Quần đảo Hoàng Sa trong Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ

.

LTS: Nhân 45 năm sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19-1-1974 – 19-1-2019), tại Đà Nẵng diễn ra hội thảo khoa học “Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay” do UBND huyện Hoàng Sa và Hội Khoa học lịch sử TP. Đà Nẵng tổ chức.  Các tham luận tại Hội  thảo toát lên một thông điệp, người Việt nói chung, người Đà Nẵng nói riêng vẫn đau đáu về núm ruột thân yêu chưa đòi lại được. Đà Nẵng cuối tuần xin trích bài viết giới thiệu về quần đảo Hoàng Sa trong Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ - một tư liệu quý để góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.

Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ 皇黎景興版圖 hiện lưu trữ tại Tư Đạo văn khố (Shido Bunko), Đại học Keio ở Tokyo, Nhật Bản. Văn bản này vẽ đường đi từ Kinh Đô (Thăng Long) tới Chiêm Thành. Bài viết sử dụng phương pháp văn bản học và bản đồ học để đối chiếu, so sánh giữa những ghi chép và hình họa của Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ với ghi chép trong tập bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư và một số bản đồ cổ khác, từ đó đánh giá tầm quan trọng giữa việc kết hợp đồ hình và đạo lý đồ để ghi chép về địa danh Bãi Cát Vàng (hay còn gọi là quần đảo Hoàng Sa). Đây là sử liệu góp phần khẳng định vị trí ngoài khơi xa của quần đảo Hoàng Sa, chứ không phải dải cát ven bờ.

Văn bản Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ

Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ 皇黎景興版圖 là một văn bản giấy dó còn nguyên vẹn, khổ 30x17cm, gồm 40 trang (gồm cả 2 trang bìa), chữ Hán được viết theo thể chữ khải, vẽ đường đi từ Kinh Đô (Thăng Long) đến Chiêm Thành. Văn bản này được chúng tôi sưu tầm từ thư viện Đại học Keio, Tokyo, Nhật Bản. Tên sách này không thấy xuất hiện trong kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm hay bất cứ kho sách khác trong nước.

Văn bản này thuộc loại bản đồ mô tả, sử dụng hai màu mực là đen và xanh lam (màu của các phần vẽ sông biển), sự kếp hợp giữa đồ hình và đạo lý đồ

(道里圖) tạo thành các bản đồ liên hoàn, trải dài từ Bắc xuống Nam dọc bờ biển. Đạo lý đồ trong văn bản này chủ yếu đề cập tới đơn vị hành chính là các Thừa tuyên (Phụng Thiên, Thanh Hoa, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương), cự ly nhật trình giữa các vị trí, những thổ sản cùng vị trí hiểm yếu trong mỗi khu vực…

Văn bản này không ghi phương hướng bản đồ theo các chiều Đông, Tây, Nam, Bắc, các phương hướng bản đồ đều do người đọc văn bản xác định được vẽ theo hướng từ Biển Đông nhìn vào đất liền, tức là bên phải bản đồ là hướng Bắc, bên trái là hướng Nam, phía trên biểu thị hướng Tây, phía dưới biểu thị hướng Đông. Qua khảo sát văn bản, chúng tôi thấy đây là một bản đồ được vẽ lại từ một bản đồ thời Cảnh Hưng (1740 - 1786), tên bản đồ vốn của nó cũng không phải là Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ mà là Quốc triều thiên hạ bản đồ, do lấy niên đại chép để đặt tên bản đồ. Trong bài viết này, chúng tôi vẫn giữ tên trên bìa văn bản để gọi tập bản đồ. Hiện văn bản không rõ tác giả là ai, không có dấu vết gì đề cập tới tác giả của bản đồ, một số giả thiết cũng được đặt ra như người sao chép bản đồ này có thể sống ở khu vực chùa Thầy, tuy nhiên đấy chỉ là giả thiết.

Đây là một bản đồ thuộc dạng bản đồ nhật trình - được John K.Whitmore đánh giá là một trong những đặc trưng bản đồ Việt Nam thời Lê, một giai đoạn mở mang lãnh thổ của Việt Nam. Tuy bản đồ này định bản vào thời Nguyễn lâm mô từ một bản đồ ở thời Cảnh Hưng, nhưng đây là một văn bản chồng nhiều lớp niên đại trong quá trình truyền. Nghiên cứu giám định văn bản cho thấy, Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ có dấu vết niên đại sớm nhất (niên đại khởi soạn) là 1522, và các lớp niên đại 1533, 1600, 1605, 1613, 1653, 1662, 1697, 1729, niên đại muộn nhất (niên đại định bản) là năm 1836, và có khả năng là một truyền bản có biên tập bổ sung từ tập Thiên Hạ bản đồ nổi tiếng thời Lê Thánh Tông thường được biết đến với tên Hồng Đức bản đồ.

Ghi chép về quần đảo Hoàng Sa trong Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ

Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ có một đoạn mô tả về Bãi Cát Vàng tại trang 31b, bắt đầu từ đầm Sa Kỳ 沙淇潭 ở cửa Đại 大門, đến cửa Tây Ma 西麻門, Lộ Sơn 路山, đến bãi Thanh Hảo 清好, núi Sa Hoàng 沙黃山. Bãi Cát Vàng kéo dài ngoài biển từ cửa Đại Chiêm cho đến khoảng giữa núi Sa Hoàng. Do quyển 1 trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư cũng là bản đồ nhật trình, và cũng có ghi chép về địa danh Bãi Cát Vàng, nên chúng tôi tiến hành lập bảng đối chiếu giữa những ghi chép của hai tấm bản đồ này để tìm ra điểm tương đồng và dị biệt.

Sau khi so sánh khảo dị, chúng tôi thấy những ghi chép này khá giống nhau, cách thể hiện hay miêu tả về địa danh này có lẽ là cùng một nguồn. Đặc điểm chung nhất của hai văn bản là thứ tự các ngữ đoạn mô tả về Hoàng Sa. Đoạn 1: giới thiệu tên gọi, chiều dài, chiều rộng (tương đương với hai cửa biển trong đất liền. Đoạn 2: nêu chế độ gió và sự nguy hiểm của Hoàng Sa khiến các tàu thuyền bị nạn. Đoạn 3: ghi chép lệ đưa thuyền đi Hoàng Sa, thời gian đi, đồ đạc và sản vật thu nhặt được. Đoạn 4: mô tả đường đi từ bờ ra Hoàng Sa. Đoạn 5: sản vật đặc trưng của Hoàng Sa…

Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ cũng có những dị biệt có giá trị về thông tin. Thứ nhất, mô tả diện tích khu vực giữa hai bản đồ có khác nhau, cụ thể là Bãi Cát Vàng trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dài 400 dặm, rộng 20 dặm; còn trong Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ mô tả dài 500 – 600 dặm, rộng 40 dặm. Thứ hai, khoảng thời gian từ cửa Đại Chiêm đến khu vực quần đảo Bãi Cát Vàng ở từng bản đồ khác nhau, cụ thể là Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư ghi: “Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đó thì một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đó thì nửa ngày”; còn Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ ghi: “Từ cửa Tự Đại Chiêm vượt đến đấy, nửa ngày.” Có thể phán đoán rằng, Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ đã chép theo một truyền bản tàn khuyết nào đó đã bị chép khuyết mất 11 chữ: “越海至此一日半。自/17沙淇門”. Cho nên thông tin “từ Đại Chiêm vượt đến đấy mất nửa ngày” là không chính xác.  Theo cách vẽ, dung lượng trang và niên đại định bản, thì có lẽ Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ tham khảo Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. Những thông tin trên có phần thay đổi, có thể do người vẽ Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ đã tham khảo một truyền bản bản đồ trước đó và sửa chữa theo bối cảnh tri thức của người vẽ đó.

Điều đáng lưu tâm ở đây là Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ đã cung cấp thêm về mặt tư liệu địa danh Bãi Cát Vàng để so sánh đối chiếu với các bản đồ khác.

Có thể thấy Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ là một bản đồ vừa thể hiện hình vẽ ở phần hạ đồ, phần đạo lý đồ có chú giải về cự ly, vị trí, hay những đặc trưng về địa danh Bãi Cát Vàng. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư thì chỉ có chú giải về các đặc điểm về địa danh này. Giáp Ngọ niên bình Nam đồ thì chỉ vẽ về địa danh Bãi Cát Vàng. Vậy rõ ràng so sánh 3 tấm bản đồ nhật trình, cùng mô tả về một địa danh, thuộc tính bản đồ đều là bản đồ mô tả, mỗi bản đồ lại phản ánh một cách mô tả khác nhau. Phương pháp Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ mô tả địa danh là kết hợp giữa đạo lý đồ và họa hình, có lẽ cũng có giá trị khác với hai bản đồ còn lại.

Về cách vẽ bản đồ của Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ, địa danh thể hiện bằng một dải đất biệt lập so với đất liền, ghi rõ một dòng chữ Nôm là Bãi Cát Vàng, dải cát này có kích thước khá lớn, chúng tôi có so sánh với khu vực khác, thì khu vực địa danh này mô tả có lớn và dài hơn so với các khu vực khác. Nhìn từ góc độ văn hóa, có lẽ việc mô tả địa danh diện tích lớn thể hiện mức độ coi trọng địa danh đó, tuy cách thể hiện này có tác động tới mất cân đối cự ly, không gian tự nhiên của bản đồ nhưng nó phản ánh tư tưởng coi trọng địa danh của bản đồ.

Giá trị những ghi chép và họa hình về Bãi Cát Vàng

Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ cũng là một trong những bản đồ trong hệ thống nhật trình bản đồ, được vẽ dưới hình thức bản đồ mô tả, tuy nhiên cách mà mô tả về địa danh có phần ưu thế hơn các bản đồ nhật trình khác: từ ranh giới giữa đất liền và ngoài khơi, các nhánh sông cũng không đơn giản chỉ là các đường nữa, mà thể hiện bằng các đường sóng nước, việc này càng gia tăng khả năng bản đồ Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ là bản đồ thế hệ sau của Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, tham khảo bổ khuyết những điểm thiếu sót ở bản đồ trước. Cách mô tả trong Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ đã cung cấp một thông tin tương đối hoàn chỉnh về địa danh, vị trí, hình thù, đặc trưng của Bãi Cát Vàng. Đây là nguồn tư liệu khách quan để nghiên cứu, đối chiếu với các tư liệu khác.

Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ hiện lưu tại Tư Đạo văn khố (Đại học Keio, Nhật Bản) là một tư liệu giá trị về nhiều mặt, một trong những giá trị đó là ghi chép và hình họa về Hoàng Sa. So sánh cách mô tả Bãi Cát Vàng với hầu hết các bản đồ nhật trình hiện tồn, bản đồ này có phần hoàn chỉnh hơn, có sự phân cách giữa đất liền và ngoài khơi, hơn nữa kết hợp giữa đạo lý đồ và hình họa để mô tả địa danh. Hình họa địa danh Bãi Cát Vàng phản ánh tư duy nhận thức về tầm quan trọng của địa danh này của người lúc bấy giờ, bổ khuyết những điểm còn chưa hoàn thiện trong những bản đồ trước đó. Việc kết hợp giữa đạo lý đồ và họa hình này đã cung cấp thêm nguồn tư liệu nghiên cứu hoàn chỉnh hơn về địa danh Bãi Cát Vàng trong bản đồ cổ Việt Nam. Đây cũng là một gợi dẫn trong hướng giải quyết tư liệu bản đồ nhật trình nói riêng, bản đồ cổ Việt Nam nói chung, nên khai thác và tận dụng ở khía cạnh đạo lý đồ và họa hình.

NGUYỄN TUẤN CƯỜNG, TRẦN TRỌNG DƯƠNG, LÊ VĂN ẤT

;
;
.
.
.
.
.