Như một dòng suối trong

Khách du lịch dừng chân ngắm dốc Thẩm Mã, một trong những con dốc đẹp nhất, ngoạn mục nhất trên những cung đường hiểm trở của vùng Đông - Tây Bắc Việt Nam. Từ đây chỉ còn vài chục km nữa là tới Đồng Văn - trung tâm của Công viên địa chất toàn cầu.

Điểm dừng chân này luôn có dăm bảy em bé cả trai lẫn gái mang theo những quẩy tấu đựng hoa cải, hoa tam giác mạch với những bộ trang phục rực rỡ… để khách du lịch có thể chụp ảnh cùng nếu muốn mượn/thuê/mua hoa. Một vài em đã biết tô son. Nhưng các em đều ngoan, được cho quà luôn biết nói “Cháu cảm ơn ạ!”. Các em cũng không ra giá thuê quẩy tấu chụp ảnh thì bao nhiêu tiền. Tùy khách đưa bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Ở đây, và ở vài điểm du lịch khác trên cung đường này cũng vậy. Sau thì tôi biết rằng, ở trường tiểu học các em luôn được cô giáo dặn phải biết cảm ơn, xin lỗi.

Du lịch đi tới đâu đô thị hóa sẽ đi tới đó. Văn hóa bản địa sẽ mai một, cùn mòn, đổi thay. Con người cũng dễ bị tha hóa. Tôi luôn sợ điều đó sẽ đến vào một ngày nào đó đối với nơi mà mình đã sinh ra và luôn nhớ nhung thương mến. Nhưng đến hôm nay thì tôi vẫn còn một phần nào hy vọng. Ít ra những em bé này không biết chèo kéo khách mua hàng, không chìa tay đòi thù lao chụp ảnh, đòi tiền thuê quẩy tấu hoa. Các em đứng đó, mặt mũi tươi sáng, hay cười, hay xấu hổ. Đôi tay thoăn thoắt bện những vòng hoa để khách có thể đội lên đầu. Vòng bện bằng cỏ, lẫn với hoa, rất khéo léo.

Bất giác tôi nhớ truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Hai chị em Liên đã chờ tàu đến từng đêm một trên sân ga nghèo, tối, buồn tẻ. Tiếng còi và ánh sáng từ những đoàn tàu, sự náo nhiệt mà nó mang lại chốc lát khiến hai chị em cô bé chộn rộn lên. Hơn 20 năm trước, khi tôi lên Đồng Văn, các em bé thường nhao ra đường mỗi khi có một chiếc ô-tô xuất hiện. Xe đỗ ở đâu là trẻ em bu kín, soi gương, nhìn ngó. Xe đi thì đứng nhìn theo mãi, cho dù bụi có bốc lên mù mịt. Giờ miền núi này đã khác, đường sá tốt hơn, người đến mỗi lúc một đông hơn, có những thời điểm tắc đường, không đủ nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn chật cứng. Những vị khách từ khắp nơi trên địa cầu đặt đôi mắt hiếu kỳ vào từng ngôi nhà.

Cao nguyên đá không còn những tháng năm yên bình nữa.

Những phiên chợ huyện đầy ngập khách du lịch, đôi lần có cảm giác khách du lịch vào chợ còn đông hơn người bản xứ. Tất nhiên là hầu như họ không mua gì, đi ngắm thôi. Những người đàn ông Mông vẫn thản nhiên ngồi ăn thắng cố, uống rượu, những đàn bà Mông vẫn xếp hàng bán rượu. Nhưng đã thêm vài cô gái Mông bỏ giày vải và xỏ chân trong những đôi boot cao cổ, hoặc giày độn đế cao chót vót. Thêm vài quầy hàng bán điện thoại di động. Điện thoại bày ra như quầy đồ chơi trẻ em. Và hình ảnh cứ đập vào mắt tôi đó là những cái quẩy tấu đan bằng trúc, quai đeo bện bằng lông đuôi ngựa đã trở nên hiếm hoi, thay vào đấy là quẩy tấu nhựa xanh xanh đỏ đỏ. Điều này cũng giống như phụ nữ Mông đã bỏ xà cạp từ bao giờ không biết nữa, thay vào đó thì đi tất hoặc mặt quần ở bên trong chiếc váy vốn dĩ rất đẹp mắt mỗi khi nó xập xòe theo bước đi…

Có những sự xâm lấn nhìn thấy được, từng bước một, văn minh vật chất thế chỗ văn hóa bản địa. Nhìn thấy mà không làm gì được. Bất lực. Cuộc sống của người bản địa như một dòng suối, vốn dĩ yên tĩnh chảy, thì từng ngày từng ngày một, những dòng nước khác hòa lẫn vào đấy. Nó sẽ thay đổi như một tất yếu.

Trong những mất mát ấy, tôi vẫn còn một chút tin yêu vào những em gái Mông bé nhỏ đang đứng ngay bên cạnh mình, cùng nhìn xuống con dốc có những đoạn cua tay áo, vô lăng phải đánh hết mức mới không lao xuống nương ngô hoặc không đâm vào vách đá. Tôi hỏi em bé: Đi học vui hơn hay đi kiếm tiền thế này vui hơn? Em tủm tỉm cười, đi học vui chứ. Học một buổi kiếm tiền một buổi thôi.
Khi xưa, tôi cũng đi học một buổi còn một buổi giúp bố mẹ làm việc nhà, lên rừng lấy củi, ra sông câu cá, tuổi thơ của tôi đã trôi qua thật thanh bình. Và tôi muốn những em bé này cũng có một tuổi thơ thanh bình như thế. Điều ấy, chỉ người lớn mới có thể mang lại.

ĐỖ BÍCH THÚY

;
;
.
.
.
.
.