Nghĩ về ý thức cội nguồn của người Việt

.

Trong tiếng Việt có một từ rất độc đáo chỉ dùng để nói về người Việt, dành riêng cho người Việt, bởi từ này xuất phát từ một truyền thuyết dân gian Việt Nam - đó chính là từ “đồng bào” xuất phát từ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên. Đồng bào nghĩa là cùng chung một bọc - gắn với câu chuyện Con Rồng cháu Tiên liên quan đến cội nguồn người Việt: “Lạc Long Quân ở với Âu Cơ được ít lâu thì Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc. Sau 7 ngày, cái bọc nở ra một trăm quả trứng. Mỗi trứng nở ra một người con”.

Ý thức cội nguồn của người Việt được thể hiện qua sự gắn bó với quê hương và qua tình cảm đồng hương. Ảnh: Internet
Ý thức cội nguồn của người Việt được thể hiện qua sự gắn bó với quê hương và qua tình cảm đồng hương. Ảnh: Internet

Trên thế giới, chỉ có Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh mới có thể ân cần hỏi hàng vạn người dân đang nghe công bố Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1945 rằng: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Trong trường hợp tương tự, lãnh tụ các nước khác sẽ không thể dùng từ “đồng bào” bởi truyền thuyết về cội nguồn dân tộc họ không phải là cái bọc trăm trứng đặc trưng như dân tộc Việt Nam ta.

Gắn bó với quê hương

Ý thức cội nguồn của người Việt được thể hiện ở một cấp độ hẹp hơn - qua sự gắn bó với quê hương và qua tình cảm đồng hương. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có một câu thơ viết năm 1971 cực tả sự gắn bó với quê hương của những lưu dân người Việt thời mở cõi và không chỉ thời mở cõi: “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Đất nước - Trường ca Mặt đường khát vọng). Cho nên, người Đà Nẵng mới có Hải Châu chánh xã và người Đà Lạt mới có huyện Lâm Hà, và nữa và nữa…

Từng làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố về “Tác động của nhập cư đến văn hóa và lối sống của cư dân Đà Nẵng” cách đây mấy năm, Hngười viết bài này nhận thấy do ý thức về nguồn cội quê hương nên nhiều khi những người phải rời quê cha đất tổ lại rất có ý thức bảo tồn văn hóa cổ truyền, bởi khi chuyển cư đến vùng đất mới, nhất là trong trường hợp nhập cư dài hạn, người nhập cư chỉ có thể mang theo một ít lưng vốn văn hóa/ lối sống cố hương làm hành trang.

Vì không thể mang theo mọi thứ nên họ phải hết sức chọn lọc những gì tinh túy nhất để tiện đi đường, do vậy họ dễ cảm thấy trân quý cũng như rất tự giác bảo tồn cái lưng vốn văn hóa/ lối sống cố hương ấy. Phần lưng vốn văn hóa mà theo tôi là những người/những cộng đồng người nhập cư ở Đà Nẵng - ngắn hạn cũng như dài hạn - bảo tồn thành công nhất là giọng nói. Nhập cư vào một vùng đất mà giọng nói cũng rất đặc trưng là giọng Quảng Nam, vậy mà - có khi đến thế hệ thứ hai/ thế hệ thứ ba, thậm chí sau nữa - người Huế vẫn cứ nói giọng Huế, người Nghệ vẫn cứ nói giọng Nghệ, người Bắc vẫn cứ nói giọng Bắc…

Tôi cũng nhận thấy do ý thức về nguồn cội quê hương, do ý thức cố kết cộng đồng giữa những người cùng quê nên người nhập cư thường có nhu cầu được sống quần tụ một nơi - thuê chung phòng trọ/ nhà trọ hoặc ở cùng một khu tập thể/ một chung cư/ một ký túc xá.

Đây là cách để người nhập cư bớt đơn độc/ thêm tự tin trong quá trình thích nghi và vượt qua những cú sốc văn hóa/ lối sống khi đến vùng đất mới. Trong trường hợp không thể sống quần tụ đông người cùng một nơi, người nhập cư thường dùng hình thức sinh hoạt đồng hương để nâng cao ý thức cố kết cộng đồng và quan trọng hơn là để cùng nhau bảo tồn lưng vốn văn hóa/ lối sống cố hương.

Sống quần tụ một nơi hoặc tham gia sinh hoạt đồng hương, người nhập cư có không gian để gìn giữ văn hóa cố hương - như cùng hát/ cùng nghe các làn điệu dân ca đặc trưng, hay như cùng nấu/ cùng ăn các món ăn đặc sản… của quê nhà, hoặc nhắc nhau nêu gương một người cùng quê đã lưu danh thiên cổ, hoặc đơn giản chỉ là để thưởng thức một bữa “đại tiệc”… giọng Quảng/ giọng Huế/ giọng Nghệ/ giọng Bắc...

Gắn bó với dòng họ

Ý thức cội nguồn của người Việt còn được thể hiện ở một cấp độ hẹp hơn nữa - qua sự gắn bó với dòng họ. Trong gia đình Việt Nam truyền thống, nhất là các gia đình tam đại đồng đường hay tứ đại đồng đường, dòng họ có vai trò đáng kể.

Khi có tình trạng phân hóa do sự bùng nổ nhân khẩu của các gia đình đông con nhiều cháu làm phát sinh thêm những phái mới, chi mới của cùng một dòng họ, nhất là khi người xuất phái, xuất chi không có điều kiện tiếp tục quần cư nơi quê hương bản quán, có quê mà chẳng có nhà, phải đến ngụ cư ở làng khác, thậm chí thành lưu dân xa xứ, vấn đề đặt ra là làm thế nào duy trì được ảnh hưởng của dòng họ đối với các gia đình ra riêng ấy.

Để sự phân hóa nói trên không làm mờ nhạt gốc gác tổ tiên/ cội nguồn dòng tộc, người Việt luôn tìm cách tăng thêm khả năng liên kết giữa các gia đình cùng dòng họ, chẳng hạn như thống nhất cùng đặt tên con theo họ kép (thường có hai chữ: chữ đầu để phân biệt với các họ khác, chữ sau để phân biệt với các chi phái cùng dòng họ), hoặc theo quy định về thế thứ - nhìn vào có thể biết một người thuộc vào đời thứ mấy trong dòng họ; hay như tổ chức giẫy mả - chạp mả hằng năm với mục đích sâu xa là cho con cháu biết họ biết hàng - biết họ là biết bà con cật ruột, còn biết hàng là biết rõ thế thứ, bởi có khi một người đầu râu tóc bạc mình chỉ gọi bằng anh mà cũng có khi mình phải xưng cháu với một anh chàng rất trẻ...

Ý thức cội nguồn của người Việt còn được thể hiện ở cấp độ hẹp hơn cả nhưng lại căn bản hơn cả - qua sự gắn bó giữa các thành viên trong cùng một gia đình.

Sở dĩ nói căn bản hơn cả là vì văn hóa ứng xử trong gia đình góp phần hình thành nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt. Ý thức cố kết họ tộc - biết bà biết con, biết họ biết hàng, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “họ chín đời chưa rời nhau ra” - chính là động lực để các gia đình trong dòng họ cùng nhau gánh vác những công việc thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc như thờ cúng tổ tiên, chăm sóc mồ mả cha ông và nhiều chuyện “phải không” khác. Và người ta khó mà quan tâm đến chuyện nhang khói ở nhà thờ họ tộc nếu luôn sao nhãng chuyện nhang khói ở bàn thờ gia đình mình…

Và người ta dễ có khả năng sao nhãng chuyện nhang khói ở bàn thờ gia đình mình nếu luôn thờ ơ trong việc chăm sóc phụng dưỡng ông bà/ cha mẹ lúc sinh thời. Từ mối quan hệ giữa cá nhân với gia đình, có thể suy ra mối quan hệ giữa cá nhân với dòng họ, với quê hương và với quốc gia/ dân tộc.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 22/SL-CTN cho công chức nghỉ ngày mồng 10-3 âm lịch hằng năm - được luật pháp Việt Nam chính thức công nhận là quốc lễ vào năm Đinh Tỵ 1917 - để tham gia các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương trong cả nước.

Ấn tượng nhất là khi chủ trì Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đầu tiên theo Sắc lệnh số 22/SL-CTN tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ vào ngày 11-4-1946, tức ngày mồng 10-3 năm Bính Tuất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng và Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố thay mặt Chính phủ và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dâng bức bản đồ Việt Nam thống nhất Bắc-Trung-Nam và lá cờ đỏ sao vàng lên bàn thờ Tổ quốc, làm mọi người dự lễ đều cảm thấy tràn ngập một ý nghĩ thiêng liêng về cội nguồn đất nước con Lạc cháu Hồng, con Rồng cháu Tiên. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà ngày 2-4-2007, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động, trong đó nêu rõ: “Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10-3 âm lịch”.

TRẦN NGUYÊN HẬU

;
;
.
.
.
.
.