Châu Á thu hút người di cư và dòng tiền đầu tư

.

Châu Á được cho là châu lục năng động nhất trong thời điểm hiện nay. Châu lục này cũng là đích đến của những người nhập cư và dòng tiền đầu tư.

Ông chủ tập đoàn Alibaba Jack Ma (phải) giúp người Thái Lan bán sầu riêng trực tuyến.
Ông chủ tập đoàn Alibaba Jack Ma (phải) giúp người Thái Lan bán sầu riêng trực tuyến.

Kỹ sư Laurent Le Pen được một công ty viễn thông Pháp cử sang Thẩm Quyến làm việc hồi năm 2007. Kỹ sư 36 tuổi sớm bị “hút hồn” bởi sự năng động của thành phố này và quyết định rời công ty năm 2013 để thành lập doanh nghiệp chuyên bán các thiết bị di động theo dõi sức khỏe và sự an toàn cho người cao tuổi.

Ba năm sau, Le Pen thành lập một công ty công nghệ y tế khác với sản phẩm chủ lực là bàn chải đánh răng siêu âm. Sản phẩm này sẽ gửi dữ liệu tới ứng dụng trên điện thoại thông minh, cung cấp cho người dùng những khuyến cáo cần thiết để cải thiện vệ sinh răng miệng. Công ty mới đã bán được 500.000 sản phẩm ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Le Pen dự kiến tăng gấp đôi doanh số trong năm nay.

Lý do Le Pen chọn Thẩm Quyến để làm ăn chính là sự năng động của thành phố này giúp cho tốc độ làm việc nhanh hơn gấp bội lần. Ông chủ người Pháp này nói rằng để phát triển một thiết bị di động ở Pháp có thể mất một năm nhưng chỉ cần chưa đầy nửa năm ở Trung Quốc đã hoàn thành nên có thể tăng tốc gấp đôi.

Sự năng động của thành phố Thẩm Quyến, nơi thực sự đang thách thức thung lũng Silicon (thung lũng điện tử phía Bắc California Mỹ). Các hãng lớn như Apple có hẳn một cơ sở nghiên cứu và phát triển tại đây hồi năm 2017. Tencent Holdings, Huawei cũng lần lượt góp mặt tại thành phố này. Thẩm Quyến còn có khoảng 1,7 triệu công ty công nghệ cao quy mô vừa và nhỏ.

Số liệu của Liên Hợp Quốc cho biết người nhập cư ở châu Á tăng hơn 20% từ năm 2010 tới năm 2017, gấp đôi so với châu Âu. Dân số di cư châu Á ở mức 79,6 triệu người vào năm 2017, nhiều hơn gần 40% so với Bắc Mỹ. Sự thay đổi này được chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á là Valerie Mercer-Blackman khái quát rằng 3 thập niên trước là mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu.

Nếu như trước đây, người châu Á di cư sang Mỹ và châu Âu để lập nghiệp thì giờ đây có sự đảo chiều. Nhiều doanh nhân tham vọng bị thu hút bởi các thành phố năng động ở châu Á, nhìn thấy được cơ hội làm ăn tốt nhờ sử dụng công nghệ, kỹ thuật số để bù đắp vào khó khăn cơ sở hạ tầng.

Doanh nhân Mỹ 40 tuổi Ron Hose từng đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon đã chuyển sang Manila (Philippines) hồi năm 2012. Ông ra mắt dịch vụ thanh toán di động và chuyển khoản quốc tế sau khi nắm bắt được tình hình rất nhiều người ở quốc gia này không có tài khoản ngân hàng. Dịch vụ thanh toán và chuyển khoản trên điện thoại thông minh của Hose đang khai thác nhu cầu từ người Philippines làm việc ở nước ngoài, với số vốn đóng góp ước đến 10% vào nền kinh tế nước này.

Greg Moran lần đầu tiên du lịch Ấn Độ vào năm 2011 đã “ấn tượng” với tình trạng giao thông kém phát triển, nhiều người chồng chất trên những chiếc xe kéo nhỏ xíu, thậm chí trên cả xe máy. Người đàn ông 33 tuổi rời Mỹ và chuyển tới Bangalore để mở công ty cho thuê xe có tổ chức đầu tiên ở Ấn Độ. Chỉ có 2% trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ sở hữu ô-tô nên công ty của Moran làm ăn vô cùng phát đạt.

Trung tâm đổi mới và phát triển

Sau thời gian dài nỗ lực bắt kịp thế giới thông qua sản xuất – xuất khẩu thì châu Á đang trở thành trung tâm đổi mới. Nền tảng cho sự đổi mới là 4 tỷ dân, chiếm một nửa dân số toàn cầu. Những khó khăn ở đô thị như ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm… cũng tạo ra động lực để đổi mới.

Tỉnh Chanthaburi ở Thái Lan nổi tiếng với sầu riêng nhưng chỉ khi có sự gia nhập của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba thì đời sống của người dân nơi đây mới thực sự biến chuyển. Thu nhập của nông dân năm 2018 lên tới 945.000 USD. Nền tảng mua sắm trực tuyến của Alibaba tạo ra sự bùng nổ nhu cầu mua sắm của người Trung Quốc với loại sầu riêng Thái Lan. Chủ tịch Alibaba là Jack Ma khi tới Thái Lan hồi tháng 4-2018 đã làm choáng ngợp mọi người khi bán 80.000 trái sầu riêng chỉ trong một phút thông qua Alibaba.

Công ty nghiên cứu thị trường We Are Social (Anh) cho biết người dân Đông Nam Á trung bình dành 2-3 tiếng/ngày để theo dõi Facebook, Twitter. Con số này vượt xa so với 48 phút của người Nhật Bản. Nhiều quốc gia châu Á chiếm vị trí hàng đầu về sử dụng Internet, nhất là Thái Lan. Mua sắm trực tuyến quốc tế đã và đang bùng nổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong vài năm qua. Khối lượng giao dịch quốc tế của châu Á ngang bằng với châu Âu và Bắc Mỹ năm 2014 nhưng dự báo châu Á sẽ vượt Bắc Mỹ 170% và châu Âu 120% vào năm 2020 tới.

Châu Á với ưu thế chiếm một nửa dân số thế giới, đóng góp 1/3 vào nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại. Dự kiến tới năm 2050, quy mô kinh tế châu Á sẽ chiếm một nửa nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả khi sản xuất truyền thống được chuyển đổi sang tự động hóa, kỹ thuật số, các công ty ở châu Á cũng mở rộng nhanh hơn so với các châu lục khác. Điều đó sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm, thu hút người tài từ các châu lục khác đổ tới cùng dòng tiền đầu tư nhiều hơn nữa.

ANH THƯ (theo Nikkei Asia)

;
;
.
.
.
.
.