Hạn hán nghiêm trọng ở Đông Nam Á

.

Lượng mưa ít hơn bình thường. Thủy điện xả nước ít hơn nhu cầu. Việc trồng cây lương thực, chủ yếu là lúa gặp vô vàn khó khăn… Đó là bức tranh về một mùa hè nắng hạn ở các nước Đông Nam Á hiện nay. Dự báo tương lai sẽ hạn hán nghiêm trọng hơn và nguy cơ an ninh lương thực sẽ lớn hơn.

Một cánh đồng ở Thái Lan bị khô hạn nặng.
Một cánh đồng ở Thái Lan bị khô hạn nặng.

Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào cho biết cả nước có 850.000 ha trồng lúa. Phần lớn các tỉnh sản xuất lúa gạo hàng đầu đều nằm dọc theo dòng sông Mekong. Mùa vụ chủ yếu diễn ra trong mùa mưa từ cuối tháng 5 cho tới hết tháng 9. Vậy mà cho tới cuối tháng 7, chỉ mới trồng được 40% diện tích.

Tỉnh Luang Namtha có cả thảy 9.678ha trồng lúa nhưng chỉ mới trồng được 5.296ha vì trời không mưa, hệ thống tưới tiêu khô trơ đáy, thậm chí những con sông cũng không có nước. 7.000ha ở Vientiane không trồng được hoặc trồng nhưng bị chết sạch vì khô hạn. Một nông dân ở huyện Pak Song thuộc tỉnh Champassak ở miền nam Lào cho biết, người dân ở đây thông thường kết thúc việc trồng lúa vào tháng 6 nhưng tới bây giờ vẫn chưa thể trồng hạt nào vì quá hạn. Nông dân yêu cầu chính quyền hỗ trợ bằng cách xây dựng các hệ thống tưới tiêu bổ sung. Trong khi đó, chính quyền địa phương cho biết sẽ tặng hạt giống cho nông dân trồng lại khi có mưa nhưng có thể là quá muộn bởi bây giờ đã bước qua tháng 8. Chính quyền cũng khuyến nghị nông dân trồng các loại cây khác cần ít nước hơn.

8 tỉnh ở phía bắc, đông bắc và miền trung Thái Lan chịu cảnh khô hạn tồi tệ nhất trong vòng một thập niên qua. Hạn hán làm cho 17 đập chính gần như khô hạn, mức nước ở các đập khác cũng ở mức dưới 30%. Tỉnh Nakhon Ratchasima ở đông bắc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi 1.600ha trồng lúa cháy khô vì hạn đã kéo qua tháng thứ ba. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha quyết định chi ra 3,26 triệu USD để hỗ trợ các tỉnh bị hạn hán nghiêm trọng. Thủ tướng Prayut đề nghị chính phủ các nước Trung Quốc, Lào và Myanmar xả đập để cứu 1,5 triệu ha lúa thiếu nước nghiêm trọng.

Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, thường trồng vụ chính vào tháng 5 và thu hoạch từ tháng 8 cho tới tháng 10. Dự báo thời tiết cho biết Thái Lan sẽ không có mưa lớn cho tới cuối tháng 8 đầu tháng 9. Chính phủ nước này kêu gọi người dân không trồng lại lúa vì cũng sẽ thiếu nước. Họ đang lên phương án làm mưa nhân tạo để cứu lúa. Ngay cả mưa trong tháng 8 và tháng 11 tới dự kiến cũng thấp hơn trung bình từ 5% - 10%. 

Các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm mục tiêu từ 9,5 triệu tấn/năm xuống còn 9 triệu tấn. Một thương gia ở Bangkok cho biết tình hình hạn hán làm tăng mối lo về nguồn cung cấp cho thị trường dù ở thời điểm hiện tại giá đã tăng tầm 5% nhưng vẫn chưa bị thiếu hụt.

Lào và Thái Lan là hai quốc gia Đông Nam Á chịu cảnh hạn hán nặng nề nhất. Tiếp theo là Indonesia khi mà toàn bộ đảo Java và thủ đô Jakarta cũng nhiều khu vực không có mưa trong suốt 2 tháng trời. Diện tích bị ảnh hưởng khô hạn lên tới 200.000ha. Vụ lúa có nguy cơ thiệt hại nặng nề làm tăng khả năng sẽ phải tăng nhập khẩu gạo trong năm thứ hai liên tiếp. Tổng thống Joko Widodo cũng xem xét mưa nhân tạo là một giải pháp chống hạn cho nhiều vùng ở Indonesia. Nhiều nước khác thì nông dân, người nuôi tôm gặp khó khăn, rừng cháy trên diện rộng.

Mực nước ở phía bắc sông Mekong xuống quá thấp khiến thuyền không thể di chuyển. Các tàu chở hàng của Trung Quốc và Thái Lan cũng không thể đi lại giữa thị trấn Luang Prabang (Lào) với khu vực Tam giác vàng, biên giới ba nước Thái Lan, Lào và Myanmar gặp nhau ở ngã ba sông Ruak và Mekong. Ủy ban liên chính phủ sông Mekong cho biết mức nước chảy qua vùng bắc và đông bắc Thái Lan thấp nhất từ năm 1992 tới nay. Trong khi đó, Phó giám đốc Cục khí tượng Lào là Bounthong Souvannahan cho biết lượng mưa năm nay chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và lượng nước từ các đập Trung Quốc và Lào xả ra cũng ít hơn. Nhiều ngư dân Lào cho biết thuyền của họ mắc kẹt ở bờ vì nước rút tụt tới… 9m.

Các đập thủy điện dọc sông Mekong như Xayaburi (Lào) và Jinghong (Trung Quốc) đang giữ nước vì mục đích riêng (phát điện) của họ làm trầm trọng thêm tình trạng khát nước của nông dân và cư dân ở vùng hạ lưu sống dựa vào dòng sông này. Dường như phát điện được cho ưu tiên hơn sinh kế của cộng đồng ở vùng hạ lưu.

Đập Jinghong chỉ xả có 600m3/giây, tức chỉ bằng một nửa so với bình thường trước đây. Cùng với lợi ích kinh tế riêng và tình trạng biến đổi khí hậu thì mực nước sông Mekong thấp rồi sẽ tái diễn dài dài qua các năm kế tiếp. Một báo cáo mới đây của LHQ cảnh báo hạn hán ở Đông Nam Á có thể trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn.

ANH THƯ (Tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.