Đọc tập thơ Trầm tích của Thụy Sơn, tôi thấy hình như tư tưởng Thiền tông đã từ lâu tỏa hương thơm dịu dàng trong sâu thẳm tâm hồn của tác giả. Vì vậy, tôi không lấy làm ngạc nhiên khi thấy chị viết nhiều về Thiền, sử dụng rất nhiều ngôn ngữ nhà Phật như: vô thường, nghiệp, tịnh, duyên, luân hồi, sắc, không…
Chị tự bạch:
Lên chùa
xếp tạng kinh thư
Thấy trong tiền kiếp
ni sư bóng mình
(Nghiệp)
Tuy nhiên, nhà thơ của chúng ta là người “qua sông/ làm rớt câu kinh”. Chị không thể qua được bờ bên kia. Duyên nghiệp đã để chị ở lại bờ bên này. Trần gian vẫn là nơi thường trú, là chốn đi về của chị. Ở đó, chị có cả vui buồn, hạnh phúc và đắng cay, sum vầy và tan vỡ… Ở đó, chị vừa có thể tự nhìn vào nội tâm của mình vừa có thể nhìn ra ngoại giới để mà hiểu và yêu thương cuộc đời này hơn. Và cũng chính vì thế, chị đã chọn cho mình một cái nhìn nhân văn, một thái độ mềm dẻo, một lối sống nhẹ nhàng, không hẳn kép kín, thoáng một nét buồn, như chính con người của chị vậy.
Thơ của chị thật nhẹ nhàng:
Mưa giao mùa vỡ giọt
Khóc phù sa đôi bờ
…
Trăng giao mùa khuyết tuổi
Ru lá ngủ bên hồ.
(Giao mùa)
Chị như cánh quỳnh lan, dịu hiền, tinh khôi nhưng mỏng mảnh…
Quỳnh Lan
Cánh mỏng dịu hiền
Em tinh khôi nở
Bên triền gió phai
(Khép cánh Quỳnh lan)
Lời thơ của Thụy Sơn, dù ở mảng đề tài nào, về căn bản vẫn đằm thắm và sâu lắng. Tuy nhiên, là một người hay nói về cái vô thường, chị ý thức được thân phận “hạt bụi” của con người trong vũ trụ bao la này; và cũng chính nhờ vào sự ý thức đó, thơ của Thụy Sơn cứ như dòng suối của thương yêu, len lỏi, thầm thì chảy qua của những thân phận con người, đầy ưu tư, trăn trở, nhất là thân phận của người phụ nữ, vừa khổ đau, vừa khát khao cháy bỏng về sứ mệnh gánh trên vai mình niềm tin yêu:
Tôi thấy…
Người đàn bà đi gánh mặt trời
Tưới lên những nấm mồ lạnh
hoang vu
…
Người đàn bà
đi gánh mặt trời trên cánh đồng
nhân loại
ước mơ cỏ hoa mùa sinh sôi
Tưới tâm hồn trẻ thơ
ước mơ tương lai trổ mầm xanh tươi
Người đàn bà đi múc mặt trời
dưới đáy sông ngày bão giông
Khao khát cháy bỏng
Gánh trên vai
niềm tin yêu
Biển trời ngày xanh trong
……
Tôi thấy
người đàn bà gục ngã
trên vai gánh mặt trời mênh mông
(Tôi thấy… người đàn bà đi gánh mặt trời)
Hay là nỗi lòng của người mẹ có con tự kỷ:
Con đừng quay lại…
dẫu ngày mai sau lưng không còn bóng mẹ
Con vẫn phải chạy một mình
Một mình đến cuối chân mây…
(Lời của người mẹ có con tự kỷ)
Hay là nỗi nhớ của một người đàn bà về một tình yêu đã mất mà chị gọi đó là nỗi nhớ cong vênh:
Ngày lệch dấu. Con ốc dúi mặt cuộn mình trong lớp vỏ
Người đàn bà giấu cô đơn luồn vào khuy áo
Sông cuộn mình dúi mặt vào đêm.
(Nỗi nhớ cong vênh)
Tôi có cảm giác khi viết những bài thơ trên, Thụy Sơn buông bỏ, thả lỏng mình, để cho thơ đi“tìm giọng điệu của riêng mình” (thơ của Tagore), và chị đã thành công.
Bùi Xuân
(*) Đọc Trầm tích, thơ Thụy Sơn, NXB Hội Nhà văn 2018