Sự ổn định chính trị của Israel ảnh hưởng lớn đến tương lai của khu vực Trung Đông. Song, trong vòng 16 tháng, Israel đã trải qua 3 cuộc bầu cử và có nguy cơ bước vào cuộc bầu cử thứ tư.
Ông Benny Gantz, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Chủ tịch đảng Xanh - Trắng (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang hợp tác trong một chính phủ liên minh. Ảnh: AP |
Khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và đối thủ, ông Benny Gantz, Chủ tịch đảng Xanh - Trắng, thống nhất thành lập chính phủ “khẩn cấp” hồi tháng 5-2020 sau 3 cuộc bầu cử bế tắc, mục tiêu của hai ông là ổn định nền chính trị của đất nước trong lúc đối mặt với đại dịch Covid-19. Theo thỏa thuận liên minh, ông Netanyahu đảm nhận vị trí Thủ tướng trong 18 tháng, cho tới tháng 10-2021; ông Gantz - hiện là Bộ trưởng Quốc phòng - sẽ tiếp quản chức Thủ tướng trong 18 tháng tiếp theo, tức kể từ tháng 11-2021, nửa sau nhiệm kỳ của chính phủ liên minh.
Tuy nhiên, chưa đầy 100 ngày sau khi thành lập vào ngày 13-5, chính phủ liên minh đứng bên bờ sụp đổ khi Israel phải xoay xở ứng phó với Covid-19, khủng hoảng kinh tế và làn sóng biểu tình. Đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu và đảng Xanh - Trắng của ông Gantz vốn ít có điểm chung, lại thiếu tin cậy lẫn nhau nên chính phủ liên minh sẽ không dễ dàng thông qua dự thảo ngân sách trước hạn chót ngày 25-8. Thỏa thuận của liên minh chính phủ kêu gọi ngân sách 2 năm. Song, ông Netanyahu muốn ngân sách này chỉ có hiệu lực trong năm 2020, còn ông Gantz cho rằng ngân sách ngắn hạn như thế là vô nghĩa và yêu cầu ngân sách phải bao gồm cả năm 2021. Nếu không thông qua dự thảo ngân sách trước ngày 25-8, chính phủ sẽ tự động giải tán và Israel bất đắc dĩ bước vào cuộc bầu cử Quốc hội thứ tư chỉ trong vòng 16 tháng qua.
Hai đảng Likud và Xanh - Trắng khác biệt quá mức đến nỗi phải hủy bỏ cuộc họp nội các trong tuần này. Quốc hội dự kiến kéo dài thời hạn cuối thông qua dự thảo ngân sách. Song, dù hai đảng thống nhất về ngân sách thì cũng chưa hẳn sự hợp tác này sẽ bền lâu. Ông Netanyahu không muốn nhường lại chiếc ghế Thủ tướng cho ông Gantz vào cuối năm tới như thỏa thuận. Ông muốn các nghị sĩ của Xanh - Trắng rời bỏ đảng này và về với Likud để bảo đảm thế đa số trong Quốc hội, như thế sẽ tránh phải tổ chức tổng tuyển cử một lần nữa. Thế nhưng, tỷ lệ ủng hộ ông Netanyahu đang giảm sút đáng kể (chỉ còn dưới 30%) trong lúc làn sóng biểu tình dấy lên nhằm phản đối chính phủ về cách thức xử lý đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế. Cuối tuần trước, khoảng 15.000 người đổ xuống đường phố Jerusalem kêu gọi ông Netanyahu từ chức.
Ông Netanyahu nhiều lần nói rằng, ông phản đối việc tổ chức bầu cử và với tỷ lệ thất nghiệp hiện hơn 20%, đây là lúc tập trung đưa nền kinh tế của Israel đi đúng hướng. Một thực tế là dù tỷ lệ ủng hộ cá nhân Thủ tướng Netanyahu giảm, nhưng đảng Likud của ông vẫn dẫn đầu so với các đảng khác, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận.
Chỉ trong gần 100 ngày tham gia chính phủ liên minh, ông Netanyahu và ông Gantz bất đồng về nhiều vấn đề, từ chính sách đến dự luật. Ngay cả quan điểm về các cuộc biểu tình đang diễn ra trên đường phố cũng khác nhau, ông Gantz bày tỏ cảm thông với những người xuống đường; trong khi ông Netanyahu chỉ trích họ là những người cực đoan và vô chính phủ, đang tìm cách kích động chiến dịch chống lại chính ông và gia đình.
Thủ tướng Netanyahu hiện tập trung vào phiên tòa xét xử ông với cáo buộc tham nhũng, gian lận và lạm dụng lòng tin. Trong lúc đó, lãnh đạo đảng Yesh Lapid, ông Yair Lapid, dự kiến đưa ra dự luật cấm bất kỳ ai đang bị truy tố mà vẫn tranh cử Thủ tướng. Dù dự luật này khó được thông qua, nhưng không có nghĩa vị trí của ông Netanyahu không bị lung lay. Tương lai chính trị của ông và tương lai của Israel sẽ ảnh hưởng lớn đến khu vực Trung Đông.
Với dân số khoảng 9 triệu người, Israel là một trong những nước đầu tiên trên thế giới áp đặt phong tỏa toàn quốc. Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nới lỏng các biện pháp hạn chế trong tháng 5 nhằm thúc đẩy kinh tế và tháo gỡ tình trạng thất nghiệp. Với làn sóng Covid-19 thứ hai, trong những tuần qua, mỗi ngày Israel ghi nhận trung bình 2.000 ca nhiễm mới. Vì vậy, chính phủ áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế như cấm tụ tập đông người; nhà hàng, bar, nhà hát, trung tâm thể thao và bể bơi đều đóng cửa. Song, người dân Israel không ủng hộ động thái này, nhất là khi thống kê của Bộ Tài chính Israel cho thấy thâm hụt ngân sách trong giai đoạn 12 tháng kết thúc ngày 31-7 đã lên tới 7,2% GDP. |
THIÊN BÌNH (theo AP, Reuters)