Dịch bệnh do virus Corona gây ra đã khiến Chính phủ Trung Quốc phải cấm bán động vật hoang dã nhưng một lệnh cấm vĩnh viễn rất khó thực hiện bởi đó là nét văn hóa ẩm thực và con đường giảm nghèo của một bộ phận không nhỏ người dân nước này.
Người lao động trang bị đồ bảo hộ ở chợ động vật hoang dã Vũ Hán hồi tháng 3 vừa qua. Ảnh: New York Times |
Gia hạn thời gian làm luật
Ông Mao Zuqin xây dựng hẳn một trang trại nuôi chuột tre ở miền Nam với hơn 1.100 con từ hơn 5 năm qua. Đây là loại gặm nhấm, song được đánh giá là món ăn ngon của người dân tỉnh Quảng Tây. Ông Mao nằm trong số 100.000 người ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nuôi chuột tre trong 2 thập niên qua và hiện tại có 18 triệu con. Nếu như ông Mao chỉ kiếm được 700 USD/năm từ trồng đậu phụng và bắp thì thu nhập đã lên 14.000 USD/năm kể từ lúc chuyển sang nuôi chuột tre năm 2015 tới nay.
Chính phủ Trung Quốc ra lệnh từ tháng Hai dừng việc mua bán, tiêu thụ, nuôi và săn bắn động vật hoang dã vì xác định khả năng đó là nguồn bùng phát dịch bệnh do virus Corona. Dịch bệnh được cho là xuất phát từ một khu chợ ở Vũ Hán, nơi động vật được giết mổ tại chỗ trong điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Zhong Nanshan là nhà khoa học nổi tiếng tham gia trong cuộc chiến chống lại Covid-19 xác định, hai loại động vật ở Vũ Hán phát dịch là lửng mật và chuột tre. Ông Mao vẫn phải nuôi chúng với hy vọng lệnh cấm sẽ được nới lỏng.
Quốc hội Trung Quốc hoãn phiên họp thường niên vào tháng trước nên không thể thông qua luật mới nhằm chấm dứt vĩnh viễn mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Thay vào đó, cơ quan lập pháp ban hành một chỉ thị để nghiên cứu việc thực thi các quy tắc hiện tại trong dự thảo luật. Một quá trình có thể mất ít nhất một năm với rất nhiều khía cạnh như: y tế cộng đồng, phát triển kinh tế, xác định loại được mua bán hay không, thương mại... Sự gia hạn này làm dấy lên lo ngại Trung Quốc có thể lặp lại tình trạng như dịch SARS năm 2003. Số là lúc đó Trung Quốc cấm bán động vật liên quan tới dịch bệnh là cầy hương nhưng chỉ vài tháng sau đỉnh dịch thì mọi việc đâu trở lại đấy.
Một số thành phố ban hành lệnh cấm săn bắn và bán động vật hoang dã như thủ đô Bắc Kinh hồi tuần trước và Vũ Hán cấm tới 5 năm. Những vùng quê như nơi ông Mao ở, cán bộ địa phương chỉ vận động, thuyết phục người dân bởi thực tế đó là một trong những kế sách xóa đói giảm nghèo. Bộ Nông nghiệp gạch tên chó ra khỏi danh sách động vật nuôi để ăn thịt nhưng đà điểu, vịt xiêm và chuột tre mà ông Mao nuôi vẫn chưa bị cấm.
Bỏ lỡ cơ hội vì… truyền thống và ngành công nghiệp lớn?
Phó Giáo sư Peter J.Li tại Đại học Houston (Mỹ) nhận định, không dễ để Trung Quốc cấm tiệt chuyện mua bán động vật hoang dã. Nếu thực sự quyết tâm thì Chính phủ Trung Quốc thuyết phục được người dân từ bỏ văn hóa ẩm thực được cho là “sâu sắc” này. Họ có cả một tài liệu cổ xưa nói về lợi ích sức khỏe rất lớn từ việc ăn các động vật như gấu, hổ, tê giác. Chính phủ có ngoại lệ về động vật hoang dã để lấy lông và phục vụ nền y học cổ truyền. Một chi tiết rất thời sự là Trung Quốc sử dụng mật gấu để điều trị virus Corona.
Ngoại lệ đã tạo ra lỗ hổng trong việc kinh doanh động vật hoang dã mà đáng chú ý nhất là con tê tê. Loại này được cho là đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và cũng vừa được chính phủ Trung Quốc nâng lên mức bảo vệ cao nhất. Thịt của nó khi mua bán trên thị trường bị cho là bất hợp pháp nhưng các loại thuốc làm từ vảy tê tê thì… không. Một cửa hàng cách quảng trường Thiên An Môn chỉ vài bước chân có quảng cáo thuốc viên nang Guilingji có 28 thành phần, gồm gạc hươu, cá ngựa, não chim sẻ và vảy tê tê để chữa trị mệt mỏi, mất trí nhớ.
Nuôi động vật hoang dã đã trở thành ngành công nghiệp lớn trị giá lên tới 8 tỷ USD hồi năm 2017. Chính vì thế, kế hoạch tạo việc làm và thu nhập thay thế cho hàng triệu người nuôi, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã là cực kỳ khó khăn. Hiện tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã công bố các chương trình giúp người dân bị ảnh hưởng vì cấm mua bán động vật hoang dã. Tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) cũng cho biết sẽ hỗ trợ người nuôi chuột tre, rắn, nhím, cầy hương và hươu; đồng thời, khuyến khích người dân chuyển đổi ngành nghề sang trồng trọt. Mọi thứ vẫn còn chờ cho tới khi Quốc hội có luật để mọi người chọn hướng đi mới hay tiếp tục kinh doanh vì truyền thống và phát triển ngành công nghiệp quy mô lớn.
ANH THƯ (theo New York Times)