Bảo tàng - tương lai của truyền thống

Giá trị bảo tàng trong dòng chảy văn hóa, lịch sử

.

Đến bảo tàng là con đường ngắn nhất trong việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc. Bảo tàng ở các địa phương không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của vùng đất mà còn tạo ra những giá trị cho nền kinh tế, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, xã hội…

Khách ghi cảm tưởng tại Bảo tàng Đà Nẵng. 		            Ảnh: T.Y
Khách ghi cảm tưởng tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Cảm nhận của bạn, động lực của chúng tôi

Đó là khẳng định của ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng khi nói về những cảm nhận khách tham quan để lại trong cuốn sổ cảm tưởng đặt tại bàn đón khách ở bảo tàng. Mỗi dòng cảm nhận dù dài, dù ngắn cũng được người làm công tác bảo tàng như ông đọc đi đọc lại nhiều lần. Dòng khen thì vui, dòng chê thì đắn đo suy nghĩ làm sao để hình ảnh bảo tàng tốt hơn trong lòng du khách.

Những cuốn sổ cảm tưởng tại Bảo tàng Đà Nẵng được ghi nhiều thứ tiếng khác nhau như Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc… cho thấy sự đa dạng của đối tượng khách đến với địa chỉ này. Trong đó, dễ dàng bắt gặp những dòng lưu bút đầy tình cảm chân thành của du khách thập phương như: “Chuyến tham quan rất thú vị, xin cảm ơn Bảo tàng Đà Nẵng” của ông Noie Normand đến từ Thái Lan; “Bảo tàng rất thú vị. Tôi thật sự thích thú khi được hiểu hơn về lịch sử Việt Nam và Đà Nẵng” của du khách Katie Vincic đến từ Mỹ.

Trong khi đó, bạn Sơn Hảo, sinh viên lớp BT 33, Khoa Di sản văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội viết trong sổ cảm tưởng: “Bảo tàng Đà Nẵng thực sự là địa chỉ đỏ để tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển của địa phương”. Du khách Trần Ngọc Bảo Khánh chia sẻ: “Tham quan bảo tàng là điều tuyệt vời nhất trong những trải nghiệm của tôi. Ở đây có sự quy tụ nét đẹp văn hóa và lịch sử đã mang tới cho tôi những kiến thức về quê hương đất nước”…

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, những dòng cảm nhận, đôi ba lời cảm ơn của du khách thực sự là món quà tinh thần, động lực to lớn giúp cán bộ bảo tàng ngày càng nỗ lực hơn nữa trong công tác chuyên môn, bài trí, thuyết minh giới thiệu hiện vật.

Và, trong những dòng cảm tưởng mà khách để lại cho bảo tàng, ông Thiện đặc biệt chú ý đến cảm nhận của các em học sinh, bởi qua đó, bảo tàng hiểu được thế hệ trẻ đang cần gì, cảm nhận gì sau khi tiếp xúc với những hiện vật lịch sử, văn hóa của dân tộc, của đất nước đang trưng bày, lưu giữ tại đây.

Trong một cuốn sổ cảm tưởng đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, chúng tôi đọc được dòng viết thú vị của một người khách không để lại tên tuổi: “Hôm qua, tôi cùng một người bạn đã đến và phát hiện nơi này quả thật rất thú vị.

Nhiều tác phẩm nghệ thuật với những thể loại khác nhau, từ hội họa đến khắc gỗ, từ đồ họa đến điêu khắc. Khách tham quan có cả người dân địa phương, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam và khách ngoại quốc.

Đặc biệt, không gian ở tầng 3 trưng bày rất đẹp”. Lật sang trang khác, là những dòng cảm nhận khá dài của một du khách nước ngoài: “Tuyệt vời nghệ thuật đương đại Việt Nam. Bảo tàng khá đa dạng về chủ đề trưng bày. Bạn có thể học hỏi nhiều điều từ nghệ thuật Việt Nam cổ xưa cho đến hiện đại, cũng như hiểu thêm một phần về lịch sử Việt Nam. Nơi đây, thỉnh thoảng còn có những cuộc triển lãm chuyên đề nữa”…

Đồng hành cùng ngành du lịch

Trên bản đồ du lịch thành phố bên sông Hàn, điểm tham quan Bảo tàng Đà Nẵng - Thành Điện Hải ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Năm 2017, số lượng công chúng đến Bảo tàng Đà Nẵng là 198.923, thì năm 2019, bảo tàng đón 333.087 lượt khách, tăng 67,4%.

Có thể nói, sau gần 10 năm mở cửa đón khách tham quan, Bảo tàng Đà Nẵng đã vượt xa mục đích ban đầu là một thiết chế văn hóa quan trọng của thành phố, từng bước trở thành điểm tham quan hấp dẫn và nhận nhiều phản hồi tích cực.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có  sức hút đặc biệt bởi sự độc đáo, riêng có của bảo tàng này.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có sức hút đặc biệt bởi sự độc đáo, riêng có của bảo tàng này.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, hiện nay, nhiều công ty lữ hành đã tin tưởng và đưa Bảo tàng Đà Nẵng vào chương trình tour cố định phục vụ du khách các nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Âu - Mỹ, Đông Nam Á… khi đến với thành phố Đà Nẵng.

Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, từ không gian ban đầu khoảng 600m2, trưng bày 270 hiện vật, đến nay đã mở rộng thêm khoảng 4.500m2 và trưng bày hơn 300 hiện vật, bài trí khoa học hơn để phục vụ khách du lịch.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, du khách đến từ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết rất bất ngờ khi được tiếp cận nhiều không gian trưng bày khác nhau tại bảo tàng này, như phòng trưng bày Mỹ Sơn, phòng trưng bày Sa Huỳnh, phòng trưng bày Trà Kiệu…

Mỗi địa điểm đều có những giá trị văn hóa khác biệt, tạo nên sự phong phú của văn hóa Chăm Pa. “Khi tới tham quan bảo tàng, tiếp cận những hiện vật xưa cũ mới thấy nền lịch sử, văn hóa của dân tộc thật phong phú và có nhiều ẩn số thú vị cần được tiếp tục khám phá”, ông Mỹ nói.

Là một trong những công ty du lịch sớm chủ động đưa Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà trưng bày Hoàng Sa vào các tour, tuyến tham quan, ông Trương Minh Huy, Trưởng phòng Du lịch nội địa, Công ty Du lịch Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng cho hay:

“So với khách nội địa, khách nước ngoài có sự quan tâm đến bảo tàng nhiều hơn, chủ yếu là Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Bảo tàng Đà Nẵng. Tôi nhận thấy, việc đưa các bảo tàng vào tour có một ý nghĩa nhất định. Bởi thông qua các bảo tàng, chúng ta có thể gửi đến bạn bè quốc tế nhiều thông điệp về lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Đà Nẵng nói riêng cũng như của dân tộc Việt Nam nói chung”.

Thời gian qua, Bảo tàng Điêu khắc Chăm tích cực xây dựng thương hiệu thông qua hiện vật và công tác truyền thông; trong đó bảo tàng tích cực phối hợp với Sở Du lịch giới thiệu điểm đến, định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch; thường xuyên cung cấp thông tin và các ấn phẩm giới thiệu, quảng bá hình ảnh bảo tàng đến du khách thông qua Trung tâm Xúc tiến du lịch, Trung tâm Hỗ trợ du khách, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các hãng taxi cũng như qua các hoạt động xúc tiến du lịch của thành phố.

Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, việc phát huy giá trị văn hóa - lịch sử, trong đó có hoạt động của các bảo tàng đã và đang được ngành văn hóa và ngành du lịch phối hợp chặt chẽ. Thời gian qua, ngành du lịch thành phố đã quan tâm xây dựng, lồng ghép hoạt động của các bảo tàng vào đề án, chương trình, kế hoạch xúc tiến du lịch của ngành…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố cũng có nhiều hình thức lồng ghép giới thiệu bảo tàng trong các chương trình xúc tiến, chương trình tour, famtrip... “Ngành du lịch và ngành văn hóa sẽ tiếp tục phối hợp, đề ra những giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, giá trị bảo tàng để phục vụ tốt nhu cầu tham quan và tìm hiểu về vùng đất và con người Đà Nẵng”, ông Tán Văn Vương khẳng định.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm khẳng định: Lần nâng cấp, cải tạo, trùng tu, sắp xếp lại bảo tàng năm 2016-2017 do UBND thành phố làm chủ đầu tư với tổng chi phí 44,6 tỷ đồng là bước ngoặt lớn của bảo tàng này, cơ bản đổi mới toàn diện không gian trưng bày hiện vật đến bục để hiện vật, hệ thống đèn chiếu sáng. Từ đó, sức hút của bảo tàng với du khách cũng ngày một lớn hơn. Nếu năm 2017, tiền vé bán ra thu về từ 4-5 tỷ đồng thì năm 2019, là 17 tỷ đồng.

TIỂU YẾN - MAI HIỀN

;
;
.
.

Đọc nhiều

.
.
.