Ghi trong những ngày có dịch

Những ngày này, khi theo dõi những hướng dẫn trên các phương tiện truyền thông về cách phòng tránh lây lan dịch bệnh, có thể bạn cũng như tôi, nhớ lại thời niên thiếu của mình. Hóa ra, những thói quen vệ sinh như vậy đã có từ xa xưa, đâu phải bây giờ mới có. Chỉ có điều nó được nhắc lại theo một “quy trình” mang tính khoa học mà thôi.

Những thói quen ấy đã bị chúng ta tự giản lược tự lúc nào không hay biết. Chẳng hạn, chuyện rửa tay, tráng/trụng nước sôi chén đũa trước khi ăn, thì từ thời tiểu học đã có hình minh họa dễ nhớ, dễ hiểu rồi. Thời kỳ những năm 60, 70 của thế kỷ trước còn có thói quen “ăn đũa hai đầu”, hiện nay tuy không còn phổ biến nhưng nó đã từng được sử dụng triệt để nhằm giữ gìn vệ sinh chung trong các bữa ăn tập thể 4 người hoặc 6 người chung mâm tại các cơ quan, đơn vị bộ đội. Bây giờ có ai trong mâm cơm mà trở đũa gắp đồ ăn thì nhiều người thấy chưa quen, giống như trong đầu mùa dịch này ở các nước Âu-Mỹ, hễ thấy ai đeo khẩu trang thì họ cho là điều kỳ lạ, đấy là chưa nói kỳ thị. Tuy hơi xoay trở một chút nhưng thói quen ăn đũa hai đầu thực ra là cần thiết trong những mâm cơm đông người nhưng chỉ có một vài đĩa đồ ăn chung.

Có những thói quen không hề “xa xỉ” chút nào, đó là thói quen đọc sách. Tuổi thơ ai mà chẳng có lần bớt tiền, thậm chí nhịn ăn sáng để dành dụm tiền mua sách. Vậy mà đến khi lớn lên, trưởng thành, thời gian cuốn đi, không ít người trong chúng ta đã không còn thói quen tốt đẹp, nhiều ích lợi ấy nữa! Có tham khảo sách báo thì cũng chỉ đọc những cuốn sách chuyên môn nghiệp vụ phục vụ trực tiếp cho công việc, ít khi đọc trọn một cuốn sách văn học. Bây giờ nghỉ ngơi ở nhà, ngẫu nhiên nhìn lên giá sách, vớ lấy một cuốn tiểu thuyết phủ bụi thời gian, đọc và nghiền ngẫm, bỗng thấy lay động trong mình bao cảm xúc tưởng như đã bị xơ cứng!

Bên cạnh những thói quen “cố hữu” dần dần được “khôi phục”, nhân mùa dịch này, nhiều thói quen không tốt cũng được loại trừ. Ý thức chăm sóc bản thân của mỗi người tốt hơn, không chỉ đối với những người cao tuổi dễ bị tổn thương mà cả những người trẻ tuổi, lớp trung niên. Thói quen ăn uống khoa học, chọn thức ăn có lợi cho sức khỏe, tránh bớt bia rượu, tránh những loại thức ăn không phù hợp cũng là cách được mọi người lựa chọn.

Đâu đâu những ngày này cũng nói nhiều về lòng nhân ái, ý thức cộng đồng. Chính trong lúc mọi người sống một mình hoặc tập trung trong từng gia đình lại là khi chúng ta nghĩ về cộng đồng nhiều hơn, chia sẻ với xã hội nhiều hơn. Nhiều suy nghĩ tích cực về cuộc sống, quan hệ ứng xử trở nên văn minh, quan tâm đến nhau nhiều hơn; đặc biệt là tình cảm dành cho những người trên tuyến đầu chống dịch - những y, bác sĩ, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an. Ngoại trừ số ít người có hành động quá khích, những hành vi tuyên truyền sai trái, còn hầu hết người dân nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Chính phủ. Niềm tin của người dân cũng tăng cao trước những chủ trương, giải pháp của Đảng, Chính phủ trong việc giải quyết những tình huống mới phát sinh ngay trong mùa Covid-19. Lòng yêu nước hôm nay không còn là cái gì trừu tượng, chung chung, mà trở thành những việc làm cụ thể. Ngay cả câu khẩu hiệu mà lâu nay ta chưa từng nghe: “Ở nhà là yêu nước” cũng chính là cách hành xử cần thiết trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội.

Đại dịch Covid-19 rồi sẽ đến lúc kết thúc. Các chuyên gia kinh tế những ngày gần đây có nói về sức bật của chiếc lò xo tiêu dùng sau đại dịch. Nhưng về văn hóa, có lẽ chúng ta lại cần thiết phải tạo một cái chốt hãm để giữ lại những thói quen tốt trong xã hội và trong từng con người. Những thói quen vốn sẵn có, cả những thói quen mới hình thành. Làm sao để đến một lúc, không cần ai nhắc nhở, không cần công an, bộ đội, dân phòng chốt chặn nhưng mọi người vẫn tự giác khi tham gia vào các hoạt động xã hội, giữ gìn sức khỏe bản thân và quan tâm đến sức khỏe, sự an toàn của những người xung quanh mình.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.