Mày mò tự học từ sách vở, trên mạng và các nghệ sĩ trong nghề, Trịnh Ngọc Huy Toàn (sinh năm 1991) không những chơi khá hay các loại nhạc cụ như sáo, guitar… mà còn tự chế ra nhiều nhạc cụ từ những vật dụng quen thuộc hằng ngày như: ghế, ống bô (xe máy), cưa, ống nhựa, ống hút…
Những học trò guitar của Huy Toàn chăm chú xem thầy biểu diễn. Ảnh: N.H |
Trong một chương trình nghệ thuật “Vì thành phố xanh” do Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố tổ chức mới đây, khán giả khá bất ngờ với màn trình diễn của Huy Toàn. Những điệu nhạc nhẹ nhàng, du dương phát ra từ những vật dụng như ống hút, ghế, chân micro… do Huy Toàn điều khiển khiến người nghe say đắm. Những tràng pháo tay vang lên không dứt, khán giả Nguyễn Thị Vân (quận Sơn Trà) ghé tai tôi nói nhỏ: “Tôi thấy người ta biểu diễn trên ti-vi nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu tiên được xem trực tiếp. Hay quá cô ạ!”.
Màn biểu diễn của Huy Toàn khiến tôi khá tò mò vì Toàn là gương mặt khá lạ trong giới nghệ thuật. Khác với vẻ tự tin trên sân khấu, Huy Toàn ngoài đời trông hiền lành và rụt rè. Chậm rãi kể, Toàn cho biết gia đình không có ai đi theo con đường nghệ thuật, nhưng không biết lý do gì bản thân lại đam mê chơi guitar và sáo trúc từ bé. Năm học THCS, Toàn đã tự mày mò mua sách về học. Khi đậu vào Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), môi trường sinh viên với các hoạt động đoàn thể, xã hội là cơ hội để Toàn thể hiện mình. Tham gia Câu lạc bộ Sáo trúc thành phố, Toàn được học hỏi thêm từ anh chị đi trước, đặc biệt là những kinh nghiệm từ NSƯT Trịnh Mạnh Hùng. Đến năm học thứ 2 đại học, Toàn đã tự làm sáo trúc và bán được những cây sáo đầu tiên. Cây sáo trúc đầu tiên của Toàn phải mất 3 đến 4 năm mới hoàn thành sau nhiều lần làm rồi bỏ đến hàng chục cái, bởi để ra một cây sáo có âm thanh hay không hề dễ dàng. Từ cây sáo đầu tiên như yêu cầu bản thân tự đặt ra, Toàn làm nhiều cây sáo khác cũng với phương pháp thủ công, mất 3 đến 4 ngày để làm một cây. “Tôi đo âm theo piano nên khá chuẩn, có thể hòa tấu với các loại nhạc cụ khác nên khách hàng rất thích”, Toàn cho biết.
Đến năm học thứ 4, Toàn đã mở cho mình một cửa hàng riêng bán các loại nhạc cụ, trong đó có sáo trúc tự tay làm. Cũng trong năm này, Toàn đoạt giải quán quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng sinh viên Duy Tân.
Sau khi ra trường, chàng kiến trúc sư trẻ cũng đã tìm kiếm cho mình công việc phù hợp. Nhưng niềm đam mê với sáo trúc quá lớn nên nghề kiến trúc sư lại trở thành nghề “tay trái” để Toàn có thời gian chuyên tâm vào sáo, guitar. Vì gia đình luôn muốn Toàn theo nghề kiến trúc sư đã học nên để ba mẹ yên tâm, Toàn cố gắng làm việc để bảo đảm thu nhập; bên cạnh bán nhạc cụ, anh mở các lớp dạy guitar và piano…
Cũng thời gian này, Toàn bắt tay vào tìm hiểu, chế ra nhiều nhạc cụ hơi từ những vật dụng quen thuộc hằng ngày như: ghế, ống bô (xe máy), cưa, ống nhựa, ống hút, chai nước… Theo Toàn, khi xem chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ nước ngoài và Việt Nam biểu diễn những nhạc cụ tự chế, anh cũng muốn thử thách mình. Mỗi ngày, Toàn dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu và cho ra đời những sản phẩm nhạc hơi tự chế; có những loại đã được nhiều người làm trước đó nhưng cũng có một số chưa ai làm như: ống bô, ghế, cưa.
“Tôi làm ra những nhạc cụ tự chế đơn giản chỉ muốn thử thách bản thân, tạo ra sự khác biệt. Bây giờ được mọi người đón nhận và yêu cầu biểu diễn thổi sáo bằng lỗ mũi, tôi cảm thấy rất vui. Hy vọng thời gian tới được chia sẻ niềm đam mê với sáo trúc đến với công chúng nhiều hơn”, Toàn khép lại câu chuyện.
NGỌC HÀ