Dạy và học thời 4.0

Phát triển năng lực học sinh

.

Trong điều kiện các trường học phải nghỉ học dài ngày để phòng, chống dịch, ngành giáo dục đang áp dụng những thay đổi cơ bản để phù hợp với điều kiện dạy và học hiện nay cũng như sắp tới. Trao đổi với Đà Nẵng cuối tuần, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, cho biết việc đổi mới sáng tạo trong phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá để nhằm phát triển năng lực học sinh.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ

* Những năm gần đây, các đề thi THPT quốc gia có xu hướng ra đề mở, để làm được bài thi này đòi hỏi học sinh phải được dạy học theo hướng sáng tạo, linh hoạt, bám sát đời sống xã hội. Vậy, các trường có những thay đổi gì về phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá…; đội ngũ giáo viên có được khuyến khích để sáng tạo trong cách dạy không, thưa bà?

- Hằng năm, theo hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT thành phố xây dựng hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học đối với từng bộ môn, trong đó hướng dẫn cụ thể về việc đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá.

Cụ thể, việc xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học.

Ngành giáo dục tiếp tục quán triệt tinh thần giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán (Science - Technology - Engineering - Mathematic: STEM) trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở những môn học liên quan.

Chúng tôi cũng chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

Đối với giáo viên, chúng tôi chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh: đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra; tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Đồng thời, trong thời gian lên lớp, giáo viên cần tăng cường tổ chức hoạt động, đề xuất và lựa chọn, hoàn thiện các câu hỏi, bài tập kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực để bổ sung cho thư viện câu hỏi của nhà trường; xây dựng nguồn học liệu mở (thư viện học liệu) về câu hỏi, bài tập, kế hoạch bài học, tài liệu tham khảo có chất lượng trên trang thông tin điện tử của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và các nhà trường. Ngành cũng đã chỉ đạo cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn về đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

* Hiện thành phố đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT để xây dựng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh. Chương trình này đã được thực hiện đến đâu? Ngành giáo dục có tính đến phương án dạy-học trực tuyến mà thời gian dịch bệnh này là một bước thử nghiệm không? Nếu áp dụng phương án học trực tuyến thì cần những nguồn lực gì, những thay đổi cơ bản nào trong chương trình dạy và học?

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng triển khai “Kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành Giáo dục và Đào tạo” theo Quyết định số 795/QĐ-UBND (ngày 13-2-2017) của Chủ tịch UBND thành phố. Theo đó, “Trường học thông minh, lớp học thông minh” là 1 trong 6 chương trình mà kiến trúc ứng dụng CNTT ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng đang được triển khai.

Trong tình hình hiện nay, nhất là lúc đang dịch bệnh, học sinh không thể đến trường;  thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngoài việc phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng phát sóng chương trình dạy học dành cho học sinh lớp 9 và 12, ngành giáo dục đã hướng dẫn các đơn vị tổ chức hoạt động dạy học qua internet, chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng kỹ thuật để lựa chọn các hình thức dạy học qua Internet phù hợp, thực hiện tốt các yêu cầu về bài học, học liệu, sử dụng các phần mềm trực tuyến có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn.

Tuy nhiên, việc vận dụng các hình thức học tập mới là cần thiết trong điều kiện mới bảo đảm cho người học có cơ hội, có thêm sự lựa chọn để tiếp cận và củng cố kiến thức. Qua các phần mềm hỗ trợ học tập trực tuyến, nhà trường, giáo viên có thể biết được sự tham gia, tương tác của giáo viên và học sinh trên mạng. Nhưng dù hình thức nào cũng cần có sự phối hợp, giám sát của phụ huynh học sinh, nhất là học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Để có thể dạy học trực tuyến thành công, nhà trường cần xây dựng lại kế hoạch dạy học dựa trên Công văn số 4612/BGD ĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, cụ thể, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành; lược những nội dung trùng lặp giữa các môn học, không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng; chưa cần thiết dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa, những nội dung nâng cao...

Những buổi học ở bên ngoài lớp học giúp học sinh có thêm kiến thức từ thực tế.  TRONG ẢNH: Học trải nghiệm tại Nông trại sinh thái Vineco Nam Hội An của học sinh Trường tiểu học Núi Thành-Đà Nẵng. Ảnh: PHAN VĨNH YÊN
Những buổi học ở bên ngoài lớp học giúp học sinh có thêm kiến thức từ thực tế. TRONG ẢNH: Học trải nghiệm tại Nông trại sinh thái Vineco Nam Hội An của học sinh Trường tiểu học Núi Thành-Đà Nẵng. Ảnh: PHAN VĨNH YÊN

Giáo viên cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập, chú trọng rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và các nguồn tài liệu khác để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học.

Ngoài ra, nhà trường cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm giúp các tổ chuyên môn thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy học trực tuyến. Tùy theo đối tượng học sinh của mỗi lớp, mỗi trường, từng tổ chuyên môn xây dựng nội dung bài học phù hợp riêng cho từng đối tượng học sinh vì hơn ai hết, giáo viên hiểu rất rõ học lực học sinh của mình nên đã chọn phương pháp dạy phù hợp. Từ đó, học sinh có thể hoàn thành bài học, tiếp thu được nội dung kiến thức cần thiết.

* Trong thời điểm học sinh nghỉ học dài ngày vì Covid-19, ngành Giáo dục thành phố đã có kịch bản gì để chuẩn bị cho việc trở lại trường lớp của học sinh các cấp?

Hiện tại, ngành Giáo dục thành phố đã có sự chuẩn bị cho việc trở lại trường lớp của học sinh các cấp. Đầu tiên là duy trì thực hiện các văn bản của các cấp về phòng chống dịch; hướng dẫn các đơn vị, trường học giữ môi trường sạch sẽ, tươm tất, chuẩn bị đầy đủ nước sát khuẩn, nguồn nước uống sạch... cho học sinh, giáo viên…

Về công tác dạy học thì khi học sinh, học viên đi học trở lại, các trường, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet cho học sinh, học viên ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình; thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm GDTX.

Đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh, học viên củng cố, bổ sung kiến thức. Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình, nội dung dạy học theo từng khối lớp để hoàn thành kế hoạch năm học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

* Xin chân thành cảm ơn bà.

Hải Âu - Hoàng Nhung (thực hiện)
 

;
;
.
.
.
.
.