Cuối tuần về quê ăn giỗ, đi loanh quanh thăm bà con, những điều được nghe, được thấy khiến lòng người buồn vui lẫn lộn, xao xót cho phận người mong manh, lận đận mà đặc biệt là người già. Đã 70 tuổi, bà M. vẫn tinh tường, nhanh nhẹn. Các con đã lập gia đình, mỗi đứa một nơi, bận rộn làm ăn, mưu sinh. Không muốn phiền lụy ai, bà lặn lội từ Đà Nẵng vào TP. Hồ Chí Minh buôn bán, làm thuê, tự nuôi thân.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Rồi chẳng may một cơn đột quỵ ập đến, bà liệt nửa người bên phải, không nói được. Mọi người đến thăm, bà mừng vui, hớn hở, nôn nao, bập bẹ nói nhưng chỉ phát ra hai tiếng “bà Ba… bà Ba…”. Bà hiểu câu chuyện mọi người đang nói, bà muốn trả lời những câu thăm hỏi của mọi người mà không thể. Nước mắt bà ứa thành dòng tuôn trào bao ấm ức, uất nghẹn. Hạnh phúc cuối đời của bà là còn có ông lo lắng, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ đến cả chuyện vệ sinh, tắm rửa… Nhìn bà hồng hào, sạch sẽ, gọn gàng mới thấm cái nghĩa vợ chồng những ngày cuối đời sau bao hỉ, nộ, ái, ố.
Vốn giàu có nổi tiếng cả một vùng, bà N. để lại cho con trai ngôi nhà mặt phố vài trăm mét vuông. Phần mặt tiền được dành để buôn bán làm ăn, phía trong là phòng sinh hoạt của gia đình. Phần dành cho bà là một căn phòng ẩm thấp, tối tăm, dột nát cuối vườn có hàng rào khóa trái bên ngoài. Tuổi 84, lưng bà còng trĩu nặng nỗi đời, nhớ nhớ quên quên, lẩn thẩn tha thân lạc đường lúc nào không ai hay. Anh con trai giải thích: “Bà mất trí nhớ rồi nên phải khóa trái bên ngoài; nhỡ đâu bà bỏ đi lại mất công tìm về”. Chẳng biết lúc còn son trẻ thế nào, nhưng nhìn bóng bà lủi thủi góc vườn mà sóng mũi cay cay.
Cả một thời tuổi trẻ nắng mưa, tảo tần nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người, thành đạt, đến lúc về già, cha mẹ có quyền được nghỉ ngơi, chăm sóc, hưởng thụ. Nhưng có được bao nhiêu người làm cha mẹ được hưởng cái quyền ấy?! Bất công ở đời là khi con cái đủ đầy, dư dả thì chẳng còn cha còn mẹ để báo đền công ơn.
Ai rồi cũng già và chẳng còn minh mẫn, nhanh nhẹn như thời xuân xanh. Càng có tuổi, người làm cha, làm mẹ càng giàu lòng tự trọng và dễ tủi thân. Họ đã hy sinh tuổi trẻ cho con, tuổi già cho cháu nhưng có được bao nhiêu đứa con, đứa cháu thấu hiểu được điều đó. Người làm cha làm mẹ nào cũng chỉ mong sống lâu thêm một chút để được trông thấy con cháu sum vầy, ăn nên làm ra, cửa nhà sung túc. Nhưng có được bao đứa con chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già sức yếu, có được bao gia đình người trẻ sống hòa hợp với người già. Họ ngụy biện do khoảng cách thế hệ, do bận rộn mưu sinh... Họ hiểu đâu người già đã quay về là một đứa trẻ không còn khả năng tự chăm sóc. Họ biết đâu đến cả khi rời khỏi cõi tạm những người đã già ấy vẫn không thảnh thơi, tay buông xuôi mà mắt không nhắm được?!
Thật hạnh phúc biết bao cho những ai còn cha còn mẹ để chăm sóc, vui vầy! Thật sung sướng biết bao cho những ai còn một gia đình để quay về khi khốn khó, cùng đường! Hãy yêu thương cha mẹ khi còn có thể bởi với người già hạnh phúc chỉ đong đếm bằng khoảnh khắc mà thôi.
THIÊN DI