Tranh cãi quanh vụ bắt giữ "ông trùm" ngành ô-tô

.

Ông Carlos Ghosn - cựu Chủ tịch Công ty Nissan Motor được nhiều người hâm mộ vì đưa Nissan từ bị khoản nợ 35 tỷ USD thành hãng xe thứ hai Nhật Bản, và rồi bị bắt sau 20 năm.

Từ một trong những giám đốc điều hành có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, ông trùm xe hơi Carlos Ghosn đã bị cách hết các chức vụ và đối mặt nguy cơ ngồi tù vì cáo buộc khai man thu nhập.

Ông Carlos Ghosn (thứ 2 bên phải) có thể đối mặt với mức án 10 năm tù. Ảnh: Sky News
Ông Carlos Ghosn (thứ 2 bên phải) có thể đối mặt với mức án 10 năm tù. Ảnh: Sky News

Bị bắt vì nghi khai man

Ông Carlos Ghosn mang 3 quốc tịch Pháp, Brazil và Liban, là người đứng đầu liên minh sản xuất ô-tô gồm hãng Renault của Pháp và 2 hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản. Ông Ghosn giữ chức Chủ tịch liên minh sản xuất ô-tô gồm Nissan, Renault và Mitsubishi Motors. Trong đó, Renault là cổ đông lớn nhất của Nisan và sở hữu tới 43,4% cổ phần của đối tác Nhật Bản, trong khi Nissan chỉ nắm giữ 15% cổ phần của Renault mà không có quyền bỏ phiếu và 34% cổ phần của Mitsubishi.

Ông được xem là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành ô-tô Nhật Bản và từng giữ vai trò quan trọng giúp hãng Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ hãng Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.

Ông gia nhập hãng Renault năm 1996 và là người có công giúp hãng này chuyển từ kinh doanh thua lỗ sang có lãi nhờ chính sách cắt giảm mạnh tay.

Ông Ghosn bị bắt lần đầu tiên vào ngày 19-11-2018 với cáo buộc vi phạm Luật Quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập cá nhân từ năm 2010. Đến ngày 10-12-2018, nhà chức trách Nhật Bản đã phát lệnh bắt giữ mới đối với ông sau khi các công tố viên có thêm cáo buộc ông che giấu khoản thù lao hơn 4 tỷ yen trong các báo cáo chứng khoán của công ty.

Kể từ đó đến nay, nhà chức trách Nhật Bản đã nhiều lần gia hạn tạm giữ ông Ghosn. Lệnh gia hạn tạm giữ gần đây nhất được đưa ra ngày 31-12-2018, trong đó buộc tội ông này vi phạm lòng tin của Nissan, gây thiệt hại cho hãng tới 1,8 tỷ yen trong năm 2008. Cùng bị bắt với ông Ghosn còn có phụ tá thân cận của ông - cựu Giám đốc đại diện của Nissan Greg Kelly.

Theo các công tố viên Tokyo, ông Ghosn bị nghi báo cáo thu nhập tại Nhật Bản thấp hơn so với thực tế 5 tỷ yen trong vòng 5 năm (tính đến tháng 3-2015). Riêng trong các báo cáo chứng khoán của Nissan trong 3 năm qua (tính đến tháng 3-2018), ông Ghosn bị nghi báo cáo thu nhập thấp hơn so với thực tế hơn 4 tỷ yen.

Việc ông Ghosn và ông Kelly bị tạm giam trong thời gian dài đã làm dấy lên những ý kiến chỉ trích, đặc biệt từ bên ngoài Nhật Bản, về khả năng họ có thể bị giam giữ vô thời hạn với các cáo buộc khác nhau, cũng như về việc không có sự hiện diện của luật sư trong quá trình thẩm vấn.

Ba ngày sau khi ông Ghosn bị bắt giữ, Nissan đã ra quyết định cách chức chủ tịch của ông. Ngày 26-11-2018, hãng Mitsubishi cũng thông báo quyết định cách chức chủ tịch với nhân vật này. Ban lãnh đạo tập đoàn sản xuất ô-tô Nissan Motor Co. của Nhật Bản nhóm họp ngày 17-12-2018 đã không nhất trí được về việc bầu người thay thế cựu Chủ tịch Carlos Ghosn.

Việc Nissan trì hoãn quyết định chọn người thay thế ông Ghosn cho thấy sự cân nhắc sau khi đối tác liên minh Renault SA hồi tuần trước quyết định vẫn duy trì chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành của ông Ghosn với lý do không phát hiện bằng chứng về sự sai phạm. 

Phát biểu họp báo sau cuộc họp ở Tokyo, Giám đốc điều hành (CEO) của Nissan Hiroto Saikawa cho biết, ban lãnh đạo muốn tiếp tục thảo luận về việc này. Sau khi ông Ghosn bị bắt, Nissan dường như hy vọng giảm ảnh hưởng của Renault đối với việc quản lý hãng, trong khi Renault muốn duy trì ảnh hưởng đối với Nissan và bảo vệ những lợi ích kinh doanh của mình.

Theo CEO của Nissan Hiroto Saikawa, mối quan hệ giữa Nissan và Renault mất cân bằng, theo đó việc quá nhiều quyền lực tập trung vào ông Ghosn đã tác động tiêu cực đến tính minh bạch và năng lực quản trị. Một số nguồn tin cho biết theo thỏa thuận hiện nay giữa Nissan và Renault, hãng xe của Nhật Bản sẽ tiếp nhận các lãnh đạo cấp cao từ đối tác Pháp, nhưng không bao gồm chức chủ tịch.

Việc bắt giữ có công bằng?

Một tòa án ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 4-1-2019 thông báo sẽ mở phiên tòa theo đề nghị của các luật sư đại diện cho ông Carlos Ghosn yêu cầu làm rõ lý do tại sao cựu Chủ tịch Tập đoàn Nissan này bị bắt giam. Phiên tòa diễn ra vào 10 giờ 30 sáng ngày 8-1.

Theo đài NHK, luật sư Motonari Otsuru đã đệ đơn lên tòa án thành phố Tokyo, trích dẫn Điều 34 trong Hiến pháp Nhật Bản để bảo đảm quyền lợi cho thân chủ. Điều luật này quy định: “Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ mà không được thông báo các cáo buộc chống lại bản thân hoặc không được quyền gặp luật sư ngay lập tức.

Ngoài ra, không ai bị bắt mà không có lý do chính đáng; và theo yêu cầu của cá nhân, lý do bắt giữ cần phải được công bố rõ ràng tại một phiên tòa mở với sự có mặt của bị cáo và luật sư đại diện quyền lợi của bị cáo”. Ông Carlos Ghosn cho rằng, các cáo buộc ông vi phạm luật tài chính là “vô căn cứ”, đồng thời phản đối việc ông bị giam giữ kéo dài.

Theo hãng tin Kyodo, trình bày tại phiên tòa diễn ra hôm 8-1 ở thủ đô Tokyo, ông Ghosn khẳng định mọi hoạt động kinh doanh của ông đều trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Liên quan tới cáo buộc ông đã chuyển các khoản đầu tư cá nhân thua lỗ vào bản hạch toán kinh doanh của Nissan trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ông Ghosn khẳng định không có hành vi gây tổn hại tới lợi ích của Nissan.

Ông tuyên bố trong suốt 2 thập kỷ qua, ông đã nỗ lực hết sức vì sự phát triển của tập đoàn xe hơi này và việc bắt giữ ông là “không công bằng”.

Tại phiên tòa, các luật sư đã đề nghị tòa giải thích lý do ông Ghosn bị bắt giữ. Về vấn đề này, thẩm phán Yuichi Tada khẳng định, việc bắt giữ là cần thiết để phòng ngừa nguy cơ quan chức hãng Nissan hủy chứng cứ và bỏ trốn ra nước ngoài. Đây là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của ông Ghosn kể từ khi ông bị bắt ngày 19-11-2018.

Giới phân tích nhận định vụ bắt giữ trên đã làm chao đảo ngành sản xuất ô-tô, đồng thời phơi bày những rạn nứt trong liên minh 3 thành viên, đặc biệt giữa Nissan và Renault. Ngay sau vụ việc này, Nissan và Mitsubishi Motors đã cách chức vai trò người đứng đầu liên minh của ông Ghosn.

Trong khi đó, Renault vẫn coi trọng vai trò CEO của ông Ghosn và liên tục hối thúc Nissan triệu tập một cuộc họp cổ đông nhằm củng cố vai trò đại diện của mình trong ban quản trị của Nissan. Nếu bị kết tội, ông Ghosn sẽ đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù và bị phạt 10 triệu yen.

Đoàn Gia Huy (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.