“Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”. Lời nhạc của Trần Tiến trầm ấm qua giọng ca Tùng Dương rỉ rả giữa chiều tà khiến bao người con xa xứ như muốn dứt bỏ áo cơm, lên chuyến tàu đêm để kịp trở về nhà. Tôi đã từng có những phút giây tần ngần ấy, kể cả lúc cầm trên tay cuốn Có mẹ trong đời vào một chiều cuối tuần mênh mang.
20 tác giả, 20 câu chuyện về 20 người mẹ khác nhau về xuất thân, hoàn cảnh, quê xứ… nhưng lại có chung một tấm lòng nhân hậu, một trái tim ấm áp yêu thương, chung đức hy sinh dành cho gia đình, cho những đứa con của mình.
Có một người mẹ nhẫn nhịn qua bao tháng năm với phận làm dâu một bà mẹ chồng khó tính, một người chồng năm thê, bảy thiếp trong “Ngọn gió nghịch mùa” của nhà văn Từ Kế Tường. Người mẹ ấy từng rơi nước mắt theo từng đòn roi quất vào thân thể con mình chỉ để… vừa lòng mẹ chồng. Người mẹ ấy lặng lẽ chấp nhận phận chồng chung không một lời phản kháng. Bà kiên nhẫn từng ngày, từng giờ, hoàn thành nghĩa vụ của một người con dâu, người vợ, người mẹ rồi lặng lẽ trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình khi đã tròn bổn phận đời người. Ở vào tuổi già cần nơi nương tựa, người mẹ ấy lại quyết định neo lại quê nhà - nơi những tháng năm tuổi trẻ, bà từng đối mặt với những đận gió nghịch mùa để vượt qua nghịch cảnh không phải để tiếp tục thách thức. Bà ở lại, đơn thuần để con mình có chốn trở về. Quê hương là nơi có mẹ!
Có người mẹ tiết kiệm từng lời khen với con mình, chỉ với mong muốn “thằng ăn hại” của mình được tốt hơn từng ngày. Người mẹ ấy mù chữ nhưng luôn nỗ lực hết mình để nuôi con sáng cái chữ. Bà yêu con từ những cử chỉ nhỏ nhặt nhất, từ phần quà sáng tới ly cà-phê lặng lẽ để lên bàn học của con trước mỗi sớm tất bật mưu sinh. Yêu con từ chai nước mắm con mang về làm quà và nhất định không chịu đổi sang thứ khác khi “thằng ăn hại” phát hiện ra nước mắm dỏm mà trước đó cậu chưa hề cẩn thận kiểm tra… Tình yêu ấy lớn hơn tất thảy mọi thứ, càng lớn thêm khi bà khuất bóng núi và “thằng ăn hại” của bà thấm thía hết tình thương của một người mẹ giàu đức hy sinh: “Tôi chắc mẹ tôi sẽ nhận ra tôi, bà nhận ra tôi bằng trái tim muôn kiếp của người mẹ”.
Có một nhà thơ Đỗ Trung Quân khi ở vào tuổi tam thập, đã là trụ cột của một gia đình nhỏ vẫn được người mẹ già tìm đến tận cơ quan để hỏi khâu lại cho con chiếc cúc áo sờn sợi chỉ, hỏi han con sau mỗi hôm con về nhà muộn…
Một thời, những đứa trẻ thường ngóng mẹ ở đầu làng cuối bãi, hít hà hơi mồ hôi từ chiếc áo mẹ ướt đẫm sau những ngày vất vả trên đồng sâu. Ấu thơ của họa sĩ Lê Thiết Cương không nằm ngoài số đó. Để rồi trong hành trang lớn khôn của ông, nỗi nhớ dáng mẹ gầy trên chiếc xe đạp, nhớ món mẹ nấu… cứ in hằn lên trong kí ức. Có một nỗi nhớ khác khó gọi thành tên, khó hình dung cho dù dùng đến ngôn ngữ giàu hình ảnh cỡ nào đi chăng nữa. Đó là “Mùi nhớ mẹ!”.
Ấu thơ vắng mẹ là nỗi thiệt thòi lớn nhất đời người. “Con mang trên vai tuổi con gái chòng chành/ Con không được như bạn của mình/ Khi mỏi nghiêng về bên mẹ”. Đấy là nỗi đau khó tả thành lời mà nhà văn Lê Minh Hà khi chạnh lòng nhắc nhớ về người mẹ của mình.
Có biết bao nhiêu người con tóc ngả màu tiêu muối thảng thốt về cảnh mồ côi ngày mẹ lìa đời: “Mẹ ta tro bụi trên sông/ Xuôi bèo hoa nẻo hư không mẹ về/ Chiều hoa trắng rợn bốn về/ Trần gian thêm một kẻ về mồ côi” (Đỗ Trung Quân). Từ trong nỗi thảng thốt ấy, trái tim bao dung và tình yêu vĩ đại của người mẹ cứ vô tình hay hữu ý hiện về từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.
Cuốn sách không hướng đến những lời giáo huấn, càng không phải là sự so sánh trái tim của những người mẹ. “Có mẹ trong đời” chỉ đơn thuần là những câu chuyện kể ấm áp, xúc động. Cuộc đời của bạn cần một điểm tựa, cần một quê hương tìm về sau những phút giây yếu lòng, lạt dạ? Mẹ chính là điểm tựa, là quê hương cho bạn tìm về; là tấm gương soi chiếu để mỗi người sống bao dung hơn, chân thật hơn. Và không cần ở đâu xa, trong trái tim mỗi người mẹ, những đứa con lại nhìn ra chân thiện để dạy bảo cháu con mình.
Đọc trọn 20 câu chuyện của cuốn sách, tôi ngẫm ra rằng, nhạc sĩ Trần Tiến có lý. Thế giới dẫu mênh mông theo chiều rộng dài địa lý cũng không mênh mông bằng ngôi nhà có trái tim người mẹ bao dung!
Phan Vĩnh Yên
(*) Đọc Có mẹ trong đời - Nhiều tác giả - NXB Phụ nữ và Phương Nam phát hành năm 2017.