Ẩn ngữ của trầm tích văn hóa

.

Mang trên mình một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ nhiều giá trị với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, Ngũ Hành Sơn luôn là nơi chốn để những ai có lòng hoài cổ tìm đến và “khai quật” những bí mật còn ẩn tàng đâu đó giữa lòng di tích.

 ThS. Tô Lan và ThS Quang Thắng (từ trái qua) khảo sát một phù điêu Chămpa trong động Huyền Không ngày 24-7-2010. Ảnh: V.T.L
ThS. Tô Lan và ThS Quang Thắng (từ trái qua) khảo sát một phù điêu Chămpa trong động Huyền Không ngày 24-7-2010. Ảnh: V.T.L

Mùa hè năm 2010, qua giới thiệu của Trưởng ban quản lý Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (NHS) lúc đó là ông Lê Quang Tươi, tôi cùng hai cán bộ trẻ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) - ThS Nguyễn Quang Thắng và ThS Nguyễn Tô Lan, làm một chuyến khảo sát các hiện vật Hán Nôm ở nơi có “tên ở nhà” là Non Nước này.

“Khai quật” di sản văn hóa

Hang động, chùa chiền, bút tích ma nhai, di vật, cổ vật quý hiếm,... ở đâu có di tích, ở đó có chữ nghĩa, tất cả mở ra trong tâm tưởng hai cán bộ trẻ lần đầu đến NHS những cảm xúc đan xen giữa lạ lẫm, ngạc nhiên và thán phục, tạo nên sức hút mãnh liệt đối với những người làm công tác nghiên cứu Hán Nôm.

Từ Bắc vào Nam không hiếm cảnh núi non, chùa chiền, hang động..., nhưng với danh thắng NHS là một cái gì đó rất riêng, gọi là dấu ấn, nó “đóng” giá trị của phần thể vào trong giá trị tổng thể của một di tích. Dấu ấn này, theo đánh giá của hai cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm hôm đó, là sắc tứ [敕 賜], tức (những gì) được chiếu sắc của vua ban cho.

Ví như sắc tứ được ghi nơi góc phải tấm biển đá khắc ba chữ Hán đại tự “Huyền Không quan” gắn trên cổng vào động Hoa Nghiêm trên ngọn Thủy Sơn. Cùng với đó, có thể kể đến các hoành phi sắc tứ, ngự chế (văn thơ do vua làm ra) khác ghi các chữ như: “Linh Ứng tự”, “Ứng Chân tự”, “Tam Thai tự”...

Ngoài hoành phi, liễn đối, bi ký, cổ vật khắc chữ ngự ban thể hiện sự trọng đãi của Nhà Nguyễn với Phật giáo NHS, nơi đây còn có các văn bia ma nhai (văn bia được khắc trên vòm đá núi), văn khắc trên các loại chuông (đại hồng chung, gia trì chung), mộc bản, độ điệp,...

Tất cả không chỉ là ẩn ngữ của trầm tích văn hóa mà còn qua đó ta có thể “giải mã” được những biến thiên của đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Mang trên mình một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ nhiều giá trị với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, NHS luôn là nơi chốn để những ai có lòng hoài cổ tìm đến và “khai quật” những bí mật còn ẩn tàng đâu đó giữa lòng di tích.

Gần 10 năm trôi qua, kể từ lúc hai cán bộ trẻ đến NHS “khai quật” kho tàng Hán Nôm, Khu Du lịch thắng cảnh giờ đã đổi tên thành Di tích danh thắng NHS và được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhận tin vui tôi báo hôm 12-1 vừa rồi, giọng Quang Thắng reo lên qua điện thoại: “Với tư cách một người nghiên cứu Hán Nôm, tôi rất vui bởi Nhà nước đã đánh giá đúng giá trị di sản của cha ông truyền lại để nhiều người biết đến hơn. Theo tôi, để quảng bá nhiều hơn nữa giá trị của danh thắng, ở lĩnh vực Hán Nôm, nên cho rập các văn bia, hoành phi,... theo đúng tỷ lệ thật; trước là tổ chức triển lãm chuyên đề để nâng cao giá trị, ý nghĩa; sau là trưng bày ở phòng lưu trữ thông tin của danh thắng”.

Anh cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm nói thêm, cơ quan anh có cách làm bản rập (thác bản) theo công nghệ: lấy giấy dó hoặc giấy xuyến dán lên mặt vật cần rập rồi dùng quả đấm bông thấm mực đấm nhẹ lên, các nét chạm khắc sẽ “ăn” mực và lưu lại hình ảnh rõ nét trên giấy. Sau khi được bồi thêm giấy, các tác phẩm có tính nghệ thuật y theo bản gốc này không chỉ phục vụ triển lãm mà còn có thể làm hàng lưu niệm, du khách chỉ việc cuộn tròn chúng lại và mang đi bất cứ nơi đâu.

Quang Thắng và Tô Lan giờ đã là các tiến sĩ. Những giá trị Hán Nôm của danh thắng NHS hẳn đã ít nhiều góp phần thành công cho luận văn tốt nghiệp của họ. Với sở hữu gần 40 hoành phi, liễn đối, văn bia, kim bài,... di tích NHS thừa sức để làm một triển lãm chuyên đề thác bản văn khắc Hán Nôm, biết đâu qua đó sẽ có thêm nhiều người tìm đến và đưa vẻ đẹp của danh thắng vào sáng tác văn hóa - nghệ thuật của mình chứ không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu.

Những giá trị làm nên điểm đến du lịch tâm linh

Ngoài văn hóa - lịch sử, NHS còn mang trên mình những giá trị về phong thủy, khảo cổ và gần đây là giá trị về kinh tế - những giá trị hiển nhiên không phải bàn cãi, đủ để 21/21 thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia bỏ phiếu tán thành việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích này.

Ai về Non Nước thì về/ Trước sông sau biển núi kề một bên. Câu ca dân gian đã phác họa những nét địa hình của danh thắng NHS theo cách mà người ta gọi là thuật phong thủy. Giữa một bên sông một bên biển là 5 ngọn núi (thực tế có 6 ngọn, trong đó Hỏa Sơn có 2 ngọn), núi cao vừa phải, không nối liền mà đứng rời nhau; phía đông có hai ngọn Thủy Sơn và Mộc Sơn; phía Tây có ba ngọn Thổ Sơn, Kim Sơn và Hỏa Sơn. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hết sức kỳ thú theo phương vị ngũ hành - căn cứ để Minh Mạng, vị vua được cho là minh triết nhất triều Nguyễn, ban sắc đặt tên năm ngọn núi này là Ngũ Hành Sơn.

Non Nước là một dương, một âm. Toàn di tích có nhiều cặp đối lập theo triết lý âm dương như thế. Có đường lên trời (động Vân Thông, thuộc dương) thì cũng có đường xuống địa ngục (hang Âm Phủ, thuộc âm). Tương tự, có đỉnh Thượng Thai thì ắt có đỉnh Hạ Thai; có Dương Hỏa Sơn thì phải có Âm Hỏa Sơn;… Bên cạnh các ngôi chùa (thuộc dương) luôn gắn liền với các hang động (thuộc âm): Chùa Tam Thai-động Huyền Không và Hoa Nghiêm; chùa Linh Ứng-động Tàng Chơn; chùa Quan Âm-động Quan Âm;…

NHS, theo thuật phong thủy, ứng với một vị thế quan trọng đối với Đà Nẵng khi nhìn ra Biển Đông. Về đề tài thú vị này, VTC News ngày 28-1-2012 đã có cuộc trao đổi với KTS Hồ Huy Diệm qua bài viết Đà Nẵng và sự phát triển từ góc nhìn phong thủy.

Theo đó, vị KTS nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng cho rằng Đà Nẵng có thế đất mà thuật phong thủy gọi là “Rồng chầu hổ phục” với “tả Thanh Long” là núi Sơn Trà bên trái, “hữu Bạch Hổ” là núi NHS bên phải. Nhìn ra xa là Cù Lao Chàm án ngữ. Chính vì vậy, không phải vô cớ mà trong quá trình Nam tiến, vua Minh Mạng lại dừng chân tại Đà Nẵng, đặt tên cho ngọn núi là Ngũ Hành Sơn…

Trở lại với hai cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hôm đó, ThS Tô Lan rất bất ngờ khi thấy một phù điêu Chămpa trong động Huyền Không, điều làm cho nơi này khác với các hang động khác. Chị xác quyết: “Theo tôi, giá trị văn hóa đã làm nên sự khác biệt”.

Ngày 25-9-2018, danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón lượt khách thứ 1,5 triệu.  (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Ngày 25-9-2018, danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón lượt khách thứ 1,5 triệu. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Điều đó cũng được khẳng định qua bản “Lý lịch di tích danh thắng NHS” do Bảo tàng Đà Nẵng lập: “Những phát hiện khảo cổ học tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã mở ra một hướng nghiên cứu mới cho khảo cổ học Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, nó minh chứng rằng mảnh đất Đà Nẵng đã và đang lưu giữ nhiều dấu ấn của văn hóa Chămpa, đồng thời, phác thảo một cách rõ nét giai đoạn cường thịnh nhất của vương quốc Chămpa tại vùng đất này”.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn quả là giàu có, không chỉ về di sản văn hóa mà còn về kinh tế trong mấy thập niên qua. “Thương hiệu” danh thắng NHS đã góp phần vực dậy và biến làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Non Nước có nguy cơ mai một thành làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng và giàu có bậc nhất miền Trung.

Du khách gần xa cũng tìm đến NHS ngày một đông. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng NHS cho biết, năm 2018 có đến trên 1,99 triệu lượt khách đến NHS (trong đó có gần 1,21 triệu lượt khách nước ngoài), thu ngân sách gần 84 tỷ đồng, tăng 31% so cùng kỳ. Năm 2011, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chọn NHS là Top 10 điểm du lịch tâm linh hấp dẫn nhất. Website về du lịch TripAdvisor tại Mỹ đã bình chọn Đà Nẵng, Việt Nam đứng đầu danh sách những “điểm du lịch đáng đến nhất thế giới”, trong đó có lời khen ngợi danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Những thế mạnh này cùng với sự “đăng quang” di tích quốc gia đặc biệt, NHS sẽ đón du khách nhiều hơn nữa khi mà trầm tích văn hóa của đất và lòng hiếu khách của con người nơi đây luôn giang tay mời gọi...

Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Thị Anh Thi: Để di tích trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn

Sau khi đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, UBND quận Ngũ Hành Sơn sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu thành phố thực hiện những nhiệm vụ cụ thể. Ngoài việc lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bền vững của di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và quận Ngũ Hành Sơn, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị bền vững di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Cùng với đó, sẽ hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng thể, tham mưu xây dựng các quy định, quy chế, dự án, kế hoạch về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ xây dựng phương án khai thác du lịch - văn hóa kết nối điểm di tích đặc biệt quan trọng này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận để di tích trở thành điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan.

VĂN THÀNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.