...Chiến tranh vô cùng tàn khốc và đã trở thành nỗi ám ảnh suốt đời với bất cứ ai từng trải qua nó. Đến hôm nay, nhân loại đã phải trải qua hai cuộc Đại chiến thế giới, trong đó có thể nói Chiến tranh thế giới thứ 2 (1939-1945) được nói đến nhiều nhất với những sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ nhất.
Nhân loại không bao giờ quên công lao to lớn của đất nước Xô Viết với 27 triệu người đã hy sinh, mất tích trong cuộc chiến đẫm máu nhưng vô cùng vinh quang này để đổi lấy hòa bình và tự do cho nhân loại!
Toàn cảnh Bảo tàng Chiến thắng Moskva. Ảnh: Internet |
Tại thủ đô Moskva của nước Nga có một nơi làm sống lại cuộc chiến cách đây đúng 75 năm, đó chính là Bảo tàng Chiến thắng - một nhân chứng hùng hồn của lịch sử. Có thể nói, hiếm có một bảo tàng nào trên thế giới được xây dựng quy mô hoành tráng và ấn tượng đến như thế khiến bất cứ ai khi đặt chân đến đây đều kinh ngạc và xúc động đến ám ảnh.
Mỗi năm có gần một triệu lượt du khách trên khắp thế giới đến bảo tàng này để tìm hiểu về lịch sử, trong đó có rất nhiều người Việt Nam từng yêu mến và gắn bó với đất nước Xô Viết.
Chúng tôi có mặt tại đây vào những ngày đầu thu tháng 9-2019 của nước Nga. Một chuyến đi, một sự trải nghiệm đáng nhớ!
Trước hết là những thông tin chính về Bảo tàng Chiến thắng Moskva.
…Dù đã có ý tưởng từ những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nhưng mãi đến năm 1985, nước Nga mới chính thức khởi công xây dựng Bảo tàng Chiến thắng trên đồi Poklonaya nằm ở phía tây thủ đô Moskva. 10 năm sau, ngày 9-5-1995, đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít, bảo tàng mới được khánh thành. Bảo tàng gồm 3 tầng rộng hàng ngàn mét vuông, phía trước là một đài kỷ niệm hình tháp gắn các phù điêu bằng đồng đỏ cao 141,8m, tượng trưng cho 1.418 ngày đêm của cuộc chiến. Khu trưng bày chính của bảo tàng rộng 9.543m2 giới thiệu hơn 4.000 hiện vật gốc và hàng vạn hình ảnh, tư liệu lịch sử về chặng đường đi tới chiến thắng của nhân dân Xô Viết.
Mở đầu khu trưng bày và cũng là nơi trang trọng nhất của bảo tàng là phòng giới thiệu các nguyên soái, danh tướng của quân đội Xô Viết, những người góp công to lớn trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại như: Zhukov, Vanhisepski, Timosenko,… Tiếp theo, sau phòng Vinh quang và phòng Tưởng niệm là phòng Triển lãm rộng tới 5.600m2. Nơi đây hằng năm tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: triển lãm chuyên đề, gặp gỡ giao lưu với các cựu chiến binh, các hoạt động nghệ thuật...
Trong kho của bảo tàng hiện lưu giữ 219.472 hiện vật, hình ảnh, tài liệu; trong đó có 169.337 hiện vật gốc đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế và lịch sử văn hóa cao, như: các loại báo chí, tác phẩm nghệ thuật tạo hình, truyền đơn, cờ trướng, các loại vũ khí. Ngoài ra, khu trưng bày ngoài trời rộng hơn 15,3 hecta còn có 260 loại vũ khí hạng nặng khác nhau từng tham chiến như các loại xe pháo hạng nặng, tàu chiến, thủy phi cơ…
Trở lại một ngày tháng 9-2019 đáng ghi nhớ, khi chúng tôi đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng, nước Nga mới chớm thu với vài cơn mưa rào bất chợt xen giữa những ngày nắng đẹp, hệt như thiên nhiên Nga rực rỡ trong bức tranh nổi tiếng “Mùa Thu vàng” của Levitan.
Và đây, những chứng tích lịch sử tại Bảo tàng Chiến thắng khiến mọi người xúc động đến tận đáy lòng. Đau đớn, xót thương, căm giận và khâm phục, đó là cảm xúc chung của bất cứ ai khi đối diện với tất cả những gì mà đất nước và con người Xô Viết đã phải trải qua trong 1.418 ngày đêm.
Trong phòng Vinh Quang của khu Trưng bày, trước những mô hình toàn cảnh 3D được tái hiện sinh động như thật, mọi người như lạc vào các trận đánh nổi tiếng của quân đội Xô Viết như: Kursk, Stalingrad, Dniev, Sevastopol… mà nổi bật là trận phòng thủ Leningrad. Cảm giác trái tim như bị bóp nghẹt thổn thức trước sự hy sinh quá lớn cùng tính cách kiên cường bất khuất của người lính Xô Viết. Đặc biệt nhất là khu vực mô phỏng toàn bộ trận công phá Béc lin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức đúng vào ngày 9-5-1945, thời khắc Liên Xô giải phóng thế giới, chấm dứt cuộc Đại chiến thứ hai.
Và xúc động đến tuôn trào khi bước vào phòng Tưởng niệm của khu Trưng bày. Mắt ai cũng cay xè khi nhìn ngắm những hiện vật gợi lại vô vàn tổn thất đau thương mà người dân Xô Viết phải gánh chịu trong suốt 5 năm chiến tranh… Hàng trăm tấm ảnh đen trắng miêu tả chi tiết thành phố anh hùng Leningrad trong 900 ngày đêm bị phát xít Đức bao vây. Bức tượng bi thương với nỗi đau vô tận của người mẹ bên thi thể đứa con trai vừa ngã xuống nơi chiến trường, rồi những chùm đèn dây bằng pha lê sáng rực như những cặp mắt của những linh hồn bất tử mà số lượng bóng đèn cũng chính là số người Xô Viết đã hy sinh và mất tích trong cuộc chiến.
Tất cả, đã đưa người xem đi đến tận cùng nỗi đau…
Cô hướng dẫn viên của đoàn nói với chúng tôi: Những ai đến với nước Nga, quê hương của Cách mạng Tháng 10 mà chưa đặt chân đến Bảo tàng Chiến thắng thì xem như chưa hiểu rõ về nước Nga và về người Nga, bởi chính qua cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, tính cách Nga với Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và Chủ nghĩa quốc tế vô sản mới bộc lộ rõ nét nhất và đó mới chính là điều được thế giới nói đến nhiều nhất!
Để thế giới có được ngày nay, đất nước Xô Viết đã phải trả một cái giá không nhỏ. Nó không thể đong đếm được mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim và sự đồng cảm, bằng sự kết nối lương tâm con người không phân biệt biên giới, dân tộc và màu da. Và có thể khẳng định một điều chắc chắn, người dân Xô Viết trước đây cũng như nước Nga hiện nay đầy tự hào khi nói với toàn thế giới rằng, họ đã sống, chiến đấu và hy sinh đến cùng trong những cuộc chiến khốc liệt mà không hề hối tiếc vì hòa bình và tự do của nhân loại!
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chiến thắng phát xít Đức, trong bối cảnh đại dịch Covid -19 lan nhanh toàn cầu, trong đó có nước Nga, theo những thông tin chính thống chúng tôi mới ghi nhận được, nước Nga vẫn sẽ tổ chức lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng trọng đại này tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva, tuy nhiên sẽ có một số thay đổi so với mọi năm.
Chính sách đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội cùng nhiều biện pháp nghiêm ngặt khác để ngăn chặn dịch bệnh bảo vệ người dân được Chính phủ Nga tập trung thực hiện quyết liệt. Chính vì vậy, lượng du khách đến nước Nga giảm thiểu và các hoạt động tập trung đông người sẽ hạn chế đến mức thấp nhất. Riêng Bảo tàng Chiến thắng - Moskva được biết hiện tạm dừng hoạt động trong khi chờ đợi những động thái mới của Chính phủ Nga…
Một vài cảm nhận nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chiến thắng phát xít Đức 9-5. Mong sao thế giới sẽ không còn chiến tranh và hòa bình mãi đến với mọi nhà!
TRẦN THANH PHONG