Từ năm học 2015, ngành giáo dục-đào tạo Đà Nẵng chính thức đưa 2 bộ tài liệu với tổng gần 100 trang sách, nội dung được tích hợp trên cơ sở các tiết học về lịch sử, địa lý địa phương, hệ thống các tư liệu, lịch sử liên quan chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào giảng dạy cho khoảng 90.000 học sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Nhân hội thảo khoa học “Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay” do UBND huyện Hoàng Sa tổ chức vào ngày 12-1-2019, Báo Đà Nẵng giới thiệu bài tham luận của Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng về vấn đề này.
Học sinh khối THCS quận Liên Chiểu trình bày hiểu biết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại một hội thi do Phòng GD&ĐT quận tổ chức. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
Tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa là sứ mệnh thiêng liêng của mọi người Việt Nam yêu nước nhưng trước hết là nghĩa vụ cao cả của người Đà Nẵng, bởi liên tục từ năm 1961 đến nay, Đà Nẵng đã được giao quyền quản lý Nhà nước đối với quần đảo này.
Đối tượng để tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa rất rộng, không chỉ người Việt trong nước mà còn cả người Việt ở nước ngoài, không chỉ người Việt mà còn cả người nước ngoài, nhưng chủ yếu là học sinh/sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường mà trước hết là nhà trường ở Đà Nẵng. Chính vì thế tôi xin đi sâu vào việc tìm kiếm các giải pháp tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học ở Đà Nẵng.
Trước khi bàn về cách tuyên truyền, giáo dục, cần xác định tuyên truyền, giáo dục những gì về quần đảo Hoàng Sa đối với học sinh/sinh viên. Theo tôi có ba nội dung chính:
Một là, cần làm cho học sinh/sinh viên Đà Nẵng hiểu rõ người Việt đã xác lập và thực thi chủ quyền một cách hợp pháp, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế đối với quần đảo Hoàng Sa từ bao giờ, với những bằng chứng vừa có giá trị pháp lý vừa có giá trị lịch sử đầy thuyết phục và không thể phủ nhận như thế nào.
Hai là, cần làm cho học sinh/sinh viên Đà Nẵng hiểu rõ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1956, nhất là đã dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo này vào năm 1974 như thế nào và từ hơn bốn mươi năm nay không ngừng có những hành động phi pháp vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa ra sao.
Ba là, cần làm cho học sinh/sinh viên Đà Nẵng hiểu rõ Đà Nẵng đã tham gia vào quá trình thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa liên tục từ năm 1961 đến nay như thế nào và đã đóng góp những gì trong cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa.
Từ ba nội dung nêu trên, có thể đề xuất một số giải pháp tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học ở Đà Nẵng như sau:
Giải pháp quan trọng nhất là tạo hành lang pháp lý cho việc tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học. Việc tuyên truyền, giáo dục về ba nội dung nêu trên trong các trường học ở Đà Nẵng đã được tiến hành từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có hành lang pháp lý mang tầm cỡ quốc gia.
Chẳng hạn như năm học 2015-2016 Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Đà Nẵng đã biên soạn hai tập tài liệu - một dành cho cấp trung học cơ sở và một dành cho cấp trung học phổ thông - để tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học, nhưng cũng chỉ có thể dựa vào quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giảng dạy lịch sử địa phương (1), dẫn đến phải “độn” trong một nội dung chung là tuyên truyền, giáo dục về lịch sử Đà Nẵng (2)…
Như vậy là đang thiếu một hành lang pháp lý cần thiết và minh bạch mang tầm cỡ quốc gia trong khi việc tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học - như đã nêu từ đầu tham luận này - là sứ mệnh thiêng liêng của mọi người Việt Nam yêu nước.
Giải pháp phái sinh từ giải pháp thứ nhất là phải căn cứ vào ba nội dung nêu trên để biên soạn riêng một bộ tài liệu gồm ba tập theo hướng đồng tâm dành cho học sinh hai cấp trung học và sinh viên đại học. Đồng tâm tức là trên cơ sở một số kiến thức “nền” dành cho tài liệu ở cấp học thấp nhất, mở rộng và nâng cao ở mức độ khác nhau đối với tài liệu ở các cấp học cao hơn.
Kiến thức “nền” trong tài liệu ở cấp học thấp nhất cũng phải bảo đảm hội đủ ba nội dung chính nêu trên - tất nhiên là ở mức độ cơ bản nhất. Thế nhưng biên soạn tài liệu bảo đảm các yêu cầu sư phạm và chính trị chỉ mới là bước đầu. Điều quan trọng hơn là làm thế nào tài liệu ấy đến được với học sinh/sinh viên trong bối cảnh một nền giáo dục “không-thi-thì-không-học”.
Ở đây phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên/giảng viên, bởi hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong trường học vẫn có thể được bảo đảm nếu như Đà Nẵng có được những giáo viên/giảng viên biết “truyền lửa” trên bục giảng, biết “không-thi-mà-vẫn-dạy” bằng tất cả lòng yêu nước, trách nhiệm công dân và tâm huyết người thầy.
Muốn thế những giáo viên/giảng viên trực tiếp giảng dạy tài liệu này cần được thường xuyên tập huấn nghiệp vụ để có thể giúp học trò mình tiếp thu một cách hiệu quả nhất; đồng thời cần được tạo điều kiện để tham dự các sinh hoạt học thuật về Hoàng Sa nhằm sớm cập nhật kiến thức.
Giải pháp thứ ba là làm sao cho học sinh/sinh viên được tiếp cận các kênh giáo dục và truyền thông ngoài tài-liệu-giáo-khoa. Học sinh hai cấp trung học và sinh viên đại học được tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa nhưng không chỉ bằng tài liệu mang tính giáo khoa nêu trên mà còn bằng các kênh giáo dục và truyền thông khác, chẳng hạn qua các bài báo và các sách chuyên khảo trong thư viện, hay qua các đoạn phim và các chương trình nghệ thuật trên truyền hình, hoặc qua các tư liệu lịch sử và các hiện vật “biết nói” trong bảo tàng… về chủ đề chủ quyền biển đảo nói chung, chủ quyền Hoàng Sa nói riêng.
Nhưng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục thì học sinh/sinh viên phải được tiếp cận các kênh giáo dục và truyền thông ngoài tài-liệu-giáo-khoa không chỉ với tư cách người đọc/người xem/người nghe bình thường mà còn và chủ yếu là với tư cách người học. Như vậy các trường học cần tổ chức cho học sinh/sinh viên đọc sách bắt buộc/thuyết trình văn học các cuốn sách/bài báo về Hoàng Sa; tổ chức cho học sinh/sinh viên tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa, và làm sao cho việc tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa của các nhà trường trở thành một hoạt động ngoại khóa sinh động và hấp dẫn.
Giải pháp nữa là làm cho học sinh hai cấp trung học và sinh viên đại học được tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa không chỉ để biết mà chủ yếu là để khi trưởng thành có thể tự giác và tích cực đóng góp vào quá trình đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Muốn sớm đòi lại Hoàng Sa, người Việt không thể đơn độc, không thể không biết tranh thủ sức mạnh của cộng đồng quốc tế - điều đó đã đành - mà cũng không thể chỉ biết chăm chăm dựa vào ngoại lực, không thể thụ động trở thành “quân cờ” của các nước lớn như đã từng diễn ra trong lịch sử.
Muốn sớm đòi lại Hoàng Sa, người Việt không thể nôn nóng, không thể không biết kiên trì kiên nhẫn, thậm chí có lúc phải biết tự kiềm chế và có thái độ điềm tĩnh chính trị - điều đó đã đành - mà cũng không thể buông xuôi theo kiểu “tư duy thế hệ” với lý sự rằng đây là việc lâu dài, có thể chờ các thế hệ sau giải quyết cũng chưa muộn! Cần thấy đây là cuộc chạy tiếp sức đầy nhọc nhằn và khẩn trương, đòi hỏi thế hệ trước phải nỗ lực hết mình để có thể trao tín gậy cho thế hệ kế tiếp ở một cự ly gần nhất so với mục tiêu.
Cho nên học sinh hai cấp trung học và sinh viên đại học được tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa không chỉ để biết mà chủ yếu là để khi trưởng thành có thể tự giác và tích cực đóng góp vào quá trình đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đang bị cưỡng chiếm trái phép bằng vũ lực và trong bối cảnh Biển Đông dậy sóng hiện nay.
Và ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng không phải chỉ biết cho có biết mà còn phải biết để hành động, chẳng hạn biết để mà phản ứng khi nhìn thấy tấm bản đồ Tổ quốc ở đâu đó vô tình hay cố ý vẽ thiếu Hoàng Sa và Trường Sa…
Theo tôi sự nhạy cảm chính trị đáng quý ấy phải là sản phẩm chủ yếu của việc tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong trường học hiện nay. Và Hoàng Sa của tôi ơi/ Chân mây sáng quắc như lời thanh gươm!
Bùi Văn Tiếng
(1) Nêu trong Công văn số 5977/BGDĐT-GDTrH ngày 7-7-2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở cấp trung học sơ sở và cấp trung học phổ thông từ năm học 2008-2009.
(2) Theo số liệu do Nhà xuất bản Giáo dục tại Đà Nẵng cung cấp, năm học 2015-2016 phát hành 10.000 bản sách cho bậc trung học phổ thông và 39.000 bản sách cho bậc trung học cơ sở; năm học 2016-2017 phát hành 6.000 bản sách cho bậc trung học phổ thông và 13.000 bản sách cho bậc trung học cơ sở; năm học 2017-2018 phát hành 6.000 bản sách cho bậc trung học phổ thông và 12.000 bản sách cho bậc trung học cơ sở; năm học 2018-2019 phát hành 6.000 bản sách cho bậc trung học phổ thông và 12.000 bản sách cho bậc trung học cơ sở.