Tiến cử nhân tài là một chính sách thường được các triều đại phong kiến Việt Nam sử dụng bên cạnh con đường khoa cử nhằm không bỏ sót người tài vì một lí do nào đó mà không dự thi và đang ẩn dật trong nhân dân. Dưới triều Nguyễn, chính sách này được sử dụng khá hiệu quả với không ít người tài xuất thân từ con đường tiến cử được lưu danh tên tuổi như Trương Đăng Quế, Phan Huy Chú, Nguyễn Tri Phương…
Bên cạnh khoa cử là con đường chủ yếu để tuyển chọn nhân tài, triều Nguyễn còn chú trọng đến con đường tiến cử để tìm kiếm nhân tài. Các vua triều Nguyễn, từ Gia Long đến Tự Đức (1802 - 1883) đều rất chú trọng đến hình thức tiến cử nhân tài thông qua nhiều chiếu, dụ được ban ra với mong muốn không bỏ sót nhân tài, vừa thể hiện chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” để xây dựng đất nước vừa củng cố uy tín của vương triều.
Năm 1802, sau khi thiết lập vương triều, do nhu cầu cần một số lượng lớn quan lại để xây dựng và kiến thiết đất nước trên cương vực rộng lớn trong khi việc khoa cử chưa thể thực hiện ngay, vua Gia Long chủ yếu sử dụng đội ngũ công thần trung hưng đã kề vai sát cánh cùng nhà vua trước đó, đồng thời kêu gọi những nhân tài, bất kể đó là các cựu thần nhà Lê hay những danh nho ẩn dật, miễn không cộng tác với Tây Sơn ra làm quan để xây dựng đất nước.
Vua Gia Long đã “hạ lệnh cho các bộ viện đề cử những người mình biết để bổ dụng vào các ty ở các bộ và các viện Hàn lâm và Thị thư, những cống sĩ và hàng quan ai có tài dùng được cũng bổ vào các ty ở bộ”. Bên cạnh đó, vua Gia Long đã sử dụng hình thức tiến cử như một chính sách quan trọng nhằm tìm kiếm nhân tài phục vụ cho việc xây dựng và phát triển đất nước. Năm Gia Long thứ 10 (1812), hạ lệnh cho các trấn quan học quan từ Nghệ An trở ra Bắc đều đề cử người mình biết. Chiếu rằng: “Dùng người không phải chỉ một lối, chọn học trò không phải chỉ một đường... Vậy hạ lệnh cho trấn quan và học quan xét hỏi người nào văn học hơi khá thì ghi tên tâu lên”.
Dưới thời vua Minh Mạng, mặc dù khoa cử đã trở nên phổ biến, việc tiến cử vẫn được tiến hành. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), vua hạ lệnh cho các quan trong ngoài triều tiến cử những học trò “học rộng văn hay”, có đức hiền lành ngay thẳng, có trình độ, tùy theo tài đức để dùng.
Vua dụ: “Hiền tài là đồ dùng của cả nhà nước, cho nên ngoài khoa mục ra, phải nhờ có sử tri, mà chức phận của đại thần là phải đem người tài đức để thờ vua. Trẫm mới nối ngôi, mưu toan gắng gỏi, rất muốn trong triều có nhiều người giỏi, ngoài nội không sót người hiền, để tô điểm mưu to, vang lừng đức hóa. Vậy ra lệnh cho các quan ở trong Kinh, văn từ Tham tri, võ từ Đô thống chế trở lên, ở ngoài thì thì các quan thành dinh trấn, đều cử một hai người có đức hiền lành ngay thẳng và có văn học, không kể là nhà sang hay nhà hèn, đều kê tâu lên”. Trong 21 năm ở ngôi, ngoài bốn lần hạ chiếu cầu hiền, hầu như năm nào vua Minh Mạng cũng ra chỉ dụ cho quan lại thực hiện việc tiến cử.
Người kế vị vua Minh Mạng là Thiệu Trị cũng tiếp nối tiền nhân khi ban dụ: “Cách thức trị nước, cốt được nhân tài; trẫm từ lúc mới lên ngôi, chỉ nghĩ mưu dùng người cũ, hầu mong nước được thịnh trị, nhưng về việc biết người, bậc thánh như Nghiêu Thuấn còn cho là khó, tất phải tìm hiểu nhân tài rộng rãi mới có thể dùng làm rường cột… Vậy các quan đại thần trong Kinh ngoài các trấn đều cử một người mình biết, tùy tài bổ dụng”.
Vua Tự Đức ngay từ khi mới lên ngôi đã ý thức tầm quan trọng của nhân tài đối với việc cai trị và chấn hưng đất nước. Tự Đức năm thứ nhất (1848) ban Dụ: “Căn bản trị nước cốt ở được người; phương pháp được người cốt ở tuyển cử…Thế mới ban Dụ này cho mọi người biết, nhắc người hay, cử người hiền, một khi tâu lên, xét được việc trẫm tất bổ dụng ngay”. Trong 35 năm ở ngôi, vua Tự Đức nhiều lần ban dụ về việc tiến cử nhân tài.
Để bảo đảm sự tiến cử không vì lợi ích riêng, người tiến cử phải lấy tước vị, phẩm hàm của mình để đảm bảo rằng người được tiến cử là có tài, xứng đáng với chức vị được giao. Theo sách Khâm định Đại Nam hội diễn sử lệ, nhà Nguyễn quy định: “quan viên văn võ từ nay trở đi phàm có cử người mình biết, viên nào làm chức nào, phải công khai cam kết ở trong đơn cử”. Lẽ dĩ nhiên nếu tiến cử đúng sẽ được trọng thưởng, tiến cử sai sẽ bị xử phạt. Các đình thần và quan lại địa phương không thực hiện việc tiến cử người hiền tài cũng bị vua trách phạt.
Với quy định chặt chẽ như vậy, chính sách tiến cử người tài dưới triều Nguyễn đã phát huy hiệu quả tích cực khi “giới thiệu” được những nhân tài có nhiều đóng góp cho đất nước như Trương Đăng Quế, Phan Huy Chú, Nguyễn Tri Phương…
Chính sách tiến cử nhân tài dưới triều Nguyễn gợi mở cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ hiện nay. Việc nghiên cứu, tìm hiểu chính sách tiến cử nhân tài dưới triều Nguyễn sẽ giúp cho việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ được hoàn thiện và đúng quy trình hơn.
PHẠM ĐƯỢC