Sức mạnh của trí tưởng tượng (*)

.

Khoa học viễn tưởng từ lâu vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà văn thỏa sức sáng tác, tô vẽ nên những thảm cảnh kinh hoàng, đưa ra những dự đoán về một tương lai u ám. Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cải tiến máy móc dẫn đến nhu cầu về năng lượng tăng cao, khiến cho các nhà khoa học thường bị ám ảnh bởi nguồn năng lượng dự trữ, đặc biệt là năng lượng mặt trời.

 

Thế nên, khát khao về một cỗ máy có thể vận hành không ngừng nghỉ là mơ ước của bao người. Nhưng có chắc đó là cánh cửa mở tới thiên đường, hay chỉ là khởi đầu của chương đen tối nhất trong lịch sử loài người?

Nhà máy chế tạo siêu nhiên được Karel Capek viết vào năm 1922, nội dung khá gần gũi với vở kịch nổi tiếng nhất của ông - Những robot toàn năng của Rossum. Câu chuyện là một chuỗi những hậu quả khôn lường của tiến bộ công nghệ vượt bậc đã phá vỡ cân bằng thế giới. G.H.Bondy là Chủ tịch liên xí nghiệp MEAS, trong một ngày đẹp trời đọc báo, từng bài viết về tài chính, kinh tế, chính trị... lướt qua và bất chợt một mẩu tin về phát minh vĩ đại, được thiết kế bởi Marek - một người bạn cũ của ông đập vào mắt ông.

Karburator hay còn biết đến như các lò phản ứng có thể cung cấp năng lượng cho các nhà máy, điện... với nhiên liệu ít ỏi đến mức kinh ngạc. Và ông bạn Marek đã khẳng định với quý ngài chủ tịch về một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu, bỏ xa nền công nghiệp máy hơi nước của Watt. Vấn đề lớn nhất của kỹ thuật đương đại là sự cháy, khi nhiệt lượng từ than đá ít ỏi, chi phí cao, nay đã được giải quyết.

Các Karburator chỉ cần nửa tạ than là có thể chạy tàu thủy vòng quanh thế giới, tuy nhiên có chút rắc rối “nho nhỏ”, đó là thay vì phát tán carbon dioxide, thì lại phóng ra những Siêu nhiên, hay chính là Thượng đế. Hiểu một cách đơn giản, trong mỗi vật chất có một Siêu nhiên đang bị bó buộc, một dạng năng lượng thu động và bây giờ khi các Karburator phá hủy vật chất, Siêu nhiên sẽ còn lại trong khi vật chất mất đi. Hay chính là các Thượng đế tinh khiết. Nhưng Bondy vẫn bất chấp sự cố nho nhỏ này mà tung ra hàng loạt. Cuốn sách Khải huyền như được mở ra! Siêu nhiên có mặt ở khắp nơi. Thế giới rơi vào hỗn loạn chưa từng có.

Nhà máy chế tạo siêu nhiên tập trung chủ yếu vào mâu thuẫn bên trong chủ nghĩa công nghiệp tư bản, là nguyên nhân cho sự thay đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ và vượt lên tất thảy, đó là sự đe dọa bởi tôn giáo quá khích và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Sự ra đời của Thượng đế ở những tôn giáo khác được thêu dệt dựa trên những câu chuyện thần bí, nhuốm màu sắc thiêng liêng thì trong Nhà máy chế tạo siêu nhiên, Thượng đế được sinh ra từ một chiếc máy bé nhỏ bên dưới một căn hầm không có chút ánh sáng mặt trời. Chiến tranh nổ ra cũng là để tranh giành chút ơn của đấng bề trên.

Tuy cuối cùng sự thay da đổi thịt mà các Karburator và Siêu nhiên gây ra đã bị triệt tiêu. Hòa bình được lập lại. Nhưng cuộc sống vô ưu vô lo hay lý tưởng cao đẹp về một cuộc cách mạng phát triển năng lượng đã không còn thực hiện được. Đến cuối truyện tất cả chỉ còn lại mười ba người cuối cùng dùng bữa dưới tán bạch dương, như một kết thúc có hậu ít thấy trong những câu chuyện dystopia điển hình.

Karel Capek là nhà văn nổi tiếng của Cộng hòa Czech, những sáng tác của ông đã được xuất bản ở Việt Nam như Những robot toàn năng của Rossum, Khi loài vật lên ngôi và mới đây là Nhà máy chế tạo siêu nhiên đều mang đậm nét khoa học viễn tưởng, tuy nhiên là hàm chứa thông điệp về tương lai có thể xảy đến, “đây không phải là suy đoán về những gì trong tương lai, mà là tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó”.

UÔNG TRIỀU

(*) Đọc sách Nhà máy chế tạo siêu nhiên, NXB Hội Nhà văn và Tao Đàn liên kết phát hành tháng 9-2019.

;
;
.
.
.
.
.