Đọc Tiếng Người của Phan Việt tương tự như việc kéo lưới. Hình như con cá nặng nhất vẫn còn dưới đáy, ta phải tiếp tục kéo lên kéo lên, kéo mãi một cách say sưa và không ngừng chờ đợi. Nhưng cũng không bỏ qua được phần lưới đã kéo lên, những mắt lưới cứ bện chặt vào nhau, phủ lên đó là một ít rong rêu và cả những con cá khác, tươi rói, vẫy vùng.
Tiếng người, tiếng người là gì? Tôi đã liên tục tự vấn mình như vậy trước khi mở ra trang sách đầu tiên của cuốn Tiếng Người. Có lẽ đó là những tiếng nói, tiếng cười lao xao của một vài hoặc nhiều con người đang trò chuyện hoặc hỏi han nhau. Hoặc nữa, họ đang thay nhau cười đùa, giải thích về một vài điều gì đó. Các âm thanh cứ va đập, xô đẩy vào nhau, chúng không ngừng thoát ra, sau đó lập tức vọng lại, xa xôi nhưng cũng sống động như sóng biển vỗ bờ. Tôi đã nghĩ rất nhiều như thế nhưng rồi những trang viết cứ dần cuốn tôi đi, xóa hết mọi mường tượng ban đầu. Tôi không hình dung nổi dưới đáy ao kia có gì nên cứ thế mải mê đi đến trang cuối cùng bằng một cảm giác háo hức kỳ lạ.
Cuốn sách không viết về tiếng nói từ đám đông, nó là câu chuyện của một người đàn ông tên Duy, anh đang mắc kẹt trong mối quan hệ hôn nhân với M. Nhưng Duy đến với M bằng tình yêu, sự đồng điệu và thấu hiểu, vậy thì sao có thể gọi là “mắc kẹt”? Vì mỗi người đều có những bí mật riêng. Họ có những khoảng trống mà người kia dù làm cách nào đi nữa cũng không thể lấp đầy. M đêm đêm vẫn mơ về N, người bạn trai chưa hề gặp lại từ thuở thiếu thời. Còn Duy, kể từ lần gặp Phượng, người con gái mặc áo đỏ ở Đà Nẵng, thành phố nơi anh công tác, anh đã không thể chối bỏ được những khao khát sở hữu và ý niệm về sự hòa hợp. Duy bắt đầu nghi ngờ về sự ấm êm mỗi ngày đang vây bọc lấy mình.
Những ẩn ức lần lượt nổi lên, chúng như những con kiến đen li ti, không ngừng bò đi rồi bò đến, rúc ráy vào da thịt và trí não anh, khiến toàn thân nhức nhối, bí bách khó chịu. Cả Duy và M đều có xu hướng “phản bội”, ai nấy đều âm ỉ nhung nhớ về hình bóng của một người thứ 3. Thế nhưng không ai cảm thấy tội lỗi hay đáng trách về hành động của mình. Sóng dưới đáy sông luôn là điều khó nhận biết. M đã không nhận ra sự thay đổi của Duy qua những hoang mang có trong giọng nói từ phía đầu dây bên kia, hay những ái ân bạo liệt của anh dành cho cô trong một đêm trời nín gió. Và chính Duy cũng đã chậm một bước. Phải chờ đến khi những nhung nhớ của M rõ thành hình hài thông qua một cuộc hẹn với người bạn kia, thì cơn sóng trong anh mới trào lên, cuốn phăng đi những ấm êm cũ kỹ.
Cuộc sống luôn ẩn chứa sự phức tạp và hấp dẫn, và con người dù ở đâu cũng dễ sa vào những cuộc chạy đua tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm chính mình. “Hạnh phúc là một con chim e thẹn, càng săn chúng sẽ càng bay đi”. Nhưng tìm kiếm chính mình lại là một hành trình khác. Để nhìn ra mình là ai, mình thực sự cần điều gì là một việc làm cần sự bền bỉ, phải nghiêm túc tự mình không ngừng đấu tranh. Bởi nó cũng khó khăn như khi ta nhìn xuống đáy giếng sâu vậy. Thấy mình đó nhưng chưa hẳn là mình, đó chỉ là cái bóng dập dềnh, dễ dàng biến dạng theo chiều kích hun hút của tầng tầng lớp lớp không gian.
Phan Việt viết Tiếng Người như một đạo diễn tài ba dựng một bộ phim tâm lý nặng ký. Cách chị lựa chọn bối cảnh, cách chị nhen nhóm và thổi bùng cảm xúc. Và rồi cả cách chị đào xới tận cùng chiều sâu nội tâm của con người bằng những miêu tả chuẩn xác và chi tiết. Tất cả đều làm người đọc cảm thấy thỏa mãn. Chị từng trần tình: “Tôi nghĩ mỗi con người, vào những thời khắc khác nhau trong ngày, trong tháng, trong đời, họ đều có những bí mật, những mơ ước, những nỗi sợ hãi, những tham vọng, những khao khát, những đổ vỡ và khai sáng mà họ không bao giờ nói ra hoặc không dám theo đuổi đến cùng, vì có thể chính họ cũng không hiểu và không tin, trong khi dường như chính những thứ đó lại chính là điều đáng nói nhất về một con người”.
Điều này đã thể hiện rõ ở tác phẩm Tiếng Người. Để không phải kết thúc vĩnh viễn cuộc hôn nhân với M, để biết mình yêu hay không yêu, Duy biết chỉ còn một cách, anh phải quay đầu để kiếm tìm nguyên nhân của những tiếng gào thét từ bên trong. Anh cần đi đến tận cùng con sóng dữ để hiểu đâu mới thực sự là bến bờ. Và, sự trưởng thành chính là món quà lớn nhất mà tôi đã được nhìn thấy khi bật tung mảnh lưới cuối cùng. Sự trưởng thành mà bất kỳ ai muốn có được đều phải đánh đổi bằng những tháng ngày yên ấm lẫn đắng cay.
Minh Thi
(*) Đọc Tiếng Người, tác giả Phan Việt, Nhà Xuất bản Trẻ.