Hiện nay đa số sinh viên (SV) chọn cách đi làm thêm để đầu tư kiến thức, kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng nhằm hoàn thiện bản thân, chuẩn bị hành trang tốt nhất cho công việc sẽ làm sau khi tốt nghiệp một cách hiệu quả thay vì chỉ biết học và học như trước.
Phan Nguyễn Khánh Nhi trong một lần làm người dẫn chương trình cho một chương trình của ngành Báo chí, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
1. Bắt đầu làm thêm từ năm nhất đại học, Phan Nguyễn Khánh Nhi (SV năm 2, ngành Báo chí, khoa Ngữ Văn, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) chọn cho mình công việc dạy thêm môn Toán, Tiếng Việt lớp 3, 5. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho ước mơ trở thành một người dẫn chương trình truyền hình, trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức cũng như thực hành những kiến thức được giảng viên giảng dạy trên giảng đường, Nhi còn làm thêm người dẫn chương trình và cộng tác với Báo Quảng Nam.
Nhi chia sẻ: “Em mong muốn có thêm kinh nghiệm để hỗ trợ cho ngành học cũng như ước mơ em đang theo đuổi và có thêm thu nhập để đỡ gánh nặng cho mẹ vì ba em mất khi em học năm nhất đại học. Công việc người dẫn chương trình giúp em có môi trường luyện giọng nói, kỹ năng giao tiếp trước đám đông, giao tiếp với máy quay. Mỗi lần em đứng trên sân khấu là mỗi lần em học được nhiều kinh nghiệm để xử lý những tình huống bất ngờ. Còn cộng tác báo rèn luyện cho em kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tư duy đề tài, kỹ năng viết và cả chụp ảnh”.
Nhi sắp xếp làm thêm vào buổi tối, những ngày trống lịch học trên trường. Vất vả nhất là giai đoạn thi giữa kỳ, cuối kỳ, cô thường tranh thủ làm thêm bài tập sau khi đi làm về. Làm khá nhiều công việc làm thêm song vẫn ưu tiên việc học lên hàng đầu, học kỳ 1 vừa qua, Nhi đạt điểm học tập 8,22. Trước đó, ở học kỳ 2 năm nhất, Nhi cũng đã đoạt được học bổng học tập của nhà trường. Ngoài ra, vào năm 2019, Nhi đạt giải ấn tượng cuộc thi viết “Bến bờ nhân gian” do Báo Giác Ngộ tổ chức, tốt nghiệp người dẫn chương trình loại xuất sắc tại Solvang Media & Entertainment vào cuối tháng 12-2018.
Với Ngô Thị Thu Thảo (SV năm 4, chuyên ngành Quản trị khách sạn, khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng), em bắt đầu làm thêm ngay sau khi tốt nghiệp THPT với vị trí nhân viên bán hàng tại một hội chợ kéo dài 15 ngày. Vào năm nhất đại học, Thảo liền đăng ký tham gia đội lễ tân của trường, thỉnh thoảng Đoàn trường tổ chức sự kiện lớn sẽ huy động đội lễ tân và hỗ trợ mức lương 200.000 đồng/sự kiện. Đồng thời, cô còn đi làm thêm ở Helio Center. Sang năm 2 đại học, lịch học khá dày nên Thảo chuyển sang làm thêm ở rạp chiếu phim Lotte Đà Nẵng. Hè năm 3, được sự giới thiệu của người thân, Thảo xin được vào làm ở vị trí nhân viên phòng Kinh doanh và đặt phòng tại Resort Muca Hội An và làm ở đây 2 tháng hè. Sang năm 4, đến với Ngày hội việc làm do Đoàn trường tổ chức, Thảo may mắn được hẹn đi phỏng vấn ở vị trí nhân viên phòng Sale & Marketing của Resort Centara Sandy Beach Đà Nẵng và được nhận làm nhân viên thời vụ dài hạn. Hiện tại, trong khoảng thời gian tạm nghỉ việc trước ảnh hưởng của Covid-19, Thảo đang tập tành kinh doanh online để có thêm thu nhập.
Thảo cho hay: “Khi quyết định đi làm thêm thì em có hai mong muốn. Thứ nhất là em có thể tự lập trong suốt quá trình đi học. Thứ hai là em có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc ở môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đa số công việc làm thêm của em là tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, điều này giúp em trau dồi kỹ năng giao tiếp cũng như khả năng giải quyết tình huống với khách hàng tốt hơn. Ngoài ra, khi được làm việc ở môi trường chuyên nghiệp như rạp chiếu phim, resort giúp em phát triển được kỹ năng tin học, làm việc nhóm, giao tiếp với đồng nghiệp, khách hàng với phong thái chuyên nghiệp hơn. Các công việc này còn giúp em có được những mối quan hệ xã hội”. Biết cách sắp xếp thời gian phù hợp nên việc làm thêm không ảnh hưởng tiêu cực đến việc học ở trường của Thảo. Cô bạn vẫn duy trì được điểm tích lũy ở mức khá giỏi và còn có thể sắp xếp thời gian học chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học nâng cao, chuẩn bị đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp sắp đến.
Cũng như Nhi, Phạm Ngọc Hải (SV năm 3, chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật ô-tô, khoa Kỹ thuật ô-tô, Trường Đại học Đông Á) bắt đầu làm thêm từ năm nhất đại học. Ban đầu, Hải đi làm thêm tại một quán cà-phê. Làm được hơn 1 năm thì Hải chuyển sang làm nhân viên thời vụ cho một nhà hàng tiệc cưới. Khoảng cuối năm 2 đại học Hải xin vào làm cho một quán nhậu bình dân và gắn bó đến bây giờ. Hải chia sẻ: “Gia đình em không khá giả gì, ba mẹ phải vay tiền để đóng học phí cho em nên động lực lớn nhất để em đi làm thêm là phụ giúp cho ba mẹ được một phần gánh nặng. Sau đó là em muốn tự lập, muốn học hỏi người ta cách kinh doanh vì em dự định, sau khi tốt nghiệp, em sẽ buôn bán phụ tùng hoặc xin vào làm tại showroom bán ô-tô. Trong quá trình đi làm, em tập được tính nhẫn nhịn, kỹ lưỡng, khả năng nhìn nhận công việc, kiềm chế cảm xúc của mình và nắm được tâm lý khách hàng. Và việc em đi làm như vậy cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc học ở trường”. Hải đã đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường trong 2 năm học 2017-2018, 2018-2019.
2. PGS.TS. Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Cần khẳng định rằng, việc đầu tiên mà các em vừa học vừa làm là các em sẽ có nguồn thu nhập bổ sung, giúp trang trải sinh hoạt phí. Ngoài ra, thông qua việc làm thêm, các em sẽ nhận thức được trách nhiệm cá nhân đối với gia đình, nơi làm việc; nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công việc, phát triển được khả năng xử lý vấn đề thực tiễn một cách linh hoạt, hiệu quả; đồng thời, phần nào đó sẽ ứng dụng những kiến thức đã học từ nhà trường trong thực tiễn công việc. Nếu SV biết cách chọn nơi làm thêm phù hợp, sẽ là một cơ hội rất tốt để các em áp dụng kiến thức, kỹ năng chuyên môn được học tại trường vào công việc. Tuy nhiên, SV cũng phải ý thức trước những khó khăn sẽ phải đương đầu khi đi làm. Ví dụ: quỹ thời gian học tập sẽ eo hẹp hơn, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng một phần và các rủi ro có thể gặp khi làm việc như bị lừa đảo, bị lạm dụng…”.
ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Việc lựa chọn làm thêm của các bạn SV có nhiều lý do, có bạn do gia cảnh khó khăn, có bạn thì muốn thử sức bản thân, chọn cách tự lập một phần và có bạn lựa chọn làm thêm như một cách hoàn thiện kiến thức và kỹ năng của mình. Chính vì vậy công việc làm thêm của SV rất đa dạng. Dù là lý do gì thì cũng đều rất đáng trân trọng. SV đã có thể chia sẻ khó khăn kinh tế của gia đình, rèn luyện khả năng tự lập của bản thân, trang bị được nhiều kỹ năng cần thiết, chuyển hóa kiến thức học tập ở trường thành năng lực và kỹ năng của bản thân. Sau khi tốt nghiệp, SV sẽ nhanh chóng hòa nhập được môi trường công việc mới, khả năng phát triển bản thân được nâng cao.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là việc làm “thêm”, có nghĩa là SV phải biết lựa chọn công việc giúp các bạn kiếm thêm thu nhập nhưng phải gần với chuyên môn của mình thì mới mang lại lợi ích nhiều nhất cho bản thân. Thêm một điều nữa là kỹ năng sắp xếp thời gian, cân đối giữa việc làm thêm và việc học ở trường. Có những bạn SV khi làm thêm thì có mức thu nhập rất cao, thậm chí được các doanh nghiệp tiếp nhận và trả lương như nhân viên chính thức dẫn đến các bạn không hoàn thành chương trình học tập ở trường, kết quả học tập thấp, tốt nghiệp chậm, thậm chí là không tốt nghiệp”.
PGS.TS. Lê Văn Huy nói thêm: “Việc đi làm thêm mục đích chính là để SV sử dụng tối ưu hơn thời gian nhàn rỗi. Hoạt động này về bản chất không thay thế được quá trình học tập, rèn luyện kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp tại trường. Khi SV tham gia tuyển dụng, nhà tuyển dụng chuyên nghiệp sẽ quan tâm nhất đến khía cạnh đó, chứ không chỉ tập trung vào việc các em “đã làm thêm” những gì. Cũng cần phải nói thêm rằng hiện nay, không ít những sinh viên đi làm thêm ở những ngành nghề chưa thực sự phù hợp với những ngành nghề đang theo học tại trường, điều này chưa thật sự tốt cho SV nhằm phát triển năng lực của bản thân. Đây là một trong những vấn đề đặt ra cho nhà trường trong việc liên kết với các cơ sở doanh nghiệp, giúp và định hướng cho sinh viên của mình ưu tiên tìm kiếm một công việc tương đối phù hợp”.
MAI HIỀN