1. Chưa bao giờ ý thức cộng đồng trở nên quan trọng và cần thiết với con người bằng khi cả nhân loại đang phải căng mình chống lại đại dịch Covid-19, thậm chí có thể nói rằng: Chỉ có ý thức cộng đồng mới giúp chúng ta vượt qua đại dịch! Không phải ngẫu nhiên mà hồi cuối tháng 8-2020, Tạp chí Cộng sản điện tử đăng bài viết của TS. Lê Thị Thu Mai ở Viện Chính trị học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có nhan đề Chủ nghĩa cộng đồng và việc phát huy các giá trị cộng đồng trong ứng phó với khủng hoảng Covid-19 ở Việt Nam.
Qua nhan đề nóng hổi tính thời sự này, tác giả bài viết đã nâng ý thức cộng đồng thành chủ nghĩa cộng đồng - được hiểu là “một xu hướng triết học xã hội và chính trị nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng trong các hoạt động của đời sống chính trị, trong phân tích và đánh giá của các thiết chế chính trị, trong việc tìm hiểu bản sắc con người và hạnh phúc”, có lẽ để đối lập với khái niệm chủ nghĩa cá nhân.
Khi phải chung sống an toàn với đại dịch Covid-19, mỗi người dân cần thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn, thậm chí phải đo thân nhiệt khi đến những nơi công cộng... Ảnh: XUÂN SƠN |
2. Quyền riêng tư của bản thân con người trong cộng đồng rất đáng được xã hội văn minh tôn trọng và được nhà nước pháp quyền bảo vệ, song quyền riêng tư ấy không được ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chính đáng của cộng đồng. Chẳng hạn, có một việc tưởng chừng rất riêng tư của mỗi cá nhân nhưng kỳ thực dễ gây tác hại tới cả cộng đồng là việc người nhiễm khuẩn uống thuốc kháng sinh không đủ thời gian, không đúng liều lượng mà không biết rằng tự mình tùy tiện dừng dùng thuốc như vậy dễ khiến vi khuẩn trở nên nhờn thuốc, dẫn tới nguy cơ kháng kháng sinh tăng lên, và cứ thế… cứ thế thì những người nhiễm khuẩn sau đó sẽ không còn… thuốc chữa! Không nhà lập pháp nào có thể đề ra điều luật để chế tài hành vi “vô tình hóa ra người có lỗi” này.
Giải pháp chủ yếu để điều chỉnh/ chế tài hành vi ấy là làm thế nào nâng cao hơn ý thức cộng đồng của những người chưa hẳn đã thiếu ý thức cộng đồng, chỉ là chưa đủ nhận thức để thấy hết hậu quả phát sinh từ hành vi đáng trách của mình đối với cộng đồng.
3. Trong những ngày “làn sóng thứ hai” của đại dịch Covid-19 bùng phát từ hạ tuần tháng 7 ở thành phố bên sông Hàn, người Đà Nẵng càng thấy rõ hơn mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, chẳng hạn nếu một người chẳng may nhiễm bệnh thì ngay lập tức cả khu dân cư nơi người ấy sinh sống sẽ bị khoanh vùng phong tỏa, cả ngôi chợ nơi người ấy buôn bán sẽ bị đóng cửa cách ly…
Từ đó, ý thức cộng đồng được kích hoạt trong mỗi cá nhân, giúp họ tự giác thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế - được xem là “lá chắn thép” để phòng chống hiệu quả Covid-19: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập và Khai báo y tế; thậm chí tự giác từ bỏ, dần tiến tới từ bỏ hẳn một số thói quen rất tình nghĩa và bình thường xưa nay nhưng giờ đây xem chừng không còn phù hợp với tình huống phải sống chung với dịch bệnh, như bắt tay khi gặp nhau hoặc khi tạm biệt, như vào bệnh viện thăm người ốm - trừ trường hợp người nhà phải thay nhau chăm sóc…
4. Thật ra trong văn hóa Việt Nam, ý thức cộng đồng thường tỏa sáng vào những lúc lịch sử đang có nhiều biến động dữ dội, như Bác Hồ từng khẳng định khi bàn về lòng yêu nước: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn”.
Vì thế, khi Covid-19 bùng phát với những ca dương tính trong cộng đồng, với những ca tử vong không mong đợi, với những tâm dịch phải thực hiện giãn cách xã hội, hay thậm chí phải khoanh vùng phong tỏa, ý thức cộng đồng lại có điều kiện tỏa sáng và tạo nên sức mạnh Việt Nam. Chính vì thế mà vào thời điểm “lặng yên giữa hai đầu giông bão” - khi nới lỏng hoặc gỡ bỏ giãn cách xã hội, càng phải chú trọng “giữ lửa”/ “truyền cảm hứng” đối với ý thức cộng đồng.
5. Gọi là “lặng yên giữa hai đầu giông bão” bởi khi chưa có thuốc chữa bệnh đặc trị, nhất là chưa có vắc-xin phòng bệnh thực sự hữu hiệu, được phổ cập toàn thế giới thì đại dịch Covid-19 vẫn là nguy cơ thường trực đối với cả nhân loại, và cái gọi là “trạng thái bình thường mới” thực chất cũng là trạng thái bất bình thường. Như đã nói trên, chỉ có ý thức cộng đồng mới giúp chúng ta vượt qua đại dịch Covid-19 và chung sống an toàn với đại dịch đáng sợ này.
Ý thức cộng đồng không chỉ giúp chúng ta sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, giúp chúng ta chăm chú hơn trong việc tự bảo vệ mình và bảo vệ những người chung quanh; giúp chúng ta sớm thay đổi thói quen thường nhật; mà còn giúp chúng ta biết chấp nhận không ít điều bất tiện khi sống trong “trạng thái bình thường mới”, chẳng hạn như phải chờ đợi lâu hơn khi xếp hàng, thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn, thậm chí phải đo thân nhiệt khi đến những nơi công cộng…
6. Chú trọng “giữ lửa”/ “truyền cảm hứng” đối với ý thức cộng đồng, cần hết sức tạo điều kiện để nghệ thuật luôn đứng ở tuyến đầu. Không phải ngẫu nhiên mà nhân Ngày Nghệ thuật thế giới 15-4 năm nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) chính thức khởi động chiến dịch “ResiliArt - Nghệ thuật kiên cường” đối với các nghệ sĩ trên toàn cầu và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nêu rõ lý do vì sao phải phát động chiến dịch này: “Giữa khủng hoảng, nghệ thuật vẫn đóng vai trò quan trọng (…).
Những bộ phim, tác phẩm hội họa và nghệ thuật điêu khắc khiến xã hội thoải mái và giải tỏa cảm xúc, mang tới cho con người sức mạnh và sự can đảm để có thể tự do thể hiện bản thân, duy trì kết nối với cộng đồng, kể cả trong bốn bức tường nhà”. Và muốn hoàn thành trọng trách tiên phong này, những người làm văn học nghệ thuật trên thế giới thời gian qua buộc phải đổi mới cách nghĩ cách làm và thực tế đã sáng tạo được nhiều hình thức ứng phó với đại dịch rất độc đáo…
7. Ý thức cộng đồng thường là kết quả của quá trình tuyên truyền, vận động giáo dục lâu dài - từ trên ghế nhà trường, thậm chí từ giai đoạn tiền học đường. Nhưng trong không ít trường hợp, ý thức cộng đồng còn là sản phẩm của quá trình trực quan và làm theo những người có uy tín trong cộng đồng. Vì vậy, chú trọng “giữ lửa”/ “truyền cảm hứng” đối với ý thức cộng đồng, cần hết sức đề cao vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, nhất là của lãnh đạo địa phương, đòi hỏi họ phải rất mẫu mực không chỉ trong việc đề ra các quyết định đúng đắn, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn không ngừng thay đổi; không chỉ trong việc liêm, chính khi chủ trì đầu tư từ ngân sách và từ nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp năng lực xét nghiệm, tiêm phòng dịch bệnh và điều trị của ngành y tế địa phương đối với các bệnh lây nhiễm nói chung và Covid-19 nói riêng; mà còn phải tự giác nêu gương cho người dân trong việc duy trì những thói quen có lợi và từ bỏ những thói quen có thể gây bất lợi khi phải sống chung với dịch.
BÙI VĂN TIẾNG