Từ nhiều năm nay, hình ảnh người dân ở những khu dân cư cho đến các câu lạc bộ thuộc các trường đại học… gom ve chai bán gây quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đã không còn xa lạ.
Các thành viên của CLB Lịch sử-Văn hóa, trực thuộc Liên chi Đoàn khoa Lịch sử và Hội Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm đi thu gom ve chai từ các phòng ký túc xá của trường để gây quỹ thực hiện chương trình “Noel cho em” tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng sẽ diễn ra vào cuối tháng 12-2019. Ảnh: MAI HIỀN |
Về thôn An Sơn (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) những ngày này, hình ảnh những chai nước suối sau khi sử dụng nằm lăn lóc trên vỉa hè, mép đường ĐT602 dường như không còn nữa vì giờ đây đã có 3 “Mái nhà xanh” được bố trí dọc tuyến đường này với nhiệm vụ “xin” chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt.
Chị Võ Thị Lạc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Ninh cho hay, Hội LHPN xã Hòa Ninh phối hợp với UBND xã tổ chức lễ phát động phong trào chung tay chống rác thải nhựa và ra mắt mô hình “Mái nhà xanh-Nâng bước em đến trường” tại thôn An Sơn. Với mô hình này, Hội LHPN xã kêu gọi toàn thể hội viên phụ nữ cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, tự phân loại rác tại gia đình sau khi sử dụng và bỏ tập trung về “Mái nhà xanh”. Không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà thông qua mô hình này sẽ tạo nguồn kinh phí, gây quỹ thăm hỏi, động viên các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Tích cực hưởng ứng, tham gia mô hình “Mái nhà xanh”, chị Huỳnh Thị Kim Anh (sinh năm 1968, ngụ thôn An Sơn), chủ một quán cơm, mì, nước giải khát chia sẻ: “Mọi khi du khách uống nước xong thường hay tiện tay vứt vỏ chai trên vỉa hè. Nhưng từ khi có những “Mái nhà xanh”, ý thức của du khách cũng được nâng cao, gần như toàn bộ chai nhựa xả ra đều được bỏ vào đây. Riêng tôi có bán nước giải khát nên lượng vỏ chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt mỗi ngày khá nhiều. Tôi thường gom hết vào một bao rồi đem ra “Mái nhà xanh”. Nhỏ lẻ thôi nhưng góp cho mấy đứa nhỏ khó khăn có được quyển vở, cây bút nên tôi vui lắm”.
Là hộ nghèo trong thôn, nguồn sống của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Sen phụ thuộc vào đồng lương công nhân của chị. Chồng chị Sen hay ốm đau nên chỉ làm việc nhẹ, ai kêu gì làm đó. Trong khi ấy, hai vợ chồng chị có 3 con nhỏ đang tuổi ăn học. Đứa lớn nhất mới lớp 6, đứa út học lớp 2, cả 3 em đều chăm ngoan, học giỏi. Để chia sẻ khó khăn của chị Sen, từ khi mô hình “Mái nhà xanh” được triển khai đến nay, Chi hội Phụ nữ thôn An Sơn đã hỗ trợ gia đình chị 800.000 đồng. Không chỉ vậy, số tiền bán ve chai còn được góp vào quỹ khuyến học của thôn và con của chị Sen cũng là những em đã được tặng quà. Những món quà nhỏ nhưng tạo được trong mỗi em một động lực lớn để học tập tốt. Bé Phan Thành Long, con trai út của chị Sen rụt rè nói: “Lúc được nhận quà con thích lắm. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để năm nào cũng được nhận quà”.
Ngoài ra, trước mô hình “Mái nhà xanh”, Hội LHPN xã Hòa Ninh cũng đã triển khai và gặt hái được nhiều thành quả từ việc xây dựng quỹ “thu gom rác tái chế”. Mỗi hội viên phụ nữ tự phân loại rác tại nhà rồi định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý sẽ có người kéo xe đến gom lại, bán gây quỹ giúp đỡ những phụ nữ khó khăn trên địa bàn. Tính đến nay, quỹ “thu gom rác tái chế” thu được hơn 11 triệu đồng. Qua đó đã trao sinh kế cho 5 chị, mỗi chị được 100 con gà giống. Ngoài ra, nguồn quỹ này còn hỗ trợ một mái tôn trị giá 5 triệu đồng cho một chị có hoàn cảnh khó khăn. Chị Lê Thị Khanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đông Sơn (xã Hòa Ninh) chia sẻ: “Tôi nhận thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa khi nhiều trẻ em nghèo học giỏi, gia đình khó khăn đã được giúp đỡ từ nguồn quỹ này”.
Cũng bằng cách gom ve chai gây quỹ tổ chức các chương trình thiện nguyện, hơn 3 năm qua, định kỳ 2 lần/năm, các thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ (CLB) Lịch sử-Văn hóa, trực thuộc Liên chi Đoàn Khoa Lịch sử và Hội Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) lại xách bao đi từng phòng ký túc xá của trường để xin chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt.
Bạn Phan Nguyễn Huy Chinh, Phó Bí thư Liên chi Đoàn Khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm CLB Lịch sử-Văn hóa cho biết: “CLB Lịch sử-Văn hóa được thành lập từ năm 2008 và đến năm 2016 mới triển khai hoạt động thu gom ve chai để gây quỹ, tổ chức các chương trình từ thiện. Đợt chúng tôi gom ít nhất cũng được hơn 400.000 đồng, nhiều nhất được gần 2 triệu đồng. Thông qua hoạt động này, CLB mong muốn lan tỏa thông điệp nên hạn chế dùng đồ nhựa một lần, góp phần bảo vệ môi trường”.
Nếu việc gom ve chai vẫn chưa đủ kinh phí để thực hiện chương trình, các bạn trẻ cũng không ngần ngại đi tìm rác thải tái chế từ các thùng rác. Huy Chinh bộc bạch: “Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là cố gắng có đủ số tiền để tổ chức chương trình, mang những suất quà ý nghĩa đến với các em nhỏ khó khăn nên không hề thấy ngại, cố gắng bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu không hay. Rồi khi nhìn các em nhỏ vui vẻ với món quà nhận được, chúng tôi như được tiếp thêm động lực thực hiện nhiều hơn nữa những chuyến đi thiện nguyện”.
Qua 5 tháng lắp đặt, đến nay, mô hình “Mái nhà xanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Ninh đang được thí điểm tại thôn An Sơn đã thu số tiền hơn 10,7 triệu đồng. Qua đó đã trao 4 triệu đồng cho 8 cháu có hoàn cảnh khó khăn; 4.750.000 đồng được thêm vào quỹ khuyến học của thôn để tặng quà cho 54 học sinh giỏi trong năm học 2018-2019; 2 triệu đồng còn lại góp vào quỹ “thu gom rác tái chế” để giúp đỡ phụ nữ nghèo tại xã. |
MAI HIỀN