Thói quen xấu trong cơn nóng giận đã đẩy Novak Djokovic vào cuộc khủng hoảng được cho là tồi tệ nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của anh.
Novak Djokovic (bìa phải) xin lỗi nữ trọng tài biên sau khi vô tình đánh trái banh ra sau trúng bà. Ảnh: Getty Images |
Giải quần vợt Mỹ mở rộng 2020 không có hai tay vợt Roger Federer và Rafael Nadal vì những lý do khác nhau là cơ hội để Novak Djokovic đoạt ngôi vô địch. Tay vợt số một thế giới tới Mỹ với thành tích 26 ván bất bại trong năm 2020 nên cơ hội có được danh hiệu Grand Slam thứ 18 càng rõ ràng hơn. Nếu thắng giải Mỹ mở rộng lần này thì anh chỉ còn cách thành tích của Nadal 1 danh hiệu và cách kỷ lục của Federer 2 danh hiệu nữa thôi. Djokovic 33 tuổi, Nadal hơn 1 tuổi và Federer đã 39 tuổi nên cơ hội vượt lên nắm lấy kỷ lục về số lần vô địch Grand Slam rất cao.
Thuận lợi đó vô tình trở thành áp lực khiến tay vợt người Serbia thể hiện sự nóng nảy vốn có của mình trên sân đấu ở vòng 4. Trận đấu với tay vợt hạng 20 Pablo Carreno Busta trở nên căng thẳng ngay từ ván đầu tiên. Djokovic bị gác 6-5 làm anh nổi nóng móc quả bóng còn lại trong túi đánh ngược về phía sau.
Trái bóng vô tình trúng ngay cổ của nữ trợ lý trọng tài khiến cô ngã quỵ xuống sân. Trọng tài chính Soeren Friemel, giám sát giải đấu Andreas Egli hội ý với những điều luật của Grand Slam về hành động đánh bóng nguy hiểm hay liều lĩnh trong sân, đánh bóng cẩu thả không quan tâm với hậu quả, trước khi đưa ra quyết định truất quyền thi đấu của Djokovic.
Novak Djokovic cúi đầu rời sân mà không nói một lời nào. John McEnroe là một cựu danh thủ từng 7 lần vô địch Grand Slam và từng bị truất quyền thi đấu ở giải Úc mở rộng năm 1990 không đánh giá cao hành động từ chối trả lời báo chí của Djokovic cũng như không đưa ra lời xin lỗi ngay lập tức. Cựu tay vợt 61 tuổi nhận định sự căng thẳng đó có thể đẩy Djokovic vào khó khăn trong phần còn lại của sự nghiệp.
Chuyên gia bình luận người Mỹ này nhận định, còn phải chờ xem phản ứng của tay vợt người Serbia như thế nào ở giải đấu tại Paris sắp tới và giải Pháp mở rộng vào cuối tháng 9 này. Thực tế, Djokovic đã chịu nhiều áp lực trước đó nữa như phớt lờ những khuyến cáo y tế để dính Covid-19 trong một giải đấu giao hữu và bị các đồng nghiệp phản đối việc thành lập một hiệp hội riêng.
Thầy cũ của Djokovic là Boris Becker cho biết đó là thói quen mà anh không thể từ bỏ được dù đã được căn dặn nhiều lần. Tính khí nóng nảy của tay vợt người Serbia hiện rất rõ sau những cú đánh trật hay những ván đấu thua. Anh có thể giật khăn lau một cách hung hăng trên tay các bé gái lượm bóng hay suýt chút nữa vô tình nện vợt lên đầu trợ lý trọng tài ở giải Pháp mở rộng 2016 (thời Becker còn làm HLV) nhưng may là trọng tài né kịp.
Djokovic từng buột miệng hỏi rằng vì sao anh không có được lượng người hâm mộ nhiều như hai đàn anh Federer và Nadal. Đơn giản đó là cách ứng xử trên sân đấu rất khác biệt. Federer dường như luôn nở nụ cười trên môi với trọng tài, những em bé lượm bóng và nhất là người hâm mộ. Tài năng của Djokovic không cần bàn cãi nhưng để trở thành hình tượng trong lòng người hâm mộ không đơn giản chút nào. Djokovic đã nói lời xin lỗi và mong mọi người bỏ qua sự cố được cho là nghiêm trọng này nhưng cốt lõi là anh phải buông xả sự nóng nảy để “hút” mọi người về phía mình khi mà Federder và Nadal xa dần đỉnh cao phong độ.
TỊNH BẢO tổng hợp