Kiểm chứng thông tin

.

Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn chưa thể rà soát triệt để các trang tin giả mạo đang tồn tại nhan nhản trên internet. Những thông tin sai lệch không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người tiếp nhận nó mà khi được phát tán rộng rãi trên internet, các thông tin này có thể gây những hậu quả khôn lường. Trước thực tế đó, việc mỗi người tự xây dựng cho mình “bộ lọc”riêng là rất cần thiết.

Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Đà Nẵng làm việc với ông P.V.T, chủ tài khoản Facebook V.T về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19. (Ảnh do Công an thành phố cung cấp)
Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Đà Nẵng làm việc với ông P.V.T, chủ tài khoản Facebook V.T về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19. (Ảnh do Công an thành phố cung cấp)

Gần 2 tháng nay, ông Trần Trọng An, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia Đình Mới, dành thời gian ngồi điểm tin “dạo” trên Facebook và cung cấp thông tin cho bạn bè. Hằng ngày, ông An phải lọc hàng trăm bản tin, trong số đó có không ít tin giả, tin chưa kiểm chứng kỹ từ các nguồn khác nhau. Ông An chia sẻ: “Để có một tin chính xác, tôi phải kiểm tra từ rất nhiều nguồn khác nhau, có cả nhắn tin, gọi điện hỏi trực tiếp.

Còn tin giả thì người đăng mặc sức thêu dệt, khêu gợi tính tò mò, hiếu kỳ nên thường có lượng người tiếp cận rất lớn”. Ông An cũng chia sẻ một vài mẹo kiểm tra tin giả cho những ai chưa biết - những người thường đặt câu hỏi: có tin như vậy ư?, liệu đây có phải là sự thật không?... Nếu là tài khoản Facebook, hãy kiểm tra timeline (thời gian biểu - PV), xem khuynh hướng đưa tin của họ.

Kiểm tra bạn bè và các bình luận bên dưới sẽ thấy được họ có đáng tin hay không. Nếu là trang web thì sử dụng Google kiểm tra lại thông tin xem các trang web uy tín có đưa thông tin đó không hoặc nhắn tin, gọi điện thoại hỏi những người có liên quan mà mình biết. Với những thông tin ở dạng câu nói được chèn vào ảnh người nổi tiếng thì có thể kiểm tra thông tin bằng cách tìm kiếm trên Google, nếu tìm kiếm không ra đoạn văn bản được chèn vào ảnh cùng hình ảnh trong văn bản gốc thì mặc định là tin giả. Tuy nhiên, kể cả khi tìm kiếm ra thì vẫn phải kiểm tra tiếp đường dẫn có đăng câu nói đó.

Đại diện Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Đà Nẵng cho hay, những đối tượng đăng tin giả thường nhắm vào những vấn đề nóng của xã hội. Như từ đầu năm 2020 đến nay, phần lớn các trường hợp đăng tin giả bị xử lý là tin liên quan đến Covid-19. Những đối tượng này thường có mục đích rõ ràng, xoay quanh các mục đích chính trị, kinh tế, muốn nổi tiếng, tư lợi.

Bạn đọc có thể dùng các bước cơ bản để phân biệt tin thật, tin giả hay trong thông tin tiếp nhận có vấn đề gì sai hay không. Đầu tiên là phải căn cứ vào nguồn tin. Những trang web chính thống bao gồm các trang web của Chính phủ, các bộ, sở, ban, ngành thuộc về Đảng và Nhà nước, những trang web của các tờ báo uy tín. Trong đó, các trang web có đuôi “.vn” là tên miền ở Việt Nam, có kiểm soát và những chủ thể quản lý những trang web có đuôi “.vn” sẽ chịu trách nhiệm về những thông tin họ đăng tải.

Nếu đăng thông tin sai sự thật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nên những thông tin được đăng trên các trang web này có tính chính xác cao. Tiếp đó, người đọc cần đối chiếu thông tin được tiếp nhận qua lại giữa các nguồn tin, nếu thông tin đó được nhiều trang web chính thống đăng tải thì đó là tin thật. Trường hợp cũng với thông tin đó nhưng có trang web cung cấp thêm những thông tin mới thì một lần nữa, bạn đọc phải tiếp tục tìm kiếm thông tin mới đó, xem những trang web chính thống có đăng tải không.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.