Hạnh phúc khi được tái sinh

.

Tôi thường có cảm giác bâng khuâng tiếc nuối khi nhìn những cành mai, đào bị vứt trên góc phố hoặc trên xe rác. Hình ảnh ấy lặp lại khá thường xuyên vào những ngày đầu năm, khi những chậu đào, mai, quất tiền triệu đã vắt kiệt sức cây, sắc hoa làm hết nhiệm vụ điểm trang ngày Tết. Chỉ những chậu mai, đào quý mới được lưu luyến gửi lại nhà vườn đợi mùa xuân năm sau.  

Thung lũng hoa đào Mười Lời ở TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Internet
Thung lũng hoa đào Mười Lời ở TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Internet

Cô bạn tôi sau Tết lên mạng xã hội xin những gốc đào bỏ đi để trồng lại; phần vì tiếc của, phần vì tiếc sắc hoa. Nếu ai có hỏi, cô cũng không ngại hướng dẫn từng người cách trộn đất đúng tỷ lệ để cây có đủ dinh dưỡng nuôi lại một gốc. Và sự nhiệt tình ấy chỉ mong sao có thêm dăm ba người sau khi hỏi thăm kỹ lưỡng sẽ trồng thêm đâu đó những gốc đào. Những gốc đào sẽ không phải ra bãi rác mà được hồi sinh trên một mảnh đất nào đó.

Tôi nhớ tới cây đào rừng của ông ngoại trong một cái Tết khi xưa. Đó là cành đào các cậu lụi hụi vượt hàng chục cây số đi từ Đô Lương sang Kỳ Sơn, nhà của bà o chặt về. Ông thường cẩn thận hơ gốc thật khéo. Cảm giác thích thú khi nhìn những đốm lửa đỏ li ti bay lên, hơi nóng phả ra râm ran lên tận mặt. Đó là lúc ông tập trung hết sức vào việc hơ lửa, tưởng dễ mà cực kỳ công vì phải hơ sao cho vừa đủ, thiếu một chút hay quá tay một chút đều không đạt.

Trong lúc tỉ mỉ xoay xoay thân cây đào, ông vẫn không quên trả lời từng câu hỏi ngô nghê của cháu nhỏ: “Ông ơi sao phải hơ gốc đào?”. “Để cây giữ nhựa tươi lâu”. “Ông ơi nhựa cây có giống máu người không?”. “Giống, đó là máu của cây”. “Thế thì cây đau lắm, nhựa chảy ra thế kia”. “Ừ. Phải chấp nhận thế thì cành đào mới có người ngắm, chứ không thì cứ ở tít trong rừng không ai ngó nhìn tới…”.

Ông kỳ công kể hẳn một câu chuyện nhỏ về gốc đào nhút nhát và gốc đào dũng cảm. Gốc đào dũng cảm dám đương đầu ra ánh sáng, chống chọi với gió sương để có nhiều bông hoa đẹp. Gốc nhút nhát chọn một góc vườn âm u, dưới tán cây mít nên chỉ có dăm bông lơ thơ. Cành đào dũng cảm không ngại rời gốc, đi xa và đến với ông cháu đây. Tôi học được những bài học nhỏ từ những cái cây qua lời kể của ông tôi như thế. Những bài học mà lớn lên, đôi khi nghĩ lại vẫn còn thấy giá trị.

Gốc đào chơi Tết của ông tôi không bao giờ bị vứt đi sau Tết. Sau khi tàn hết hoa, nó nẩy những chồi non xanh, nhú những quả đào tí hon có lớp lông tơ như phấn mịn bao quanh, trông rất vui mắt. Lúc ấy, vẻ đẹp của chồi biếc, của quả non thay thế hoàn toàn vẻ đẹp của hoa. Và ông sẽ dành hẳn một buổi chiều rảnh rỗi hì hụi làm đất, bón phân, trồng gốc đào ấy xuống đất. Vì thế, mảnh vườn phía trước sân nhà của ông luôn có vài cây đào. Có thể mùa hoa đào sau sẽ ít hoa hơn mùa trước, dáng cây không chuẩn đẹp bằng, và có khi cành đào ấy nhanh nhảu nở hoa từ trước Tết cả tháng vì ông chẳng phải là tay trồng đào chuyên nghiệp, nhưng nhìn ánh mắt ông đầy tự hào, vui vẻ khi ai đó khen gốc đào trong vườn nhà, tôi biết có những điều còn giá trị hơn cả cái đẹp.

Tôi nhớ tới ông Mười Lời, chủ cũ của thung lũng hoa đào nổi tiếng. Ông kể, trong số những gốc đào đầu tiên của thung lũng hoa đào có không ít cành đào đã tàn phai sau Tết ông trồng xuống. Có một số ông xin của người quen hoặc lượm ở vệ đường.

Có lần, tôi ghé vườn khi ông đang tỉ mỉ cắt những cành đào bé xíu, chỉ tầm hai gang tay. Cành đào ấy sẽ được “nuôi” bằng những túi xốp đựng nước và dinh dưỡng để giữ tươi lâu, rất tiện để theo chân du khách đi xa. Điều kỳ lạ là một người bán đào có cả khu vườn rộng đi mỏi chân không hết nhưng mong muốn khách chơi đào mua những nhành hoa nhỏ nếu thấy chỉ “một nhành xuân” đã đủ để đón xuân. “Một nhành hoa lớn chỉ chơi dăm ngày xuân vứt đi thì phí lắm. Bao nhiêu công của người trồng và của cả đời cây đổ vào đấy”, ông nói.

Ông Mười Lời mất khá lâu rồi, nhưng khi có dịp về Đà Lạt tôi vẫn ghé lại vườn đào xưa. Nhìn những đóa hoa đong đưa mà như thể đang nghe hoa nhắc với mình về một người yêu quý. “Hoa đào năm ngoái” vẫn luôn giữ vẻ dịu dàng, tươi mới khi đón chào người tới thăm.

Mùa này, nếu đến Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 (tỉnh Quảng Trị), những người về nguồn sẽ không khỏi bất ngờ khi thấy các anh chị Ban Quản lý chở những gốc đào, mai, quất đã qua sử dụng xin được về trồng dọc lối đi, hoặc ở những khu đất trống trong nghĩa trang. Hình ảnh những sắc hoa đào cuối mùa vương vít nở, những chồi lá non xanh vươn mình trong nắng mới bên mộ liệt sĩ khiến lòng người thêm ấm áp. Những sắc hoa tái sinh mang nhiều ý nghĩa với cả người sống và cả những liệt sĩ đã gửi lại thanh xuân nơi mảnh đất từng đỏ lửa một thời.

Tôi thường không nỡ nhìn lâu khi vô tình thấy những cây hoa tập kết ra bãi rác. Nào đâu chỉ đào, còn quất, mai, cúc… Thấy thương hoa đã đành mà còn thương cho cả người. Phố hẹp quá và lòng người bận quá, đôi khi chẳng có cơ hội giúp cho một cây hoa tái sinh. Mà kỳ thực, nói như bạn tôi, trồng lại được một cây đào đang tàn sức để cho mùa hoa năm sau, thấy hạnh phúc lắm. Hạnh phúc ấy, chỉ ai đó chịu lấm lem cuốc đất vun trồng, biết đợi chờ và yêu thương một sắc hoa mới có được.

“Những bông hoa vẫn nở đúng mùa”, dù Tết sớm hay muộn, dù bạn có không cần biết gốc đào, gốc mai mình tiện tay ném ra lề đường kia sẽ đi đâu về đâu thì nếu muốn bạn cũng có đào, mai để chưng ba ngày Tết mỗi năm. Nhưng tôi cho rằng, giúp một cành đào tái sinh cũng là một niềm hạnh phúc mà bạc triệu không bao giờ mua được.

Võ Thu Hương

 

;
;
.
.
.
.
.