Tạm biệt Pepe

.

Ở rìa đường tránh dưới gầm cầu Chương Dương (Hà Nội) chiều nào cũng có một người đứng bán mấy con thỏ con. Hôm là đàn ông, hôm là phụ nữ. Họ là vợ chồng cũng nên. Chừng một hai chục con thỏ bé hơn nắm tay, nhốt trong một cái lồng sắt. Khoảng hai ba con đặt trên mặt lồng cho mọi người qua lại dễ xem. Những con thỏ đẹp đến nỗi, một lần tôi chở con gái đi qua, con gái tôi níu áo mẹ: Mẹ ơi, bọn thỏ đáng yêu như thế kia mà mẹ có thể bỏ đi hay sao? Thế là chúng tôi dừng lại. Hôm đó đúng sinh nhật lần thứ 10 của con gái tôi.

Người bán hàng đưa cho tôi một con thỏ có hai con mắt màu hồng, những cái lông mi dài, tai dài, bộ lông trắng muốt. Tám mươi nghìn một con. Anh ta nói thêm, những con thỏ mắt hồng thế này là thỏ bị bạch tạng, rất hiếm. Nuôi nó dễ lắm. Chỉ cần cái thùng carton, và một ít rau muống, thế là xong.

Tôi nghi ngờ về điều anh ta nói, tuy nhiên, vì thương con nên đành mua một con. Con bé vừa ôm con thỏ trong lòng bàn tay vừa suýt xoa suốt chặng đường về nhà: Ôi, đây thật là sinh nhật hạnh phúc nhất đời con. Con sẽ đặt tên nó là Pepe.

Về nhà, con thỏ hiền như một… con thỏ bông. Nó lò dò đi trong phòng khách, đứng sát cửa kính và nhìn ra ngoài không gian một cách tò mò. Con gái tôi thích mê, chơi với con thỏ suốt một buổi chiều, đến tận khuya. Đêm đầu tiên, nhà chưa có hộp, tôi buộc tạm con thỏ vào chân ghế, cho nó một miếng vải làm… nệm.

Rất nhiều người cảnh báo tôi là nuôi thỏ mất vệ sinh kinh khủng khiếp. Nhưng đã trót mua rồi, vẫn phải nuôi thôi. Tôi mua một cái chuồng sắt có khay, mua khay đựng thức ăn và nước uống. Ngày ngày bỏ dưa chuột, cà rốt, củ đậu, nước vào trong đó cho nó. Chiều chiều mất khoảng 5 phút để tắm nữa. Con gái ngày nào đi học về cũng chạy ra gọi Pepe. Ước mơ nuôi một con thỏ chạy nhảy trong phòng khách dễ thương như phim hoạt hình đang dần hình thành với nó rồi. Nó phấn khích ghê gớm với việc nuôi một con thỏ thật, bé tí xíu và vô cùng dễ thương trong nhà. Hẳn là đã kịp kể với cả lớp về điều đó.

Con thỏ đúng là rất hiền lành, không quấy phá, trừ việc đi vệ sinh có cái mùi rất khó chịu. Mọi việc sẽ yên lành diễn ra như thế nếu như không có chuyện đột nhiên, một ngày đi làm về tôi nhận ra con Pepe đang nằm gọn gàng trong khay đựng thức ăn, nhưng… cứng đờ. Nó chết! Không rõ vì lý do gì. Có thể do thời tiết quá nóng, có thể do thiếu nước, có thể do thức ăn không sạch, có thể do bị con gì đó cắn, có thể chỉ đơn giản vì cái ban-công bé tí xíu nơi lưng chừng trời hoàn toàn không phải là thế giới của nó.

Trong lúc con gái còn đang mải ăn miếng bánh trước khi đi học tiếng Anh, tôi  vội vàng bỏ con thỏ vào túi nilon và xách ra thùng rác, rồi nói dối con là mẹ đã mang con Pepe đi gửi ở nhà một bác có vườn rộng vì ban quản lý chung cư mới nhắc cấm nuôi thỏ. Tôi nói thêm, con Pepe thích chạy nhảy, cho nó sang đấy nó sẽ vui lắm. Con gái tôi bần thần cả người, nhưng không hề biết rằng mẹ đã nói dối.  Đến giờ, đúng một năm đã qua, thỉnh thoảng con vẫn nhắc, không biết em Pepe dạo này lớn bằng nào rồi.

Bạn tôi ở nước ngoài về, nói rằng ở Đức, nếu muốn nuôi một con thỏ trong nhà thì anh ấy phải làm đơn xin phép với sở Thú y thành phố. Tiêm chủng cho nó đều đặn. Chuồng trại phải được kiểm nghiệm, “đóng dấu” bảo đảm vệ sinh, an toàn cho thỏ. Nếu không may con thỏ chết, anh phải đi khai báo. Phải trình bày và chứng minh được lý do vì sao nó chết.

Và tôi nghĩ đến con Pepe của con gái tôi. Nó đã đầu thai vào kiếp sau rồi, có lẽ thế. Những con thỏ, hay bất kỳ con gì được nuôi ở thành phố đều phải chịu chung một số phận tù đày. Chó, mèo, chim, rùa, thỏ… Con gì cũng sẽ phải sống trong cũi, trong lồng, đeo xích ở cổ cho đến… lúc chết. Đã thế, như con Pepe kia, chết trong lặng lẽ, oan uổng.

Và những đứa trẻ lớn lên ở thành phố, việc giao hòa với thiên nhiên, cây cỏ, muông thú sao mà khó khăn đến thế. Con gái tôi đặc biệt có niềm tin vào việc mọi con vật đều biết suy nghĩ, biết vui buồn. Nó sợ các con côn trùng, nhưng không bao giờ muốn giết. Nhìn thấy chỉ cần mẹ đuổi đi là được. Có một lần tôi đưa cháu đi theo ra chợ, đến hàng cá.

Tôi mua một con cá chép và đề nghị bà hàng cá mổ giúp cho sạch sẽ. Bà hàng cá đương nhiên nhanh nhẹn bắt ngay con cá ra, đặt lên thớt, và… bốp! Bà giơ cao chiếc chày, đập một phát dứt khoát, bạo liệt vào đầu con cá. Con cá chép giãy một cái rồi nằm yên. Không may, tất cả những cảnh đó đã rơi trọn vào tầm nhìn của con gái tôi, nó thét lên rồi úp mặt vào lưng mẹ, tay túm chặt áo mẹ, khóc nghẹn. Trên đường về con lẩm bẩm, giọng vẫn run lên: Con sẽ không bao giờ ăn cá! Tôi ân hận ghê gớm. Lẽ ra hôm ấy tôi không nên cho con theo ra chợ.

Cũng ở Đức, vẫn là bạn tôi nói: Bọn trẻ bị cấm không được đi vào các lò mổ. Trẻ em được bảo vệ cảm xúc trước những điều tàn nhẫn mà người lớn không thể không làm.

Còn ở nơi chúng ta đang sống, việc bảo vệ cảm xúc của trẻ trước những điều ấy có khó không? Nó hẳn là không đơn thuần từ các bà mẹ, mà phải từ nhận thức của cả một cộng đồng. Phải đến một lúc nào đó, rất xa nữa, một vài thế hệ nữa, có lẽ vậy. Và để làm được điều đó, tôi nghĩ mỗi người lớn chỉ cần trả lời một câu hỏi: Nhân ái với thiên nhiên, với môi trường sống, bao gồm cả môi trường tự nhiên và xã hội, có phải là điều mà mọi đứa trẻ đều nên có hay không?

Tôi không biết đến tận khi nào thì tôi mới có thể thú nhận với con gái tôi rằng: Con Pepe ấy đã chết, chỉ sau có mười ngày về làm bạn với con. Thực tế là nó đã chết, còng queo, trong khay thức ăn, trong cái lồng sắt sơn xanh, ngoài ban-công một căn hộ trên tầng 34. Con Pepe không kịp lớn để chạy nhảy, ăn những món ăn mà thỏ lớn được ăn, được sinh con đẻ cái đông đàn dài lũ. Pepe vắn số vì phải từ biệt cái chuồng đầy cỏ nơi nó sinh ra để leo lên một cái ban-công chật hẹp nóng nực chỉ vì niềm yêu mến của một bé gái.  

Đỗ Bích Thúy
 

;
;
.
.
.
.
.