Trong nỗi ám ảnh về thực phẩm bẩn tràn lan, khởi nghiệp từ nông sản, thực phẩm sạch được coi là mảnh đất kinh doanh đầy tiềm năng, cơ hội nhưng cũng lắm chông gai.
Khách hàng chọn mua thực phẩm sạch tại cửa hàng An Phú Farm. Ảnh: T.T |
Thấy khó không nản
Dương Hiển Tú (sinh năm 1982), ông chủ của thương hiệu An Phú Farm khởi nghiệp với Nông trại An Phú - chăn gà, nuôi heo theo phương pháp truyền thống và bán thành phẩm từ năm 2012 kể, hồi đầu, heo, gà cứ chết vì dịch bệnh liên miên, đến khi nuôi được thì không biết bán cho ai, ngoài một số ít người thân quen.
“Thế là có thời gian, cả gia đình, họ hàng, bạn bè phải xúm lại giải quyết thịt heo, thịt gà, trứng gà mệt nghỉ...”, Tú nhớ lại.
Từ đó, ông chủ trẻ quyết định học bài bản làm lại từ đầu, từ kỹ thuật nuôi trồng sao cho sản phẩm tốt, năng suất cao, đến học kinh doanh, tiếp thị sao hiệu quả... Với phương châm kinh doanh “sản xuất được cái gì bán cái đó, bán hết thì thôi”, sau khi tìm được một lượng khách hàng thân thiết, khá ổn định, Tú đem chia sẻ nhu cầu của khách với những người nông dân cùng chí hướng.
Sản phẩm tại các cửa hàng của An Phú Farm phong phú lên từ đó. Không chỉ thịt heo, thịt gà, rau củ An Phú Farm tự nuôi trồng, không chỉ những sản phẩm sạch của người nông dân Đà Nẵng, cửa hàng An Phú dần dung nạp sản vật của khắp vùng miền trên cả nước.
Từ cam Vinh, miến dong Cao Bằng, nước mắm Phú Quốc, hải sản Lý Sơn, Cà Mau đến các loại sữa, thực phẩm đóng gói... chất lượng. Mới đây, Nông trại An Phú còn hợp tác với Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học - Công nghệ Đà Nẵng) sản xuất nấm sạch sò tím (một loại nấm nhiệt đới có giá trị dinh dưỡng cao) bày bán ở các cửa hàng hơn 3 tháng nay.
Sắp tới, nấm đùi gà, nấm ngọc trâm - loại nấm xứ lạnh được trồng theo quy trình nghiêm ngặt trong nhà lạnh sẽ ra mắt người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất.
Điểm chung của những người chọn nông sản sạch để khởi nghiệp là họ đều là những người trẻ đầy đam mê, khát vọng xây dựng những địa chỉ nông sản sạch, tin cậy phục vụ nhu cầu tiêu dùng rất lớn hiện nay.
Đến xây dựng niềm tin cho khách hàng
Mai Thị Thương (sinh năm 1987) - cô chủ tạp hóa Vũ Mai (đường Dương Vân Nga, quận Sơn Trà) cũng thừa nhận, cô mở cửa hàng xuất phát từ nhu cầu thực phẩm sạch của gia đình, vì những bữa ăn an toàn cho hai con nhỏ: “Hồi đầu làm rất khổ, rất vất vả và giờ cũng chưa hết vất vả chị ạ. Khó nhất là tạo niềm tin, uy tín với khách hàng”.
Thương cho biết, nguồn hàng của tạp hóa Vũ Mai được lấy từ quê nhà và từ trong hội những người cùng đam mê khắp cả nước. Đó đều là những người trẻ chuyên sản xuất và cung ứng nông sản sạch, coi nông sản sạch là lẽ sống.
Uy tín bạn hàng, đến trực tiếp nơi sản xuất cùng kinh nghiệm nông sản sạch và chính trải nghiệm của khách hàng đều được cô chủ nhỏ này vận dụng để xây dựng niềm tin với khách hàng.
Song, khách hàng của Thương chỉ có 1/3 ổn định, 1/3 khách lúc mua lúc không và phần còn lại có thể không bao giờ quay lại cửa hàng. “Nhiều khi em cũng muốn dừng lại, nhưng cứ nghĩ tới cảnh phải đau đầu tìm nguồn hàng sạch cho gia đình, lại thôi, ráng!”, Thương thật thà nói.
Theo chia sẻ của những người chọn thực phẩm sạch để kinh doanh từ quy mô lớn đến những cửa hàng nhỏ lẻ, thách thức lớn nhất của họ là làm sao chứng minh cho người tiêu dùng tin, hiểu và chấp nhận mua sản phẩm với giá cao.
“Chúng tôi sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được thực phẩm sạch, nhưng thú thật, đôi lúc vẫn không biết chắc được thứ mình mua có an toàn, có xứng đáng với số tiền đã bỏ ra hay không”, chị Hà Thị Thy (32 tuổi, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), nói.
Cũng theo chị Thy, vì người tiêu dùng rất khó phân biệt được các thực phẩm nào là sạch và không sạch, vì thế, những thông tin nơi phân phối cung cấp về sản phẩm, về cửa hàng càng cụ thể, chi tiết, khách hàng sẽ an tâm hơn.
Một số ý kiến khác cho rằng, bên cạnh giá cả, người tiêu dùng rất cần những địa chỉ bán thực phẩm sạch tiện lợi, chẳng hạn gần chợ để với những thứ còn thiếu, người nội trợ có thể tạt qua chợ mua. Và, với những địa chỉ có hàng hóa phong phú thì họ thích hơn những chỗ “nghèo nàn”...
Trao đổi về vấn đề này, ông chủ của An Phú Farm phân tích: Đối với kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch không phải bạn muốn cứ lấp đầy cửa hàng, siêu thị của mình là được. Bạn phải là người kết nối có tâm, hiệu quả giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Nắm bắt được nhu cầu khách hàng rồi mới đặt nơi sản xuất (để bảo đảm lấy hết, bán hết).
Bên sản xuất cung cấp được bao nhiêu, khi nào mới có nông sản đúng mùa vụ, đúng quy trình sạch…, mình phải chấp nhận; sau đó chia sẻ lại với khách hàng, thuyết phục khách hàng tin dùng hoặc sẵn lòng chờ đợi sản phẩm.
Tất nhiên, chuyện này không hề dễ dàng. “Có lần, một khách quen hai ba ngày liền rẽ vào An Phú cứ một mực đòi mua rau muống về ăn và phàn nàn tại sao cửa hàng không đáp ứng, tôi đã phải giải thích đi giải thích lại rằng đó là thời điểm không thể có rau muống sạch, mãi khách mới chịu... chờ!”, Hiển Tú chia sẻ.
Theo nhiều ý kiến, nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng luôn cao và trong bối cảnh cửa hàng phân phối tại thành phố chưa nhiều như hiện nay thì thách thức về sự cạnh tranh không quá lớn.
Thách thức lớn nhất của các đơn vị sản xuất, phân phối nông sản sạch chính là làm sao tạo dựng niềm tin về chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng chấp nhận mua với giá cao.
Khởi nghiệp với thực phẩm an toàn không phải là con đường thuận lợi.Ảnh: T.T |
Trong khi đó, về phía người tiêu dùng cũng cần hiểu rằng, những sản phẩm nông sản sạch, được sản xuất đúng quy trình thì giá đầu vào chắc chắn phải cao hơn so với nông sản đại trà ngoài chợ. Bên cạnh đó, chi phí mặt bằng, trang thiết bị bảo quản sản phẩm đúng chuẩn khá tốn kém.
Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn làm tất cả các khâu như: nuôi trồng, giết mổ, kiểm tra, phân phối để bảo đảm chất lượng cho khách hàng, kéo theo rất nhiều chi phí. “Cùng là sản phẩm sạch, nhưng sản phẩm đã qua quy trình xác lập thương hiệu sẽ có giá khác sản phẩm chưa được xác lập thương hiệu”, Xuân Ly - người đồng sáng lập hệ thống chuỗi siêu thị thực phẩm sạch Vitamart lưu ý.
Cần thời gian
Hầu hết những người chúng tôi gặp đã chọn việc sản xuất, phân phối thực phẩm sạch là những người trẻ. Về phía người tiêu dùng, độ tuổi “sốt sắng” săn lùng thực phẩm sạch chủ yếu dao động ở độ tuổi từ 20 - 40, còn đại đa số người dân vẫn quan tâm đến hàng hóa giá rẻ.
Để thấy rằng, câu chuyện thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, chấp nhận mức giá cao hơn gấp đôi, thậm chí hơn nhiều mức ngoài chợ để mua thực phẩm sạch, không thể ngày một ngày hai.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh chất lượng, những người kinh doanh nông sản sạch cũng cần lưu tâm đến giá thành để có thể kéo nhiều người tiêu dùng tiếp cận được thực phẩm an toàn hơn. Hiện có một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch có xu hướng ưa chuộng hàng nhập với các biển quảng cáo lớn hàng nhập khẩu từ Mỹ, hay châu Âu.
Tuy nhiên, giá thực phẩm này luôn cao và lượng người tiêu dùng sẽ hạn chế. Vì vậy, việc tận dụng nguồn hàng tại chỗ rất quan trọng, giá thực phẩm được kéo xuống và hàng hóa chắc chắn cũng tươi, ngon hơn.
Có thể thấy, đã có những nỗ lực rất lớn cho khát vọng nông sản sạch tại địa phương, song, để xây dựng được một chuỗi sản xuất, phân phối thực phẩm không đơn giản mà phải trải qua một lộ trình khá dài.
“Rất vui là bên cạnh tình trạng nhiễu nhương vàng thau lẫn lộn của thực phẩm hiện nay, vẫn có một dòng chảy thực phẩm sạch đang sôi sục của những người trẻ. Họ đã làm được rất nhiều, và chúng ta cần cho họ thời gian thêm nữa”, ông Nguyễn Tứ, Phó Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố nói.
Thanh Tân