

Không gian thực hành tín ngưỡng dân gian của cư dân làng biển Đà Nẵng rộng hơn thiên hạ - vừa ở biển vừa ở làng. Niềm tin vào những nhiên thần và nhân thần “có thờ có thiêng” và cả những kiêng kỵ “có kiêng có lành” luôn đồng hành với người đi biển, giúp họ “vững tay chèo” và vượt qua được tâm lý sợ biển - đúng hơn là sợ những hiểm nguy đang rình rập giữa sóng gió ngàn trùng.

Đương nhiên ngư dân ngày nay càng vững tin hơn khi hành nghề trên biển nhờ vào việc hiện đại hóa tàu thuyền - chẳng hạn thuyền vỏ thép thay thuyền vỏ gỗ - nhằm tăng cường khả năng chống chịu.

Việc hiện đại hóa tàu thuyền không chỉ nhằm tăng cường khả năng chống chịu với sóng dữ cuồng phong mà còn để nâng cao năng lực thông tin liên lạc với đất liền. Có thể nói đối với ngư dân Đà Nẵng, những thông tin kịp thời và chính xác từ đất liền - trước hết là thông tin về dự báo thời tiết - rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn khi hành nghề trên biển, đồng thời hạn chế thấp nhất tổn thất về nhân mạng như trong thảm nạn Chanchu 2006; đặc biệt rất quan trọng trong việc tạo ra khả năng cứu hộ/ cứu nạn hữu hiệu và trong trường hợp ấy tàu cứu hộ chính là Cá Ông thân thiết của ngư dân.  

Tuy nhiên không gian thực hành tín ngưỡng dân gian của cư dân làng biển Đà Nẵng chủ yếu là ở trên bờ, ngay trong mỗi làng chài ven biển. Có điều những làng chài ấy, những cái nôi tín ngưỡng dân gian ấy đang dần xa, dần qua. Đà Nẵng ngày càng mất đi các làng chài, kéo theo quy mô cộng đồng cư dân ngư nghiệp bản địa ngày càng teo tóp, dẫn đến những đền miếu thờ Cá Ông, giếng cổ... hoặc bị triệt phá xóa sổ, hoặc tuy không bị đập bỏ cày ủi nhưng do tách khỏi làng chài, khỏi cộng đồng cư dân ngư nghiệp sẽ trở nên vô hồn, lạc lõng cô đơn giữa không gian xa lạ…   

   Bùi Văn Tiếng

(*) Chẳng hạn như làng Nam An, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là làng Nam Thọ, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) còn giữ được sắc phong ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7 phong tặng Bà Đại Càn thần hiệu Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức.

;
;
.
.
.
.
.