Xu hướng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng đang diễn ra mạnh mẽ giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn dịch vụ khi tham quan, du lịch tại thành phố này. Ở một khía cạnh khác, điều này cũng khiến cho ngành khách sạn đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ cũng như tạo ra những sản phẩm riêng biệt với giá cả hợp lý.
Nâng cao chuẩn phục vụ là một trong những yêu cầu cấp bách của ngành khách sạn hiện nay. Ảnh: T.Y |
Dự báo “khủng hoảng thừa”
Nếu như năm 2013, Đà Nẵng có tổng 6.464 phòng khách sạn thì đến hết tháng 6 năm 2019, tổng số phòng đã tăng lên con số gần 37.500. Hội Khách sạn Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, công suất sử dụng buồng phòng bình quân các khách sạn tại Đà Nẵng ước đạt trên dưới 50%. Đây là một trong những hệ quả của tình trạng tăng trưởng nóng ngành khách sạn, thiếu sự kiểm soát về số lượng và chất lượng các dự án đầu tư.
Bà Nguyễn Hồ Phương Chi, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng, sự gia tăng về số lượng của các đơn vị kinh doanh lữ hành với 374 đơn vị kinh doanh lữ hành trong nước và quốc tế cũng giúp thúc đẩy ngành khách sạn phát triển; tuy nhiên từ đó cũng đặt ra sự thách thức về hiệu quả liên kết và sự thay đổi công nghệ của ngành khách sạn trong thời đại công nghệ 4.0.
Từ cơ sở dữ liệu do khách sạn cung cấp như hình ảnh, dịch vụ, giá cả, vị trí địa lý, liên kết với đơn vị lữ hành, điểm đến, khách hàng có thể lựa chọn cơ sở lưu trú ưa thích chỉ với vài thao tác đơn giản trên máy tính hay điện thoại di động.
Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất của ngành khách sạn là kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao. Do đó để bảo đảm các mục tiêu kinh doanh, khách sạn cần bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, an ninh và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ, làm đúng các quy chuẩn quốc tế, mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Trong khi đó, ông Đoàn Hải Đăng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, Giám đốc Vietravel tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi cho biết: “Xu hướng chọn phòng của khách du lịch hiện nay nhắm vào các khách sạn có hồ bơi, quầy bar, tầng thượng để ngắm cảnh, nhà vệ sinh sạch sẽ, tiện nghi.
Tuy nhiên, nhiều khách sạn chuẩn 2 sao ở Đà Nẵng ít quan tâm tới vấn đề này, họ kinh doanh theo hướng cung cấp phòng nghỉ nên rất khó thu hút du khách. Để bảo đảm mục tiêu kinh doanh, không ít khách sạn buộc phải cắt giảm nhân viên phục vụ, bộ phận buồng phòng, tiết kiệm tối đa việc sử dụng điện, nước để cắt giảm chi phí vận hành. Điều này khiến cho chất lượng phục vụ cũng giảm đi đáng kể”.
Còn giám đốc một khách sạn trên địa bàn quận Hải Châu (đề nghị không nêu tên) cho biết hiện nay khách sạn của ông thường xuyên giảm giá từ 20%-30%, liên kết với một số công ty đặt phòng trực tuyến với chi phí hoa hồng lên tới 20% nhưng vẫn không thể lấp đầy phòng trống.
“Hiện khu vực ven biển có quá nhiều khách sạn mới xây dựng tiêu chuẩn từ 2-3 sao có giá từ 500.000 đến 600.000 đồng/phòng/ngày, thậm chí không khó để tìm loại phòng ở phân khúc 300.000 đến 400.000 đồng/phòng/ngày. Với đà này, sẽ đẩy nhiều khách sạn ở khu vực trung tâm đến bên bờ vực phá sản hoặc chuyển đổi công năng sử dụng.
Một thách thức nữa của khách sạn Đà Nẵng là cơ cấu khách lệ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường ở châu Á; nhưng số lượng khách từ thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc đang suy giảm dẫn đến công suất của khách sạn cũng bị ảnh hưởng.
Tỉ lệ kín phòng của các khách sạn 5 sao hiện giảm 10-15% so với năm 2018, chỉ đạt khoảng 70-75%; tỉ lệ kín phòng của khách sạn 4 sao những tháng cuối năm 2019 dự báo chỉ đạt 50-55% dù giá phòng đưa ra dao động từ 800.000-850.000/đêm (bình thường khoảng 1,5 triệu/đêm).
Sự tăng trưởng của số lượng buồng phòng cũng làm tăng áp lực lên nguồn nhân sự du lịch. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi năm số lượng học viên tốt nghiệp ở Đà Nẵng chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch.
Các học viên chỉ tập trung phần lớn vào các lớp như hướng dẫn viên, lễ tân trong khi các vị trí này chỉ chiếm 5-15% kinh doanh khách sạn. Các lớp như buồng phòng, đầu bếp, nhà hàng, bảo vệ, học viên theo học ít nhưng nhu cầu lại chiếm đến 70%. Chưa kể, ngành khách sạn Đà Nẵng đang thiếu lao động được đào tạo sâu về chuyên môn nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ; chương trình đào tạo chưa được cập nhật phù hợp với nhu cầu quản lý khách sạn.
Liên kết cùng phát triển
Từ những thách thức đó đặt ra vấn đề phải có giải pháp tháo gỡ. Trước mắt, là khách sạn cần “bắt tay” hợp tác chặt chẽ với nhau và với đơn vị lữ hành. Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng khẳng định, một trong những đối tượng khách đến Đà Nẵng cần được chăm sóc tốt là khách MICE (khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo).
Sự liên kết giữa một đơn vị lữ hành uy tín với một khách sạn uy tín sẽ giúp khách hàng có được trải nghiệm tốt nhất khi đến Đà Nẵng. Đồng thời, các khách sạn cũng có thể liên kết, chia sẻ nguồn khách cho nhau. Đơn cử như để duy trì nhịp tăng trưởng, các khách sạn 4 sao cùng một tuyến đường cần phải liên kết lại để có thể cùng nhau đưa ra một mức giá chung; hoặc kết hợp với các công ty lữ hành chuyên tổ chức sự kiện cùng quảng bá hội nghị, hội thảo tại các tỉnh, thành phố. Các khách sạn 5 sao cũng có thể liên kết với nhau hoặc các khách sạn có phòng hội nghị lớn để quảng bá cho các sự kiện quốc tế.
Bên cạnh đó, theo ông Quỳnh, dù là khách sạn nhỏ thì cũng cần nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh và chú trọng hơn vào các giải pháp khách sạn như giải pháp công nghệ thông tin trong vận hành và quản lý nhân sự, tăng không gian xanh, tăng tiện ích… để bảo đảm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Tại tọa đàm Giải pháp ngành khách sạn Đà Nẵng 2019 diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, khá nhiều chuyên gia nhận định Đà Nẵng vẫn thiếu một bảng quy hoạch chung về phát triển khách sạn trên địa bàn thành phố. Các khách sạn chuẩn 2-3 sao xuất hiện dày đặc trên các tuyến đường gần bãi biển Mỹ Khê nhưng công suất hoạt động buồng phòng chỉ đạt khoảng 40%- 50%.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng thành phố cần xác định rõ loại hình cơ sở lưu trú nào cần ưu tiên phát triển, hạn chế xây dựng khách sạn quy mô nhỏ dưới 20 phòng nhằm giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá. Việc ồ ạt xây dựng khách sạn như hiện nay cũng khiến các cơ quan chức năng khó khăn trong việc quản lý và giám sát chất lượng phục vụ.
Trong khi đó, ông Trần Trà, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng cho biết, khách hàng hiện nay rất quan tâm đến sản phẩm đặc trưng. Thực tế, có không ít khách sạn “ghi điểm” với khách bằng các sản phẩm thư giãn, giải trí cũng như thái độ thân thiện, nhiệt tình của nhân viên phục vụ.
“Khách sạn càng lớn thì càng nên chú ý khai thác những sản phẩm chuyên biệt. Ví dụ khách đến từ các nước Hồi giáo rất cần không gian để thực hiện các nghi lễ, nhà hàng chuyên thức ăn phù hợp với thói quen và khẩu vị của họ”, ông Trà nói.
Để tiếp tục phát triển các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng lượng khách đến Đà Nẵng, Sở Du lịch vừa đề nghị các khách sạn đồng hành trong các hoạt động xúc tiến thị trường, quảng bá, chủ động xây dựng các chính sách kinh doanh phù hợp, trong đó bảo đảm nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng. Đồng thời, Sở Du lịch đang tiếp tục xây dựng nội dung các tiêu chuẩn trong hoạt động kinh doanh du lịch như chuẩn chuyên nghiệp trong kinh doanh lưu trú du lịch, chuẩn môi trường du lịch…
Trong khi đó, để chuẩn bị tốt hơn cho kinh doanh du lịch những năm tới, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã lập các chương trình xúc tiến du lịch mạnh mẽ ở các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và các nước Đông Nam Á...
Hiện các đường bay thẳng đang được xúc tiến mạnh mẽ như đường bay Đà Nẵng - Phnompenh (Campuchia), Jakarta (Indonesia) - Đà Nẵng vào cuối năm 2019. Và, các đường bay dự kiến từ Úc - một trong những đất nước có lượng khách du lịch lớn nhất thế giới - sẽ được mở vào năm 2020; các đường bay thuê chuyến từ Nga tới Đà Nẵng cuối tháng 3-2020 tới cuối tháng 9-2020 hứa hẹn sẽ mang gần 5.000 du khách Nga tới Đà Nẵng.
Thành phố cũng mở rộng ra các thị trường khác thông qua đường bay Doha(Quatar) - Đà Nẵng… Đây không chỉ là giải pháp cân bằng thị trường, ổ định và nâng cao chất lượng nguồn khách du lịch đến Đà Nẵng; mà qua đó góp phần tích cực vào việc giải bài toán về thách thức đối với ngành khách sạn hiện nay.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, tính đến tháng 6-2019, thành phố có khoảng 820 cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch với gần 37.500 phòng, tăng 100 cơ sở (ước khoảng 5.901 phòng) so với cùng kỳ năm 2018, tăng gấp 3 lần so với năm 2011. Dự kiến đến đầu năm 2020, thành phố sẽ có 900 cơ sở với hơn 39.000 phòng, tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Đặc biệt, ngoài khách sạn theo tiêu chuẩn từ 2 đến 5 sao thì một số loại hình khách sạn condotel (khách sạn căn hộ) hay bungalow (căn hộ trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp) cũng được các nhà đầu tư đưa ra thị trường nhằm tạo nên những sản phẩm riêng biệt thu hút du khách. |
TIỂU YẾN