Dạy và học thời 4.0

Tín hiệu tích cực từ phương pháp dạy học mới

.

Ngành giáo dục thực hiện bước chuyển từ chương trình tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh (HS) học được cái gì đến chỗ quan tâm HS vận dụng được cái gì qua việc học. Để làm được điều đó, việc cốt lõi là thay đổi tư duy và phương pháp của người làm giáo dục.

Hình ảnh một buổi học online qua phần mềm Zoom của lớp 11-3, Trường THPT Trần Phú do thầy giáo Nguyễn Lam Viễn chủ trì. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Hình ảnh một buổi học online qua phần mềm Zoom của lớp 11-3, Trường THPT Trần Phú do thầy giáo Nguyễn Lam Viễn chủ trì. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy không còn xa lạ với HS, đặc biệt là HS ở thành phố như Đà Nẵng. Vài năm trở lại đây, HS THPT đã được tiếp cận các hình thức giao bài tập về nhà, trả bài qua mạng Internet; đã được làm quen với các tiết dạy có nhiều ứng dụng CNTT hiện đại như Bài giảng điện tử, tài liệu mềm học tập do giáo viên (GV) cung cấp như các video, bài tập về nhà, tài liệu trên các trang điện tử uy tín (trong đó có trung tâm học liệu của Sở GD-ĐT Đà Nẵng http://tthl.danang.edu.vn/home/vi/about/Gioi-thieu-ve-Trung-tam-Hoc-lieu-So-GD-DT-TP-Da-Nang/).

Cùng với việc nhiều trường học trên địa bàn được trang bị các công cụ hỗ trợ dạy học hiện đại thì có thể nói HS được tạo điều kiện tối đa để tiếp cận việc học tập có ứng dụng CNTT. Khó khăn lớn nhất của một số HS gặp phải đó là điều kiện kinh tế chưa cho phép trang bị điện thoại thông minh, máy tính lắp đặt Internet,… để phục vụ việc học tập qua mạng; bên cạnh đó việc học tập thường xuyên trên các thiết bị này cũng tạo thói quen không tốt khi quá phụ thuộc vào thiết bị công nghệ.

Trong thời gian gần đây, với sự bùng phát của Covid-19, các trường học ở Đà Nẵng triển khai rất nhiều giải pháp giúp cho HS ôn tập kiến thức và đặc biệt là tạo thói quen thường xuyên tiếp cận việc học bài, làm bài tập hằng ngày dù không đặt chân đến lớp.

Thầy Nguyễn Lam Viễn, GV Toán, Trường THPT Trần Phú cho hay, hiện tại thầy và các GV tại trường đã ghi hình các bài giảng, định kỳ đăng lên YouTube cho các em học mỗi sáng từ thứ Hai đến thứ Bảy theo lịch. GV chủ nhiệm có nhiệm vụ phối hợp cùng cha mẹ HS để đôn đốc các em học tập online thông qua các bài giảng. Ngoài các bài giảng ghi sẵn, HS còn được nghe thầy, cô giảng trực tiếp thông qua các phần mềm như Zoom, Microsoft Teams, Google Class…

Việc này rất thuận lợi cho HS khi có thể tương tác với GV trực tiếp, đồng thời dễ dàng nộp bài, làm bài trực tiếp cho GV và tương tác với các HS khác như ở trường. “Việc dạy học online vì thế đã được nâng lên không những tương tác thầy-trò mà còn trò-trò, trò-bài giảng ghi sẵn và nguồn tài nguyên có sẵn trên mạng. Ngoài các giờ online các em HS còn có thể gửi các thắc mắc qua Messenger, Zalo, Viber,… riêng cho GV. Những hình thức này khá thuận tiện cho học sinh thành phố, ngay như lớp tôi chủ nhiệm trên trường, toàn bộ HS trong lớp đều đã tiếp cận hình thức này.

Tuy vậy đối với học sinh ở những vùng, miền khó khăn sẽ gặp nhiều vất vả hơn. Bên cạnh đó, việc HS không tự giác học online cũng là một khó khăn trong việc quản lý lớp, để khắc phục việc này phải cần sự phối hợp chặt chẽ giữa GV chủ nhiệm và cha mẹ HS.

Việc dạy và học online nếu được thực hiện tốt sẽ giúp được các em HS một phần trong việc tiếp thu kiến thức, tuy vậy khó khăn rất lớn ở khâu đánh giá vì phần nào nó còn phụ thuộc vào tính tự giác của các em. Tóm lại, mặc dù còn nhiều khó khăn, việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy online là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để HS duy trì việc học tập, bảo đảm liền mạch kiến thức, tạo điều kiện cho việc trở lại trường học được thuận lợi hơn trong thời gian đến”, thầy Viễn nói.

Cô Kiều Đỗ Ngọc Trinh, giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho rằng, hiện nay, việc dạy học ứng dụng CNTT không còn xa lạ đối với GV ở các trường học. Các bài giảng điện tử không chỉ dừng lại ở việc trình chiếu mà còn được các GV lồng ghép giữa trình bày lý thuyết và thực nghiệm nhằm phát huy tác dụng của thí nghiệm trong bài dạy.

“Cụ thể ở các môn học khoa học thực nghiệm như môn Vật lý  của tôi thì việc sử dụng và đưa các thí nghiệm thực nghiệm hay thí nghiệm ảo vào trong bài giảng có tác dụng rất lớn trong việc phát huy tính tích cực của học sinh.

Đối với những quá trình, hiện tượng khó xảy ra trong tự nhiên hay khó thu được trong phòng thí nghiệm thì thí nghiệm ảo đem lại hiệu quả rất cao trong việc truyền thụ và lĩnh hội kiến thức. Bằng cách sử dụng các ứng dụng tin học như các phần mềm soạn thảo bài giảng và trình diễn (PowerPoint, Flash, Violet,…) phối hợp với các phòng thí nghiệm ảo (Crocodile, Seasoft Optics, Interactive Physics, Ostralo, PhET…) một cách chọn lọc để mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học của các môn học khoa học thực nghiệm. Ngoài ra, đối với các kiến thức được thiết kế và tổ chức dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp có chọn lọc giúp các em HS có được cách nhìn nhận vấn đề tổng quát và hiểu sâu sắc hơn”, cô Trinh nói.

Biến giờ học khô khan thành trải nghiệm đáng nhớ

Những năm gần đây, đề thi môn Văn THPT quốc gia lẫn các đề thi cấp địa phương khác, đã có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, thường có một câu về đề tài Nghị luận xã hội. Để làm được câu hỏi này, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kỹ năng sống, kiến thức xã hội, cảm xúc với cuộc sống vào bài làm. Văn học là nguồn suối mát lành, làm dịu mát biết bao tâm hồn.

Trong cuộc sống, văn học chính là tấm gương phản chiếu những câu chuyện đời thường nhất, gần gũi và dung dị nhất. Nội dung trong các tiết học của bộ môn Ngữ văn rất đa dạng, gần như bao hàm tất cả các mảng màu của cuộc sống.

Thế nhưng, để có thể biến những điều ấy trở nên dễ hiểu và hấp dẫn thì vai trò của người GV là vô cùng quan trọng. Đặc trưng của Văn học là tính cảm xúc cho nên người thầy phải làm thế nào đưa những nội dung ấy chạm đến trái tim của học sinh.

Chính vì vậy, để có được một tiết học thành công, mỗi người GV phải tìm kiếm và lựa chọn những nội dung, phương pháp phù hợp với từng phân môn. Đọc văn, Tiếng Việt hay Làm văn đều là những phân môn cần được đầu tư một cách chỉn chu nhưng phải luôn chú ý đến  vấn đề: nội dung phù hợp, lấy học sinh làm trung tâm.

Cô Võ Thị Thủy Phượng (Giáo viên dạy Văn, Trường PT Hecmann Gmeiner Đà Nẵng) chia sẻ, sự thích thú với Văn học phụ thuộc rất nhiều vào sự cảm nhận của mỗi học sinh. Người thầy là đối tượng truyền cảm xúc và đưa đến cho các em những bài học, những thông điệp qua mỗi tiết dạy.

Vì thế, để có thể đem đến sự đam mê, thú vị trong mỗi giờ học Ngữ văn đòi hỏi phải dung hòa cả hai yếu tố: sự tâm huyết của thầy cô và sự nỗ lực hoạt động của trò. “Trong những năm gần đây, đề thi môn Ngữ văn được xây dựng theo hướng đề mở.

GV đã tìm hiểu kỹ nội dung này và có hướng dạy phù hợp để vừa truyền đạt những nội dung cần thiết và đem đến cái nhìn toàn diện về cuộc sống xung quanh. Trong mỗi tiết học, GV luôn chủ động lồng ghép những vấn đề, những câu chuyện ngoài thực tế xã hội, đưa ra các hướng giải quyết.

Từ đó, HS sẽ tiếp nhận được nhiều điều đang xảy ra ở đời sống thực tại. Hơn nữa, trong các hoạt động dạy học, thầy cô cũng xây dựng những kế hoạch, chương trình về các vấn đề xã hội như môi trường, giao thông, dân số… để học sinh tham gia”, cô Phượng nói.

Với điều kiện hiện nay, HS có nhiều điều kiện hơn để tiếp cận thông tin thông qua các ứng dụng công nghệ. HS hoàn toàn có thể tra cứu Internet và đọc được nhiều kiến thức hơn cả sách giáo khoa, trò có thể “giỏi” hơn thầy.

Vì vậy, lúc này, vai trò của người thầy không còn là người truyền thụ kiến thức, mà là người gợi mở con đường cho HS tự thu nhận và sáng tạo với kiến thức. Lối học “truyền thụ một chiều” nặng kiến thức được thay thế bằng việc hướng dẫn cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, từ đó hình thành năng lực và phẩm chất cần thiết cho học sinh.

Các hoạt động nhóm được tăng cường, mối quan hệ giữa GV và HS trở thành quan hệ cộng tác có ý nghĩa giúp phát triển nhóm năng lực xã hội. Thầy Nguyễn Thanh Bình, Tổ trưởng tổ Sinh học, Trường THPT Nguyễn Hiền cho rằng, các phương pháp dạy học cần được sử dụng linh hoạt nhằm phát huy tính tích cực, tự giác của người học. Các hoạt động dạy học cần hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh, trên cơ sở đó trau dồi sự linh hoạt, độc lập và sáng tạo của tư duy.

Tuy nhiên dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải bảo đảm được nguyên tắc “HS tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức (tự chiếm lĩnh kiến thức) với sự tổ chức, hướng dẫn của GV”. Đội ngũ GV đóng vai trò quan trọng và then chốt trong mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục theo hướng phát triển năng lực HS. Vì vậy, GV cần luôn không ngừng học hỏi, không ngại đổi mới trong từng giờ học của chính mình.

Bà Phạm Thị Trinh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng: Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc ứng dụng CNTT trong dạy học luôn được toàn ngành tập trung, quan tâm. Sở GD&ĐT triển khai nhiệm vụ chuyên môn từng năm học, hướng dẫn triển khai dạy học bộ môn Tin học là môn tự chọn ở cấp THCS, hướng dẫn đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của HS; sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng CNTT và truyền thông như: dạy học trực tuyến, trường học ảo; coi trọng việc tổ chức dạy học thực hành tại phòng máy tính, bảo đảm đầy đủ số tiết thực hành của HS tại phòng máy. Ngoài việc chỉ đạo dạy học môn Tin học, trang bị các phần mềm, thiết bị hỗ trợ, phòng học bộ môn; công tác tập huấn, bồi dưỡng GV thông qua các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, tổ chức các cuộc thi, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, Sở GD&ĐT hằng năm còn tổ chức tập huấn và triển khai có hiệu quả Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-learning cho tất cả các môn học, cấp học; tạo nguồn học liệu, tài liệu cho HS và GV.
 

Quỳnh Trang

;
;
.
.

Đọc nhiều

.
.
.