Người có công với cách mạng ngày một già yếu. Chăm sóc điều dưỡng họ phần nào bù đắp nỗi đau do chiến tranh để lại, cũng là thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Đoàn NCC quận Ngũ Hành Sơn đi tham quan các tỉnh phía Bắc tháng 5 vừa qua. |
Khỏe thể chất, vui tinh thần
Tiệm tạp hóa nhỏ của bà Ký (sinh năm 1952) ở khu dân cư Khuê Đông 1, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) dạo này rộn ràng hẳn. Ai nấy đến bán-mua đều nấn ná chuyện trò, hỉ hả vì những câu chuyện bà đem về làm quà từ chuyến đi Quảng Bình vừa qua. Quảng Bình có chi mô xa mà qua lời kể của bà Ký, dải đất hẹp nhất miền Trung như thay áo mới, rực rỡ, đẹp đẽ. Kết lại câu chuyện, bao giờ bà cũng hùng hồn khẳng định: “Chừ Nhà nước cho đi tham quan ở đâu tui cũng xung phong đi. Đi để coi chỗ này chỗ kia, coi đất nước mình phát triển chừng mô rồi đặng về kể cho con cháu, cho những đồng đội đã già yếu không thể đi được”.
Bà Võ Thị Ký là một trong 30 người có công (NCC) của quận Ngũ Hành Sơn tham gia đợt đi điều dưỡng kết hợp tham quan tỉnh Quảng Bình vào tháng 5 vừa qua. Ở tuổi 67, chiến tranh để lại nơi cơ thể người nữ du kích địa phương ấy nhiều vết thương và căn bệnh đau khớp kinh niên. Nhưng sau mỗi chuyến đi điều dưỡng trở về, mặc dù phải di chuyển lên xe xuống tàu nhưng bà như khỏe hẳn ra. Bà thật thà kể: “Mỗi lần được đi điều dưỡng sướng lắm. Phải gọi là đi nghỉ dưỡng. Chỗ ở sang trọng, yên tĩnh. Đồ ăn toàn món ngon, được đổi món liên tục. Sướng nhất là có các điều dưỡng viên mỗi ngày đều tập luyện vật lý trị liệu cho mình. Bệnh khớp của tui nhờ đó mà cải thiện hẳn”.
Ngồi bên cạnh nghe vợ kể về chuyến đi, ông Cao Xuân Dẽ (sinh năm 1945, thương binh hạng 4/4) “hậm hực” bảo: “Bà tưởng có mình bà đi xa là đi nghỉ dưỡng hả? Tui đi gần nhưng cũng nghỉ dưỡng y rứa. Khách sạn tui ở còn gần ngay sát biển. Sáng ra đi bộ xuống biển hóng gió. Rồi còn đi tham quan quanh Huế, Hội An…”.
Năm nay, ông Dẽ nằm trong diện được nhận suất đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng NCC miền Trung (đường Phan Tứ, quận Ngũ Hành Sơn). Dù không được đi xa, ở lại “sân nhà” có chút quen thuộc nhưng chuyến đi kéo dài 6 ngày nghỉ dưỡng hoàn toàn, được bồi bổ, chăm sóc tận tình cũng khiến ông khỏe hẳn ra. “Mình được ăn toàn món ngon, bổ dưỡng, chẳng mấy khi ở nhà được ăn. Tới bữa ăn, mỗi người còn được phát cho lon bia uống. Đi vài ngày về mà ai trong đoàn cũng béo trắng ra. Thiệt sướng!”, ông Dẽ khoe.
Đoàn 45 NCC của quận Sơn Trà năm nay đi tham quan Đà Lạt. Trong chuyến đi ấy, người lớn tuổi nhất là 82 tuổi. Hành trình 7 ngày đi vào Nha Trang ở lại 2 đêm, sau đó lên Đà Lạt ở 3 ngày, rồi về Quy Nhơn ở lại 1 đêm. Trước khi đi, tất cả mọi người trong đoàn đều được kiểm tra sức khỏe tổng quát. Trong đoàn có bác sĩ của trung tâm y tế quận đi theo phục vụ. Ông Bùi Quốc Luận (sinh năm 1944, trú đường Lê Hữu Trác, quận Sơn Trà) kể: “Đi qua 3 tỉnh, đến nơi đâu chúng tôi cũng được lưu trú tại khách sạn hạng sang, ăn uống, phục vụ rất chu đáo. Thật sự rất ấm lòng. Chúng tôi chỉ mong chuyến đi nối tiếp chuyến đi, vì lớp NCC mỗi năm mỗi già yếu, cứ sau 2 năm gặp lại thì đã thưa thớt người”.
Biết ơn bằng cả tấm lòng
Đà Nẵng hiện nay có hơn 93.000 lượt đối tượng được xác nhận theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng. Trong đó có 15.500 liệt sĩ với hơn 27.000 thân nhân; 9.400 thương, bệnh binh; 619 cán bộ tham gia hoạt động cách mạng trước tháng Tám năm 1945, 18.864 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần, 6.779 NCC giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; 3.932 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày; 2.100 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 7.805 con liệt sĩ, thương, bệnh binh được hưởng chính sách ưu đãi giáo dục - đào tạo... Hiện nay có gần 18.600 lượt đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hằng năm hơn 230 tỷ đồng.
NCC với cách mạng hiện nay ngày một già yếu nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe là cần thiết. Bà Mai Thị Nga, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, trong từng giai đoạn, điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng cần được điều chỉnh bổ sung cho phù hợp nhằm bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát của NCC cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Hiện nay, chế độ điều dưỡng với NCC được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC do liên Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính ban hành.
Theo đó, NCC với cách mạng và thân nhân sẽ được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, trong đó mức chi đối với chế độ điều dưỡng tại nhà là 1.110.000 đồng/người/lần; mức chi đối với chế độ điều dưỡng tập trung là 2.220.000 đồng/người/lần. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20-7-2014. “Công tác điều dưỡng NCC là rất thiết thực, mỗi đợt đi điều dưỡng, ngoài việc nâng cao sức khỏe còn là dịp để các cô, các chú ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc. Số lượng NCC mỗi ngày một già yếu, đau bệnh. Nhờ những chuyến đi, những đợt nghỉ dưỡng này mà sức khỏe và tinh thần các cô, chú đi lên. Đối với đối tượng là NCC, chúng ta xác định là phải nuôi, hỗ trợ họ suốt đời phần nào bù đắp vào những nỗi đau, mất mát mà chiến tranh để lại”, bà Nga nói.
Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho hay, theo kế hoạch, năm 2019 toàn thành phố có trên 7.000 đối tượng NCC với cách mạng và thân nhân được thực hiện chế độ điều dưỡng, với tổng kinh phí khoảng 11 tỷ đồng.
Trong đó: điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng NCC miền Trung là 700 đối tượng; điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng NCC Quảng Bình là 240 đối tượng; điều dưỡng tập trung ở địa phương khác ngoài thành phố: 405 đối tượng; điều dưỡng tại nhà: 5.669 đối tượng. “Chăm lo cho các đối tượng chính sách, nhất là NCC với cách mạng vừa là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, đồng thời là trách nhiệm, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Trong thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố sẽ tham mưu, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, tổ chức tốt công tác điều dưỡng luân phiên, hỗ trợ kinh phí để các quận, huyện tổ chức đối tượng chính sách tham quan Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh phía Nam”, ông Thái Đình Hoàng nói.
Quỳnh Trang