Đó là mong muốn của nhóm bạn trẻ là sinh viên của Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng khi thực hiện ý tưởng nghiên cứu, sáng chế ra sản phẩm robot phục vụ nhà hàng.
Các bạn trẻ phải dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu trước khi có các lập trình phù hợp cho robot phục vụ nhà hàng. Ảnh: N.H |
Đối với các sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường thì việc tìm tòi, sáng chế một robot có tính năng thay thế con người để hoạt động trong ngành dịch vụ, đặc biệt là phục vụ nhà hàng không hề dễ dàng. Bởi muốn tạo ra một sản phẩm hữu ích phải hiểu, biết rõ được tính chất của công việc phục vụ nhà hàng như thế nào, từ đó có thể thiết kế, lập trình chương trình sao cho phù hợp.
Nguyễn Anh Quốc Huy, Trưởng nhóm nghiên cứu robot cho biết, từ hình ảnh con robot được dùng để chạy hiển thị các thông báo ở trường, nhóm bạn đã thắp lên ý tưởng và phát triển thành robot phục vụ nhà hàng (được nhóm đặt tên là Duta). May mắn cho các thành viên trong nhóm quá trình nghiên cứu luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía nhà trường cũng như các giảng viên Phạm Quyền Anh (một chuyên gia nghiên cứu điện - điện tử) và giảng viên Hà Đắc Bình (Trưởng Khoa Điện - Điện tử của Trường Đại học Duy Tân).
Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của các thầy, nhóm có thêm nhiều kiến thức chuyên môn về mặt chế tạo robot. Các thầy cũng giúp nhóm kết nối được với các nhà hàng, khách sạn để xin đi thực tế, khảo sát về tính chất công việc của nhân viên phục vụ nhà hàng. Từ đó, các em tìm ra được những tính năng cần thiết cần cho robot phục vụ nhà hàng và phát triển thêm các tiện ích phù hợp để robot có thể thích hợp với việc thay thế một nhân viên phục vụ tại nhà hàng.
Theo chia sẻ của nhóm, Robot Duta được nhóm thiết kế như một nhân viên phục vụ nhà hàng, sử dụng 4 bánh xe để di chuyển, có 1 màn hình LCD để biểu thị khuôn mặt với những biểu cảm về trạng thái khác nhau như: vui, buồn, giận, đồng ý thì gật đầu, không đồng ý thì lắc đầu… và một màn hình cảm ứng bên dưới để khách chọn, đặt món ăn, thức uống.
Nhờ màn hình cảm ứng, khách hàng có thể tương tác với Robot Duta để biết về các món ăn trong thực đơn, giá cả… Chính những tích hợp cảm biến bên trong và sự hỗ trợ của các thuật toán AI (trí tuệ thông minh nhân tạo) nên robot này có thể hỗ trợ, tương tác với người dùng bằng các câu lệnh đơn giản với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Cụ thể, robot có thể dẫn đường cho khách đến tận bàn ăn, giao tiếp đa ngôn ngữ, quét mã QR, đặt món qua màn hình LCD, thanh toán xuất hóa đơn cho khách, kiểm kê các món đã hết trong quán, thu thập dữ liệu để thống kê tổng kết cho nhà hàng điều chỉnh chiến lược phù hợp… Tức là có khả năng tương tác để hỗ trợ tối đa nhất cho người dùng.
Khi sử dụng robot phục vụ này thì các nhà hàng sẽ giảm được chi phí thuê nhân viên phục vụ. Bên cạnh đó, robot sử dụng được nhiều loại ngôn ngữ khác nhau giúp linh hoạt trong việc cập nhật thông tin, hỗ trợ đa dạng nguồn khách đến từ các thị trường khác nhau.
Theo sinh viên Nguyễn Anh Quốc Huy, nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của các thầy là giảng viên khoa Điện - Điện tử, mà những người trẻ nghiên cứu khoa học trên giảng đường đã được tham gia dự án chế tạo các robot thông minh hướng dẫn, chỉ đường hay robot phục vụ trong nhà hàng, khách sạn.
Theo đó, nhóm bạn của em được thực hành đúng nghề mình đang theo học, vừa được hiện thực hóa đam mê nghiên cứu robot. Trong tương lai, những sản phẩm như thế này có thể thay thế, hỗ trợ con người trong giải phóng sức lao động, giảm thiểu chi phí trong kinh doanh…
“Tuy sản phẩm này mới chỉ được chế tạo nằm trong phạm vi là các nhà hàng, nhưng sau này nhóm em muốn con robot sẽ đi phục vụ ở khách sạn như là dẫn đường, hỗ trợ mang đồ cho khách, mang thức ăn, nước uống cho khách... Nếu được hỗ trợ thực hiện, em nghĩ nó sẽ mang lại hiệu quả cao”, Huy bày tỏ.
Với sản phẩm robot phục vụ nhà hàng này, các thành viên trong nhóm cho biết thêm, sản phẩm đã giành giải 3 tại cuộc thi “Tuổi trẻ sáng tạo khởi nghiệp” cấp thành phố Đà Nẵng và hiện đang lọt vào Top 10 cuộc thi DTU Startup cấp trường (cuộc thi vẫn đang được diễn ra, sản phẩm Robot phục vụ nhà hàng của nhóm Huy đang đứng thứ 4 trong top 10). |
NHẬT HẠ