Học trò trường làng

.

Mãi đến bây giờ, khi mái tóc đã bắt đầu thay màu, gối đã chùng, chân đã mỏi, nhưng những ký ức một thời là học trò trường làng trong tôi vẫn như mới hôm qua, hôm kia. Tôi như vẫn thấy con bé tóc cắt bum bê, mắt lúc nào cũng mở to, thân hình béo tròn trùng trục với đôi chân ngắn ngủn là tôi vừa đi vừa chạy trên con đường đất nhỏ men theo cánh đồng lúa trên đường đến trường. Hay lúc trễ học thường rúc qua bờ rào nhà hàng xóm để chạy cho nhanh đến lớp khi nghe tiếng trống trường giục giã giờ vào học vì sợ cô mắng, dù có nhiều khi bị gai cào rách cả lưng áo.

Nơi có ngôi trường của chúng tôi bên dòng sông Thu Bồn giờ còn lại mái đình, trường chỉ còn là ký ức... Ảnh: K.E
Nơi có ngôi trường của chúng tôi bên dòng sông Thu Bồn giờ còn lại mái đình, trường chỉ còn là ký ức... Ảnh: K.E

Ngôi trường ngày thơ ấu của tôi chỉ có năm gian nhà cấp bốn lợp ngói nép bên đình làng dưới gốc cây gòn cổ thụ chỉ cách nhà tôi chừng vài trăm mét. Nhưng với đôi chân trẻ con ngày ấy, với tôi đường đến trường dài lắm, đi mãi mới đến nơi. Ngày ngày đến trường, có bữa tôi men theo bến sông, có bữa tôi đi dọc cánh đồng, hoặc đi nhờ qua vườn nhà hàng xóm. Lối đi nào đến trường với tôi cũng đầy kỷ niệm.
Con sông Thu cuối dòng chảy qua làng tôi mùa hè nước trong veo êm ả, lặng lờ trôi.

Những chiếc thuyền hàng ngày ngược xuôi mưu sinh trên sông trong mắt tôi nên thơ như những vần thơ đầy cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Bính, mà tôi đọc cọp được trong những cuốn Quốc văn giáo khoa thư của các anh chị lớp lớn. Tôi thích ngắm sông, nên những ngày trời nắng, cứ buổi trưa tan học về là tôi men theo bến sông về nhà. Có bữa gió mát tôi ngồi ngắm sông rồi ngủ quên bên rặng tre đầu xóm. Má tôi chờ mãi không thấy con đi học về, hốt hoảng đi tìm thì thấy tôi nằm gối đầu trên cặp ngủ ngon lành bên bến sông. Lúc má kêu dậy thì tôi đang mơ thấy mình đang theo những chiếc thuyền trôi về một bờ bến lạ với bao nhiêu cảnh đẹp như trong truyện cổ tích. Tôi tiếc giấc mơ đẹp bị dang dở ấy đến mãi bây giờ.

Cánh đồng nằm dọc theo con đường đến trường phía sau lưng nhà bác tôi bốn mùa đều đẹp như một bức tranh nhiều màu. Từ màu xanh non của mạ mới gieo, đến màu xanh ngắt của lúa đang thì con gái, màu vàng tươi của lúa bắt đầu chín thoảng mùi hương; rồi khi cả cánh đồng ngập trong mảng màu vàng sậm mà một danh họa nào đó hào phóng quệt cọ quá tay là đến mùa gặt. Chỉ sau vài ngày cả cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ trên nền đất xám xịt nhưng lại là mùa vui của đám học trò trường làng chúng tôi. Cứ sau mùa gặt, lũ chúng tôi lại xé vở, dán diều rồi chỉ mong  giờ tan học buổi chiều đến nhanh để hối hả nhét sách vở vào một góc ruộng, rồi đứa nào đứa nấy chân trần chạy trên mấy vạt ruộng mấp mô những gốc rạ thả diều đến tối mịt mới chịu về.

Tôi vốn ham đọc sách nên hễ mượn được cuốn sách nào là tôi ôm đọc mê mẩn quên cả ăn, cả ngủ. Có nhiều bữa ham đọc quá, đến giờ đi học vẫn còn ôm cuốn truyện. Nhà gần trường nên khi nghe tiếng trống đánh báo giờ vào lớp rõ mồn một, tôi mới hối hả ôm sách vở chui đại qua hàng rào nhà hàng xóm để đến trường cho nhanh. Có nhiều lần vội quá tôi bị gai tre cào xước cả lưng. Một lần, thấy mấy chùm mận chín vắt vẻo trên cao, tôi bỏ sách vở trèo lên cây hái trộm bị chủ vườn phát hiện. Tôi sợ cô phạt không dám đến lớp, trốn ra bờ sông ngồi. Chờ đến tan học, lẻn về nhà. Không may cho tôi là cô giáo không thấy tôi đến lớp nên đã cho một bạn về nhà tôi trong giờ ra chơi để tìm hiểu. Tối đó tôi bị ba đánh một trận nhớ đời vì tội trốn học.

Tôi ham chơi nhưng cũng ham học, ham đọc nên luôn được xếp thứ hạng cao trong lớp. Mỗi lần cuối tháng được cô phát cho bảng danh dự trong số năm học sinh giỏi của lớp là thấy tự hào như mình lập được kỳ tích. Những bài giảng của thầy, cô mà tôi được học, được nghe những năm đầu đi học đã giúp tôi hiểu biết hơn về lịch sử đất nước mình. Tôi kính phục lòng yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt và những bậc hào kiệt như  Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Tôi được dạy dỗ để biết kính trên nhường dưới, biết đứng nghiêm trang khi nghe quốc ca, biết dở mũ nón chào tiễn biệt người đã khuất khi gặp đám tang trên đường… Và biết bao điều hay lẽ phải các thầy cô giáo đã dạy ở ngôi trường tuổi thơ ấy mà tôi khắc cốt ghi tâm để sống và trở thành người tử tế cho xã hội. Những câu cách ngôn treo trên tường ở các lớp học ở trường làng tôi đã đọc đến thuộc lòng với “ Tổ Quốc trên hết”, “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, hay“ Tiên học lễ, hậu học văn”, và “Không thầy đố mầy làm nên”… tôi vẫn nhớ như in và mãi chẳng bao giờ phai trong tâm trí.

Dòng chảy của con sông Thu Bồn mỗi năm một hung dữ vào mùa lũ đã cuốn phăng nhiều vùng đất của hạ lưu ra biển. Và làng tôi nằm trong mối đe dọa bị sạt lở vì ở cuối dòng. Cứ mỗi mùa lũ về nhiều ngôi nhà ở sát bờ sông bị sạt lở và trường làng tôi cũng không ngoại lệ. Những phòng học mỗi năm bị lở dần xuống sông, trường phải chuyển đến nơi khác. Đám bạn cùng học cùng chơi của tôi ở trường làng ngày xưa cũng không còn gặp lại.

Bây giờ mỗi lần về ngang qua chốn cũ, nhìn mái đình duy nhất còn sót lại nằm chơ vơ bên bến sông, nơi ngày xưa là trường làng mà chị em tôi đã trải qua những năm học thời niên thiếu, tôi vẫn thấy mắt mình cay cay.

KIM EM

;
;
.
.
.
.
.