Ẩn mình trong một con hẻm trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu), căn bếp mang tên tình yêu “Grubity Kitchen” do chị La Thị Mỹ Lệ sáng lập và điều hành là một điểm đến khá thú vị. Thú vị ở chỗ nó nằm bên trong một công ty công nghệ, với người dẫn dắt cũng là một CEO công nghệ, vốn chẳng mấy khi có thời gian nấu nướng.
Tạo ra những món ăn thú vị là cách các bạn trẻ khám phá bản thân mình. TRONG ẢNH: Các bạn trẻ tham gia chế tạo món ăn tại Grubity Kitchen. Ảnh: T.Y |
“Mục đích của mình đơn giản thôi, đó là giúp những người xung quanh tự tin bước vào thế giới ẩm thực, yêu và chia sẻ cùng nhau những giá trị từ ẩm thực”, chị Lệ bật mí về lý do đầu tư căn bếp của mình. Thời gian qua, “Grubity Kitchen” đã trở thành điểm đến quen thuộc của rất nhiều đầu bếp trẻ tài năng, đặc biệt là các đầu bếp tại gia.
Tại đây đang dần hình thành một “trung tâm ẩm thực” với rất nhiều chương trình giao lưu lớn nhỏ đã được tổ chức, giúp trang bị cho các bạn trẻ đam mê nấu nướng những kiến thức, kỹ năng về kinh doanh ẩm thực, xu thế ẩm thực hiện đại, từ đó hỗ trợ họ xây dựng thương hiệu cá nhân và giá trị bản thân thông qua ẩm thực.
Với nhiều người, bếp núc chỉ đơn giản là thói quen hoặc buộc phải thế. Nhưng với Đan Chi (bán bánh online, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), nấu nướng là nguồn sống, là niềm vui đầy ắp mỗi ngày. Gặp Chi tại một buổi học nấu ăn ở Grubity, Chi kể: “Mình từng có 5 năm sống ở Singapore, làm việc cho một trung tâm thương mại, cả ngày đi làm, tối về chỉ nghỉ ngơi, đọc sách, thư giãn một chút chứ chẳng quan tâm nhiều tới việc ăn uống hay nấu nướng.
Mọi việc thay đổi khi Chi tham gia một khóa học tìm hiểu về bản thân cùng nhiều người trẻ đặc biệt khác. Ở đó, mọi người dành nhiều thời gian cho nhau và sống chậm lại, tìm thấy niềm vui cùng nhau qua những bữa ăn và dần dần cảm nhận được những giá trị tinh thần từ ẩm thực. Sau đó, mình mày mò, tìm hiểu về nấu nướng, lâu dần thành thói quen, rồi thành niềm đam mê bếp núc.
Và giờ căn bếp là cả thế giới của mình, khi mình từ Singapore trở về Đà Nẵng và khởi nghiệp với một tiệm bánh nhỏ. Một ngày của mình bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, rất cực, nhưng mà vui, vì được sống với đam mê và tất nhiên, kiếm được tiền từ đam mê ấy”. Câu chuyện của Chi chia sẻ ở lớp học hôm ấy còn dài và thật sự thu hút, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.
Trong vài năm trở lại đây, “Fusion food” là phong cách nấu nướng được tìm kiếm nhiều nhất và làm mê mẩn hàng triệu tín đồ ẩm thực trên khắp thế giới, trong đó có nhiều người trẻ đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Đó là những món ăn được chế biến theo xu hướng pha trộn các nền ẩm thực từ truyền thống đến hiện đại của hai hay nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa nhằm tạo ra những biến tấu thú vị, mang đến cho cả người thực hiện lẫn người thưởng thức trải nghiệm mới mẻ.
Sức hút của “Fusion food” nằm ở sự kết hợp đầy sáng tạo trong cách chế biến, trang trí, bày biện món ăn sao cho thật hấp dẫn, lôi cuốn và thể hiện được cá tính riêng. Trong thế giới phẳng hiện nay, nhu cầu khám phá ẩm thực của người trẻ cũng vượt mọi giới hạn, dần tiệm cận đến sự giao thoa và kết nối, không chỉ về mặt vị giác mà còn là cảm xúc, trải nghiệm.
Là một người trẻ đam mê du lịch và khám phá, Lee Đặng, làm việc tại Công ty Hunimedia (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), một blogger dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để chụp hình món ăn trên khắp thế giới theo phong cách “Fusion food”. “Khi bạn nhìn vào một dĩa thức ăn và phải “wow” lên vì kinh ngạc, cảm xúc đó rất đặc biệt.
Tin hay không thì tùy, nhưng có những lúc bạn sẽ cảm động đến phát khóc khi nhìn thấy bóng dáng quê hương mình đâu đó trên một món ăn ở đất nước xa xôi. Đó chính là sự kỳ diệu của ẩm thực kết nối. Mình có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều đầu bếp trẻ ở khắp nơi, có những người dành cả thanh xuân chỉ để hít hà và cảm nhận từng loại gia vị, cũng có những người tìm niềm vui qua việc làm đẹp cho món ăn và sức sáng tạo của họ thật tuyệt vời. Mình lưu giữ những khoảnh khắc đó vì biết nó vô cùng giá trị, đồng thời mong muốn lan tỏa đến nhiều người hơn nữa”, Lee Đặng nói.
Từng tham gia dẫn dắt khá nhiều chương trình về ẩm thực tại Grubity Kitchen, đầu bếp Nguyễn Quốc Nghị, Phó Chủ tịch Hội Đầu bếp miền Trung chia sẻ: “Đừng nhầm tưởng và đánh đồng “Fusion food” với sự lộn xộn và tùy hứng. Với “Fusion”, bạn có thể thỏa sức biến tấu, nhưng không có nghĩa là làm gì cũng được. Nếu bạn xem đây chỉ là nơi trút cơn giận hay xả áp lực, bạn để những cảm xúc tiêu cực điều khiển việc nấu nướng, thì tốt nhất đừng nên bắt đầu.
Cái gì càng sáng tạo lại càng cần có nguyên tắc, sự chỉn chu và kỹ lưỡng trong việc lựa chọn nguyên liệu cũng như chế biến, thiết kế, trang trí món ăn chính là yếu tố đặc trưng của loại hình ẩm thực này. Nấu nướng là cách để chúng ta giải tỏa căng thẳng, nhưng đó là khi bạn để chúng lại ngoài cánh cửa căn bếp và bắt đầu hành trình tìm kiếm những điều tích cực, mới mẻ hơn ở bên trong”.
AN BÌNH