Dư luận quốc tế chỉ thực sự quan tâm nhiều hơn cái tên Kamala Harris kể từ khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chọn bà là người liên danh tranh cử cùng ông.
Bà Kamala Harris, ứng cử viên tranh chức Phó tổng thống Mỹ. Ảnh: AP |
Việc ông Biden chọn ai cho vị trí phó tổng thống ở cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 dĩ nhiên rất quan trọng. Song, căn cứ vào tuổi tác đã cao của ông (77 tuổi), giới quan sát còn nghĩ xa hơn tới khả năng người được cựu Phó Tổng thống Biden chọn có thể sẽ trở thành Tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ sau nếu ông Biden đắc cử lần này. Vậy người phụ nữ được ông Biden tin tưởng mời đồng hành là ai?
Ảnh hưởng từ ông ngoại
Bà Kamala Devi Harris sinh ngày 20-10-1964 tại Oakland, bang California. Bà là con cả của nhà nghiên cứu bệnh ung thư người Ấn Độ Shyamala Gopalan và nhà kinh tế học người Jamaica Donald J. Harris. Một trong những ký ức tuổi thơ sống động nhất của Thượng nghị sĩ Kamala Harris là những lần được ông ngoại dắt tay đi chơi dọc bờ biển ở Chennai, đông bắc Ấn Độ. Nhà họ ở gần đó. Ông ngoại bà Harris, ông P.V. Gopalan, từng làm việc suốt mấy thập niên trong chính phủ Ấn Độ. Đã thành thông lệ, gần như sáng nào cũng vậy, ông Gopalan gặp gỡ những người bạn hưu trí và họ nói chuyện về tình hình chính trị trong lúc đi dạo dọc theo bờ biển ở Besant Nagar, Chennai.
Lúc nhỏ, Harris nhiều lần được mẹ cho về Ấn Độ thăm ông bà. Trong những chuyến về quê đó, cô gái nhỏ thường quẩn quanh bên ông ngoại trong lúc ông và các bạn đàm đạo về quyền bình đẳng, nạn tham nhũng và định hướng phát triển của Ấn Độ trong tương lai. “Tôi vẫn nhớ những câu chuyện họ kể và cả sự say sưa khi họ nói về tầm quan trọng của nền dân chủ”, bà Harris chia sẻ về ký ức trong bài phát biểu năm 2018 trước một nhóm người Mỹ gốc Ấn. “Khi hồi tưởng lại những khoảnh khắc đó, chính những buổi đi dạo trên bãi biển cùng ông ở Besant Nagar đã có ảnh hưởng sâu sắc tới tôi của hôm nay”, bà Harris bày tỏ.
Ông P.V. Gopalan mặc dù ăn mặc như một quý ông thuộc tầng lớp trên của Ấn Độ, nhưng có quan niệm phản bác mạnh mẽ với những định kiến bảo thủ. Ông có tầm nhìn tiến bộ về dịch vụ công và luôn ủng hộ phụ nữ, đặc biệt trong vấn đề giáo dục. Cũng chính nhờ tư tưởng đó mà bà Shyamala Gopalan, mẹ của Kamala Harris, đã được phép một mình tới Mỹ từ cuối những năm 1950 và gây dựng sự nghiệp của một nhà nghiên cứu ung thư vú. Bà Gopalan qua đời năm 2009 vì bệnh ung thư.
“Chúng tôi không ngạc nhiên…”
Ông G. Balachandran, chú của bà Harris hiện sống tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, nhớ lại chuyến sang Mỹ thăm cô cháu gái khoảng 15 năm trước, lúc bà Harris đang là Ủy viên công tố quận của San Francisco, bang California. Khi đó, bà Harris đối mặt với sức ép từ dư luận chỉ trích vì không đề nghị mức án tử hình đối với một người đàn ông bị buộc tội giết một cảnh sát. Bà nhận thấy mức án tử hình không ổn ở nhiều cấp độ, trong đó có những vấn đề bất bình đẳng sắc tộc.
Bất kể sức ép căng thẳng từ lực lượng cảnh sát và một số chính trị gia cao cấp trong bang California, bà Harris không đồng ý làm theo mong muốn của họ. “Con bé đã học được điều này từ mẹ nó. Shyamala đã luôn dạy con gái rằng, không để ai đó tác động đến mình”, ông Balachandran nói.
Vì những quan điểm lập trường trong vấn đề chính sách đối ngoại trên cương vị Thượng nghị sĩ, bà Harris không được lòng một số người ở Ấn Độ. Tuy nhiên, bà đã tạo nên những điều đáng tự hào cho đất nước, nhất là cho cộng đồng ven biển nơi có nhà của ông bà ngoại bà ở Chennai.
Nói về việc Thượng nghị sĩ Harris là người phụ nữ da màu đầu tiên được một đảng lớn ở Mỹ chọn là ứng cử viên tranh cử phó tổng thống, bà Jayanti, người hàng xóm sống cạnh nhà ông bà ngoại của bà Harris chia sẻ với báo New York Times: “Chúng tôi không hề ngạc nhiên”. “Hãy nhìn xem, tất cả những người phụ nữ trong gia đình bà ấy đều có cá tính mạnh mẽ”, bà Jayanti bày tỏ.
TRẦN ĐẮC LUÂN theo New York Times, AP