Nỗ lực để ngày mai tốt hơn

.

Từng là cựu học sinh nhà trường rồi có cơ duyên quay trở lại nơi mình theo học để công tác, thầy giáo trẻ Lê Mạnh Tấn – giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám đã để lại nhiều dấu ấn không chỉ trong vai trò giảng dạy chuyên môn mà còn ở vị trí Bí thư Đoàn trường năng nổ, giàu nhiệt huyết.

Thầy Lê Mạnh Tấn (giữa) được vinh danh tại lễ tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu 2019. Ảnh: T.L
Thầy Lê Mạnh Tấn (giữa) được vinh danh tại lễ tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu 2019. Ảnh: T.L

Tròn 13 năm về trước, Lê Mạnh Tấn từng là học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Dù nuôi khát vọng trở thành giáo viên đứng trên bục giảng để truyền lại kiến thức cho học trò nhưng có lẽ trong ý nghĩ của anh ngày đó, việc quay trở về mái trường mình từng theo học trong suốt những năm THPT là điều chưa hề nghĩ đến. Như một cơ duyên, sau ngày tốt nghiệp Trường Đại học Sư

phạm – Đại học Đà Nẵng, Tấn gặp lại thầy hiệu trưởng cũ – một người Tấn ngưỡng mộ và luôn kính phục bởi sự điềm đạm, tấm lòng nhân ái và ý nghĩ trở về mái trường cũ để thêm cơ hội được làm học trò của thầy thôi thúc anh từ đó. “Tôi may mắn được trúng tuyển giảng dạy bộ môn Sinh học của Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Đó là năm 2015”, Tấn kể.

Trở về công tác dưới mái trường xưa, Lê Mạnh Tấn nỗ lực gấp nhiều lần, bởi niềm tự hào luôn gắn liền với trách nhiệm. 5 năm giảng dạy ở trường, là giáo viên môn Sinh, thầy Lê Mạnh Tấn luôn nỗ lực trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn; chủ động sử dụng và tổ chức hiệu quả dạy học bằng các phương pháp, kỹ thuật tích cực giúp học sinh hứng thú với bộ môn. Điểm nổi bật nhất trong công tác chuyên môn của thầy giáo Tấn là ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng, thí nghiệm minh họa và kiểm tra đánh giá. Ngoài ra, thầy Tấn còn sử dụng thường xuyên và hướng dẫn đồng nghiệp chấm trắc nghiệm bằng phần mềm trên điện thoại thông minh giúp tiết kiệm thời gian, đem lại hiệu quả tích cực.

Thầy Tấn chia sẻ: “Là giáo viên trong thời đại 4.0, mình phải bắt nhịp để có thể truyền đạt kiến thức và hướng dẫn học sinh thật tốt trong học tập, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn”.

Không chỉ làm tốt chuyên môn, thầy giáo Lê Mạnh Tấn còn được biết đến là một Bí thư Đoàn trường năng nổ, giàu nhiệt huyết. Trong mỗi phong trào, hoạt động do thầy tổ chức đều luôn “có lửa”. Gần 5 năm qua, thầy đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy phong trào Đoàn trường phát triển. Đơn cử như sáng kiến “Biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ, đội, nhóm học sinh trong nhà trường”. Hay gần đây, thầy Tấn lại đưa ra sáng kiến “Biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian cho học sinh trung học phổ thông”.

Với 5 biện pháp chính, trong đó bên cạnh tăng cường sự phối hợp tổ chức của nhà trường, Đoàn trường, thầy Tấn đề xuất lồng ghép tổ chức trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian trong sinh hoạt các CLB, giao cho CLB Kỹ năng tổ chức sinh hoạt trò chơi, CLB Âm nhạc và Mỹ thuật sinh hoạt về văn nghệ dân gian và nghệ thuật dân gian; kết nối cựu học sinh và giao quyền tổ chức các ngày hội cấp trường cho các cựu học sinh. “Ở vai trò dẫn dắt, mình phải luôn biết cách phát huy tối đa năng lực của học trò”, thầy Tấn chia sẻ. Trong công tác điều hành, thầy Tấn đã đưa ra phương pháp sử dụng phần mềm quản lý đoàn viên – học sinh nhằm phát huy hiệu quả và hạn chế các thủ tục hành chính.

Với những thành quả đạt được trong công tác chuyên môn và hoạt động Đoàn, thầy giáo trẻ Lê Mạnh Tấn nhiều lần vinh dự nhận được bằng khen, giấy khen của các cấp. Gần đây nhất, thầy Tấn được tuyên dương danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu 2019 do Thành Đoàn và Sở GD&ĐT thành phố tổ chức.

Chia sẻ về công việc của mình, thầy Tấn cho biết: “Trong công việc chuyên môn cũng như công tác Đoàn, bản thân tôi luôn tự điều tiết thời gian để đem lại hiệu quả tốt nhất. Mình luôn phải tự làm mới bản thân để bắt nhịp với xu thế, đưa ra những phương pháp quản lý cũng như giúp học sinh định hướng phát triển một cách hợp lý. Với riêng công tác Đoàn, ngoài tình yêu, nhiệt huyết, cần có cả sự lăn xả. Tôi luôn cố gắng mỗi ngày để làm sao ngày mai tốt hơn hôm qua. Nghề giáo, nếu học sinh hạnh phúc thì mình cũng hạnh phúc”.

Thiên Lam

;
;
.
.
.
.
.