Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã xem việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường là tình yêu, là cách ứng xử có văn hóa với những giá trị tuyệt vời mà thiên nhiên đã mang lại cho con người…
Cựu chiến binh xã Hòa Châu tham gia dọn vệ sinh môi trường. (Ảnh do Hội Cựu chiến binh xã cung cấp) |
1. Từ đầu năm đến nay, sinh viên (SV) Đà Nẵng liên tục có những sáng kiến, phát minh, đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Trong đó có thể kể đến chiếc máy thu gom rác thủy bộ của nhóm SV chuyên ngành kỹ thuật tàu thủy, khoa Cơ khí, hay dự án xây dựng nhà cứu hộ động vật hoang dã của cô gái Trần Phước Bảo Thư, SV khoa Kiến trúc (cùng học Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng).
Chia sẻ về dự án bảo vệ động vật hoang dã, Bảo Thư nói rằng, cách đây không lâu, cô bị ám ảnh sau khi xem một bộ phim tài liệu nói về nạn săn bắn thú rừng. Nhìn những con vật bị bắt, nhốt, kể cả phải sống vật vờ, đầy thương tật sau khi may mắn thoát khỏi những chiếc bẫy mà con người giăng trong rừng khiến cô đau đớn. Từ đó, Thư luôn muốn làm một điều gì đó để đóng góp vào câu chuyện bảo vệ các loài động vật hoang dã, cũng như truyền cảm hứng yêu thiên nhiên, môi trường đến bạn bè, những người Thư quen biết. Và ý tưởng xây dựng một tổ hợp kiến trúc giúp các loài động vật hoang dã trú ẩn trước sự đe dọa của thiên nhiên và chính con người ra đời khi Thư quyết định tham gia cuộc thi “Kiến trúc xanh SV Việt Nam 2019” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức. Với giải pháp này, Thư đã nhận về giải nhì chung cuộc.
Có thể nói, bảo vệ môi trường – trong suy nghĩ của giới trẻ hiện nay – đã không còn bó hẹp với những hoạt động tham gia làm sạch bờ biển, dọn dẹp vệ sinh hay xóa biển quảng cáo, rao vặt trái phép mà đã tiến một bước dài hơn trong suy nghĩ và hành động, thông qua những sáng kiến, phát minh, những công trình mang tính ứng dụng cao liên quan đến lĩnh vực môi trường.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng tỏ ra tích cực hơn trong việc xây dựng một lối sống xanh, thông qua việc thay đổi thói quen sử dụng những sản phẩm làm từ vật liệu thân thiện. Trong khi nhóm SV Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng miệt mài tổ chức những buổi “đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh”, “đổi giấy lấy cây” thì các bạn trẻ Trường Đại học Đông Á cũng tổ chức những buổi truyền thông hạn chế sử dụng rác thải nhựa, kêu gọi bạn bè không dùng túi ni-lông, ống hút, chai, ly nhựa, hộp xốp sử dụng một lần, thay vào đó là dùng chai thủy tinh, ống tre, ống i-nox hoặc bàn chải tre vừa bảo vệ sức khỏe răng miệng, vừa bảo vệ môi trường.
Là một thành viên tích cực trong câu chuyện truyền thông nói không với rác thải nhựa của Trường Đại học Đông Á, Nguyễn Thị Tuyết Anh, SV ngành Điều dưỡng đa khoa cho biết đã sử dụng ống hút i-nox gần 1 năm nay, kèm theo đó là chiếc chai thủy tinh được bao bọc bởi chiếc túi đan từ len xinh xắn.
Chiếc túi len, chai thủy tinh và ống hút i-nox trở thành vật bất ly thân của cô bạn mỗi khi đến lớp hoặc đi chơi, ăn uống cùng bè bạn. Tuyết Anh khẳng định, đó là thói quen lành mạnh nên sẽ duy trì trong nhiều năm tiếp theo. “Hiện nay, theo mình biết, có rất nhiều người bị vi-rút HP dạ dày, do đó việc sử dụng ống hút cá nhân sẽ tốt hơn sử dụng ống hút nhựa ngoài quán. Ngoài ra, mình đang tìm kiếm sản phẩm bàn chải tre phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân, nếu có sẽ chuyển qua dùng bàn chải tre thay cho bàn chải nhựa như hiện nay. Với những việc làm nhỏ này, mình tin rằng, nếu mọi người cùng tham gia sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường”, Tuyết Anh cho hay.
2. Gần một năm qua, Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển đã bỏ ra gần 600 triệu đồng đóng góp cho phong trào bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Với số tiền trên, bà Nguyễn Thị Kim Liên, giám đốc công ty dùng để mua 10.000 chai thủy tinh đựng nước tặng cho các đơn vị, cá nhân và tặng 40 thùng rác nhựa cho Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố. Tất cả hoạt động này xuất phát từ tấm lòng của một nữ doanh nhân với mong muốn chia sẻ vấn nạn rác thải nhựa đang ngày một tràn lan. Bà muốn truyền đi thông điệp: “Hạn chế rác thải nhựa chính là bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình”.
Từ năm 2008, sau khi triển khai đề án “Thành phố môi trường”, Đà Nẵng tập trung xây dựng những phong trào chung tay bảo vệ môi trường, trong đó nổi bật là những phong trào, cách làm hay của Hội Cựu chiến binh (CCB), Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân thành phố.
Làm mãi thành quen, thành nếp giúp những hoạt động bảo vệ môi trường không còn là phong trào, mô hình như tên gọi ban đầu, mà thật sự lan tỏa, trở thành thói quen mỗi ngày, mỗi giờ của đại đa số người dân. Và không chỉ dừng lại ở những buổi ra quân dọn dẹp vệ sinh, mỗi cá nhân tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, như nói không với ống hút nhựa, hạn chế dùng túi ni-lông khi đi chợ, thu gom pin qua sử dụng, tránh dùng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt hay vun thêm những cành cây xanh quanh góc nhà, dần bỏ thói quen “tiện tay” vứt rác ra môi trường…
“Phụ nữ Đà Nẵng sống xanh, hành động xanh” là tinh thần xuyên suốt của các cấp Hội Phụ nữ thành phố Đà Nẵng thời gian qua. Chị Tăng Hoàng Hôn Thắm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chia sẻ rằng những hoạt động hạn chế sử dụng rác thải nhựa; thu gom, phân loại chất thải nguy hại, chất thải rắn tại các hộ gia đình; mái nhà xanh; thùng rác, sọt rác môi trường; đường xanh hè phố sạch; mỗi hố rác một cây xanh... đã thu hút hàng ngàn phụ nữ tham gia.
Chỉ riêng hoạt động đổi rác lấy quà, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã thu đổi gần 5.000 kg rác tài nguyên, phát 4.600 giỏ nhựa/10.200 túi sinh thái, túi bạt cho phụ nữ đi chợ. Ngoài ra, với hoạt động trồng và chăm sóc cây xanh, chị em phụ nữ đã góp phần trồng hơn 6.000 cây xanh trên các tuyến đường, nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích lịch sử, tận dụng 133 lô đất trống trồng rau sạch, gầy dựng 22 vườn rau sạch, 2 vườn thuốc nam. Cũng theo chị Tăng Hoàng Hôn Thắm, các hoạt động này thường xuyên diễn ra với sự chung tay của 717 nhóm, Câu lạc bộ Sống xanh (khoảng 8.000 thành viên) trên địa bàn thành phố.
3. Không tách rời với chị em phụ nữ trong câu chuyện bảo vệ môi trường, hằng ngày hằng giờ, những người lính trở về sau những năm quân ngũ cũng âm thầm đóng góp tinh thần, công sức gầy dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn.
Phụ nữ quận Hải Châu tham gia phong trào thu gom pin đã qua sử dụng. |
Là một xã vùng ven, hơn 10 năm nay, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) luôn đi đầu trong phong trào CCB bảo vệ môi trường. Tại làng quê này, câu chuyện làng xanh, đường sạch không còn là phong trào, mà trở thành thói quen và cao hơn nữa là một thái độ sống tích cực của mỗi người dân. Được biết, năm 2008, từ phong trào đầu tiên tại thôn Phong Nam, Hội CCB xã Hòa Châu đã tiếp tục gầy dựng các CLB Môi trường tại các thôn Dương Sơn, Tây An, Cẩm Nam và Quang Châu với số lượng thành viên lên tới 200 người. Duy trì hoạt động bằng kinh phí tự đóng góp hoặc vận động từ các mạnh thường quân, bà con xa quê, mỗi thành viên CCB tham gia hàng trăm ngày công vệ sinh đường làng, cổng ngõ, thu gom gần 30 tấn rác, trồng 5.000 cây keo lá tràm và 650 cây sao đen, bằng lăng tím tạo cảnh quan trên những tuyến đường trọng điểm...
Ông Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Châu chia sẻ, câu chuyện bảo vệ môi trường của mỗi cựu CCB Hòa Châu bắt đầu bằng những việc làm rất nhỏ như tập kết rác đúng nơi quy định, dọn vệ sinh sạch vườn, sạch ngõ, trồng cây xanh quanh nhà, hạn chế sử dụng túi ni-lông khi đi chợ. Và không thể phủ nhận rằng, sự đi đầu của các cô, các chú CCB trong bảo vệ môi trường đã tác động tích cực đến nhận thức của các hội, đoàn thể khác để tất cả cùng chung tay xây dựng một làng quê thanh bình, giàu đẹp.
Có thể nói rằng, chỉ khi nào, những việc làm bảo vệ môi trường thoát ra khỏi khuôn khổ của một “phong trào”, một “chương trình” hay một “mô hình” để lan tỏa, trở thành nếp nghĩ, nếp sống, thành thói quen hằng ngày của người dân, thì chắc chắn, Đà Nẵng sẽ thành công trong câu chuyện xây dựng một thành phố môi trường trong tương lai không xa.
Tiểu Yến