Tiếp nối, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) chu đáo đến cuối đời. Bên cạnh đó, với mô hình “Người con hiếu thảo”, các bạn đoàn viên thanh niên cũng thường xuyên tranh thủ thời gian đến với những hộ gia đình chính sách khó khăn, neo đơn để thăm hỏi, dọn dẹp nhà cửa…
Các bạn đoàn viên thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn thăm hỏi sức khỏe một hộ gia đình chính sách khó khăn tại thôn. Ảnh: MAI HIỀN |
Ghé nhà Bà mẹ VNAH Đặng Thị Trọng (sinh năm 1928) trong một con hẻm nhỏ trên đường Phạm Phú Thứ (quận Hải Châu), chúng tôi thấy dáng Mẹ ngồi trên chiếc ghế mây, ngay trước cửa nhà.
Ở cái tuổi 91, sức khỏe có phần giảm sút, đi lại khó khăn song trí nhớ của Mẹ còn khá minh mẫn. Mẹ kể chúng tôi nghe chuyện mẹ bị địch đánh đến gãy tay lúc đang mang bầu người con trai út, rồi chuyện người con trai của mẹ bị bắn lúc mẹ đang ngoài ruộng,… Những câu chuyện thời chiến ấy, Mẹ nhớ như in từ chi tiết nhỏ nhất cho đến cái cảm xúc đau khổ đến tột cùng của Mẹ lúc ấy. Càng kể, khóe mắt Mẹ lại thêm đượm buồn nhưng không để rơi một giọt nước mắt nào. Chúng tôi cảm nhận được, Mẹ đang rất nhớ về người chồng cùng hai người con trai đã hy sinh. Và chúng tôi cũng nhận thấy được rằng, Mẹ kiên cường, mạnh mẽ đến chừng nào.
Thương người con trai út, nay đã ở cái tuổi 50 nhưng vẫn một mình một bóng nên thay vì chọn sống cùng một người con nào đó hiện đã lập gia đình để có con dâu chăm sóc, cháu quây quần, thì bà quyết định sống cùng người con trai út ấy. Ban ngày, con đi làm, bà quanh quẩn trong nhà, thỉnh thoảng lại ra ngồi trên chiếc ghế mây đặt ngay trước cửa nhà ngắm người qua lại, ngắm nhìn bầu trời để biết nay nắng mưa thế nào. Đúng giờ cơm thì bà vào đong gạo nấu cơm rồi chờ con trai về, hai mẹ con cùng ăn.
Mẹ Trọng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” ngày 17-12-1994.
Bản thân Mẹ là thương binh 4/4, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Và hiện tại, Mẹ được Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng phụng dưỡng mức 400.000 đồng/tháng, Quỹ Thiện Tâm Tập đoàn Vingroup phụng dưỡng mức 500.000 đồng/tháng và thành phố cấp bù 100.000 đồng/tháng.
Cùng sinh năm 1928, song so với Mẹ Trọng thì Bà mẹ VNAH Trịnh Thị Thìn, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu ốm yếu hơn nhiều. Chị Lương Thị Bốn, người con thứ 3 của Mẹ Thìn chia sẻ: “Khoảng 3 năm trở lại đây sức khỏe của mẹ tôi giảm đi rất nhiều, đi bệnh viện suốt. Bà cũng không còn nhớ được gì nhiều, toàn nhớ ngược thôi”. Chúng tôi hỏi thăm sức khỏe thì Mẹ trả lời những câu kiểu vu vơ, không đi vào câu hỏi.
Mẹ Thìn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cùng ngày với Mẹ Trọng. Mẹ còn là thương binh 3/4, người có công giúp đỡ cách mạng. Mẹ có chồng và hai con là liệt sĩ. Hiện Mẹ Thìn đang được Công ty Tuyển Than Hoàng Gia Quảng Ninh phụng dưỡng 600.000 đồng/tháng, Quỹ Thiện Tâm Tập đoàn Vingroup phụng dưỡng 500.000 đồng/tháng.
Không chỉ Bà mẹ VNAH, các gia đình chính sách khó khăn, neo đơn cũng được các tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm, thăm hỏi thường xuyên. Đoàn Thanh niên có mô hình “Người con hiếu thảo” được tổ chức hơn 2 năm qua, hỗ trợ khá nhiều cho các gia đình chính sách.
Đều đặn mỗi tháng một lần, các bạn đoàn viên ở các chi đoàn trực thuộc Đoàn xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) ở mỗi thôn lại sắp xếp một ngày thăm hỏi, dọn dẹp, nấu ăn ở một gia đình chính sách khó khăn, neo đơn tại thôn. Ngày chúng tôi ghé về Hòa Nhơn cũng đúng ngày các bạn đoàn viên thôn Thái Lai đến dọn dẹp, nấu ăn tại hộ bà Đỗ Thị Nuôi (85 tuổi).
Vừa tới nhà bà Nuôi, các bạn đoàn viên phân chia công việc, người này quét nhà, người kia dọn dẹp, người thì lặt rau, người vo gạo, người rửa thịt,… Các bạn ấy chẳng khác gì những đứa con, đứa cháu trong gia đình của bà Nuôi. Ai nhận việc gì thì đều nhanh tay, nhanh chân hoàn thành công việc để bà kịp giờ ăn trưa. Đứa cháu nội của bà Nuôi thì cứ quấn lấy các bạn đoàn viên hỏi chuyện như cách đứa em nhỏ vui mừng rồi lẽo đẽo theo sau người anh, người chị ở xa, lâu lâu mới về nhà vậy.
Anh Nguyễn Mỹ, con trai bà Nuôi chia sẻ: “Năm anh em tôi đều không khá giả gì, riêng phần gia đình tôi thì khó khăn nên ngoài những khoản tiền mà mẹ được nhận theo chính sách, anh em chúng tôi cũng chung tay với nhau để chăm sóc cho mẹ. Khoảng 3 năm trở lại đây, mẹ tôi bị tai biến, phải nằm một chỗ nên sức khỏe cũng theo đó mà giảm sút rất nhanh. Giờ cho mẹ ăn gì thì phải xay nhuyễn ra mẹ mới nuốt được.Hôm nay, được các bạn đoàn viên ở thôn ghé nhà chơi rồi còn dọn dẹp, nấu ăn cho, vợ chồng tôi vui lắm”.
Chị Lê Thị Hồng Tuyết, Phó Bí thư Đoàn xã Hòa Nhơn cho hay, “Mô hình “Người con hiếu thảo” được chính thức triển khai tại xã Hòa Nhơn từ năm 2019. Theo đó, ở cấp chi đoàn, đoàn viên thanh niên đều đặn mỗi tháng một lần sẽ đến một hộ gia đình chính sách khó khăn, neo đơn thăm hỏi, dọn dẹp, nấu ăn,…; ở cấp Đoàn xã thì mỗi tháng một lần, chúng tôi tổ chức chương trình “Vui khỏe cùng người cao tuổi”, các cụ sẽ được khám bệnh miễn phí, tham gia chơi bài chòi do Câu lạc bộ Bài chòi Sông Yên biểu diễn và dùng bữa cơm thân mật cùng lãnh đạo và tuổi trẻ xã nhà. Việc thực hiện mô hình này cũng đã góp phần thể hiện được tình cảm của thanh niên Hòa Nhơn trong công tác đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của các thế hệ cha ông để thế hệ trẻ có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
MAI HIỀN